Ở một nơi hoa lệ như Hồng Kông, vẫn còn trẻ em phải sống chung với chuột, cơm ăn không đủ no
Hàng trăm nghìn trẻ em Hồng Kông được xác định sống dưới mức nghèo khổ, ở trong những căn nhà ổ chuột bẩn thỉu.
Li Ching-wang, 12 tuổi, đang ngủ thì thấy một con chuột chạy lên trán em. Cậu bé định đập con chuột nhưng nghĩ lại, Li túm lấy nó, ném sang phía bà nội đang ngủ bên cạnh.
"Lúc đấy con chuột đang ngủ trên mặt cháu thì phải", Li nhớ lại.
Li và em trai 9 tuổi đang sống cùng gia đình trong một căn hộ đổ nát, bức bối ở khu Cheung Sha Wan. Hai cậu bé là một phần trong số 235.100 trẻ em Hồng Kông được xác định đang sống dưới mức nghèo khổ.
Căn hộ nhà Li chỉ rộng khoảng 20 mét vuông và có rất nhiều chuột. Phân chuột có thể nhìn thấy ở mọi góc trong nhà. Trong phòng ngủ nhà Li có chiếc giường 2 tầng. Mỗi đêm, trên trần nhà lại nhỏ nước từ chiếc đường ống bị hỏng đã lâu.
Gia đình Li sống trong căn hộ chật hẹp đầy chuột.
Khoảng 23,3% trẻ em Hồng Kông được xác định ở diện nghèo, không được ăn uống và giáo dục đầy đủ. Sze Lai-shan, một tình nguyện viên xã hội nói rằng chính sách hiện nay, về lý thuyết, có thể cung cấp cho gia đình nghèo đủ ăn. Tuy nhiên, nhiều gia đình phải nhịn ăn, bỏ bữa để tiết kiệm tiền cho con đi học, tham gia đầy đủ hoạt động ở trường.
Khoảng 26,6% trẻ em tham gia một cuộc khảo sát cho biết ngày chỉ ăn 1- 2 bữa để tiết kiệm tiền. Phần lớn trẻ em nghèo đều thiếu dinh dưỡng.
Gia đình bé Li là một điển hình khó khăn. Mẹ Li là một người Trung Quốc nhập cư vẫn chưa làm được cư trú. Nhà quá nghèo nên Li chẳng dám mơ gì đến một Noel đầy quà tặng.
Ước muốn duy nhất của cậu bé là được đến Café de Coral để ăn cơm với thịt lợn thái hạt lựu và ngô ngọt. Giá của một món ăn đó có thể đủ để cả nhà Li ăn một bữa trưa. Mẹ Li cho biết cô từng mưa cơm cuộn hàng rong trên phố và đó là bữa ăn trưa của 3 mẹ con.
Rất khó để trẻ em Hồng Kông được trợ cấp ăn trưa tại trường.
Theo quy định, trẻ em Hồng Kông có thể xin trợ cấp đặc biệt để được nhà trường ưu đãi. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng. Một người mẹ tại khu Sham Shui Po tên Jen nói rằng rất khó để có thể làm đủ giấy tờ xin trợ cấp.
"Đầu tiên là phải xác nhận từ chủ công ty, rồi thì báo cáo thu nhập hàng tháng. Không phải giám đốc nào cũng dễ dàng ký vào giấy này. Nếu chính quyền không can thiệp thì thôi cũng đành phải giảm tiền ăn để thêm tiền cho con đi học thôi", Jen nói.
"Bây giờ, chúng tôi chỉ biết đến nhà ăn từ thiện để được ăn miễn phí 2 lần/ ngày, 5 ngày/ tuần". Nhà ăn từ thiện này là nơi tập trung thức ăn thừa sau đó phân phát lại cho người nghèo. Tất nhiên, không thể đòi hỏi cân bằng dinh dưỡng ở những nơi như này mà chỉ ăn để no mà thôi.
Và tất nhiên, với những gia đình nghèo, họ sẽ chẳng bao giờ dám giao du bạn bè, ăn uống bên ngoài. Những đứa trẻ nghèo ít giao tiếp với bạn bè, ít tham gia hoạt động tập thể tại trường, có thể vì mặc cảm hoặc vì không có tiền. Vô hình chung, sự phát triển của trẻ cũng không đồng đều.
Sự xa cách giữa những đứa trẻ có thể gây tâm lý bất ổn.
"Những đứa trẻ không dám ăn cơm trưa với bạn bè mình, chúng sẽ bị cô lập. Điều này không tốt cho tâm lý của trẻ sau này", một giáo sư Hồng Kông nói.
Vị giáo sư này cũng đề xuất chính quyền có thể cung cấp những bữa ăn trưa miễn phí cho trẻ em nghèo để các em có thể hòa đồng cùng các bạn. Ngoài ra, một số nơi có thể đưa ra bữa ăn 1 đô la để trẻ em nghèo không cảm thấy bị thương hại hoặc phân biệt đối ử.
Quay trở lại gia đình Li, mẹ cậu bé thừa nhận chính cái nghèo đã ngăn không cho con trai mình hòa đồng. Cả nhà không dám cho con đi du lịch cùng cả lớp vì tốn tiền. Ngoài ra, các cậu bé không được học thêm.
"Con trai tôi có tham gia đội bóng rổ ở trường. Nhưng cháu chỉ có đôi giày hỏng để tập", mẹ Li kể.
Nguồn: SCMP