Ở nhà giãn cách, bà mẹ đau đầu với "hạm đội" diệt sạch gần 3kg thịt cho 2 bữa ăn, tiền chợ trước dịch từ 300k thành 700k/ngày
Cuộc chiến tâm lý giữa các thế hệ trong một gia đình khi phải ở nhà cùng nhau quá lâu.
Ở nhà giãn cách là cơ hội để các thành viên trong gia đình gia tăng tình cảm, chia sẻ và lắng nghe nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, vì ở nhà quá lâu sẽ dễ dàng nảy sinh những vấn đề mà trước nhất đó là sự áp lực, khó khăn dành cho những người phụ nữ - người vợ - người mẹ suốt ngày phải lo chuyện cơm nước cho các thành viên trong gia đình, hay mỗi việc chạm mặt với mẹ chồng hàng ngày cũng trở thành vấn đề không nhỏ.
Điển hình như câu chuyện của các gia đình mà chúng tôi đã được nghe họ kể dưới đây.
Người mẹ đau đầu với "Hạm đội diệt thịt", tiền chợ mỗi ngày tăng hơn gấp đôi trước dịch
Gia đình đông thành viên ở nhà với nhau nhiều tuần liền khiến cho một bà mẹ đau đầu mỗi tối khi phải nghĩ hôm sau sẽ nấu cái gì cho cả ngày. Theo cô Hương (56 tuổi) chia sẻ gia đình cô hiện có tổng cộng 7 người gồm: chồng của cô, 2 cậu con trai, 2 cô con gái và 1 cô con dâu. Thời điểm trước dịch, một ngày của cô là chỉ lo đi chợ nấu bữa trưa cho cả nhà, buổi tối thì cô chú sẽ ăn nhẹ kiểu còn gì ăn nấy, trong khi các con cô cũng tự chuẩn bị đồ ăn riêng hoặc đa phần là ăn ở ngoài vì tính chất công việc.
Trong khi dân tình kêu thèm món này đến món kia thì ở nhà cả nhà lại được cô Hương nấu cho những món rất đặc sắc.
Khi có lệnh giãn cách thì cuộc sống mọi người gần như đảo lộn. Thay vì trước dịch ai cũng bận bịu, suốt ngày ở ngoài làm việc chẳng thấy đâu thì bây giờ ở nhà đầy đủ. Điều đó đồng nghĩa với công việc của cô Hương cũng tăng, mà chuyện nấu ăn, chợ búa cũng trở thành một vấn đề mà sau gần 2 tuần mới kịp định hình...
Cô Hương cho biết ngay khi có lệnh giãn cách lần 1, cô đã phải gọi điện cho các chị tiểu thương quen ở chợ giao thịt, cá, trứng, rau,... chất đầy chiếc tủ lạnh hơn 200l ở nhà.
"Nhưng sao vèo cái chưa được một tuần mà đồ ăn đã vơi... Đó là chưa kể các thể loại bánh ngọt, trái cây, đồ ăn vặt chất đầy ở ngoài cũng sạch sẽ sau 1 tuần đầu" - cô Hương cho biết.
Một bàn ăn chỉ dành cho bữa trưa của một gia đình 7 người tại Sài Gòn.
"Công tác" nấu nướng của cô Hương cũng gặp không ít vấn đề vì mọi thành viên trong gia đình không ai giống ai...
"Mấy khi cả nhà đông đủ nên cô cũng nấu món này món kia, cũng tụ tập ăn uống rồi nói chuyện vui vẻ lắm. Nhưng bắt đầu tới tối là cô phải đi coi tủ lạnh còn gì, thiếu hay đủ để sáng còn mua thêm. Lo cho cả nhà đủ một ngày ba bữa thôi cũng hết cả ngày của cô. Chồng cô thì thích ăn thanh đạm, con cô đứa thì giảm cân, mấy đứa thì thích ăn thịt. Cô không tin nổi là bảy người ăn hết 2,5 kí thịt ba rọi chiên trong bữa trưa, cô phải kho thêm nồi thịt 2 kí với chục cái trứng. Bây giờ tính chi phí ăn uống thôi đã tăng gấp 2 gấp 3 lần lúc trước rồi.
Mấy đứa con biết vậy nên cũng đã "thanh toán" lại chi phí chợ búa cho cô và trả hết mọi khoản chi phí trong nhà ngay sau đó và trở về sau. Với có cô con gái thứ 3 sau khi sắp xếp được công việc cũng đã hỗ trợ cho cô về phần nấu nướng nên cô cũng đỡ rất nhiều."
Số thịt này chỉ đủ cho một bữa trưa...khiến cô Hương "tá hỏa".
Nồi cà ri với 2 con gà cũng chỉ đủ 1 bữa trưa và một ít vào buổi chiều.
Bỗng dưng trở thành "cái máy" giúp việc trong suốt mùa giãn cách
Gia đình chị A.P (tên viết tắt) chỉ có hai vợ chồng, mỗi người lại một công việc nên cả hai chỉ gặp mặt lúc hết việc và cùng ăn tối. Bình thường chị P đi làm giờ hành chính, việc nội trợ với chị cũng không quá tải vì chị biết cách sắp xếp để cân bằng thời gian hợp lý. Khi chuẩn bị giãn cách, chị P cùng chồng quyết định đón mẹ chồng lên ở cùng để tiện chăm lo. Ngôi nhà lại có thêm thành viên là đứa cháu chồng đến ở tạm vì tình hình dịch, ở trọ bên ngoài nguy hiểm.
Chị A.P chia sẻ rằng không ngờ chị trở thành "cái máy" hoạt động nhân đôi công suất trong những ngày cả gia đình ở nhà giãn cách: "Tôi cứ nghĩ giãn cách vài tuần thì chỉ ở nhà chăm lo nội trợ, sẽ có thời gian nghỉ ngơi chăm sóc bản thân một chút. Nhưng đó chỉ là nghĩ, thực tế là tôi chẳng khác gì cái máy hút bụi, máy rửa bát, máy nấu ăn cho cả nhà đấy".
"Lúc đầu rất vui vì cả gia đình có thời gian quây quần bên nhau, chăm sóc và lo lắng được cho mẹ. Nhưng mà vài ngày thôi, tâm lý của tôi bắt đầu mệt mỏi và căng thẳng. Ở nhà làm việc nhà nhưng làm hoài không hết, còn mệt hơn cả lúc tôi vừa đi làm vừa nội trợ. Đi chợ thì khó khăn, có thêm thành viên nên tôi cũng chuẩn bị đầy đủ các thứ cho chu đáo. Cháu chồng thì vô tư, nhà cửa vốn ngăn nắp nay lung tung hết cả lên, chạy theo sau dọn cũng hết giờ. Chồng tôi bình thường làm về muộn hơn nên tôi để cho nghỉ ngơi, nay rảnh rỗi ở nhà cũng quen thói chẳng giúp được việc gì".
Theo đó, chị A.P là một trong những trường hợp trải qua mùa giãn cách như cơn ác mộng. Rất nhiều chị em bị khủng hoảng khi phải đối mặt với áp lực và mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Nhiều gia đình cảm thấy thời gian ở nhà cùng nhau là cơ hội để vun đắp tình cảm, chia sẻ và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Nhưng niềm vui chỉ thật sự khi tất cả đều biết chung tay cùng nhau nấu ăn, tân trang nhà cửa hoặc dành nhiều thời gian để lắng nghe và chia sẻ vấn đề của nhau.