Ở chung mới biết... "mùi" nhau!
“Không có vĩ nhân dưới đôi mắt người hầu phòng”, câu ngạn ngữ phương Tây này được hiểu, anh chẳng thể che giấu nổi bản thân bất toàn trước một đôi mắt người hằng ngày tiếp xúc với nết ăn ở, sinh hoạt của mình.
Trong cuộc sống hôn nhân, khi đã chung một nhà, mọi vẻ hoàn hảo, xuất chúng, lãng mạn của mỗi người đều dễ bị lột trần dưới đôi mắt của bạn đời với những chi tiết vụn vặt của “con người đời thường”.
Hôn nhân là một cuộc phơi bày?
Tự nhận mình là người vợ may mắn, nhưng cưới nhau hơn hai tháng, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Q.2, TP.HCM) bắt đầu khủng hoảng vì tính xấu của chồng. Anh Thành Tân, chồng chị, là người đàn ông thành đạt, sống tình cảm, trách nhiệm với gia đình. Lúc sắp cưới, nghe lắm lời cảnh báo về những hụt hẫng sau hôn nhân, chị Quỳnh chỉ cười trừ, lòng tự nhủ mình ắt ngoại lệ. Rồi khi nghe “về ở chung mới... biết mùi đời!”, chị chỉ bật cười. Lần đầu tiên chị “nếm mùi chồng” là khi vô ý đánh mất chìa khóa nhà, phiền anh phải lật đật chạy từ cơ quan về. Người chồng tình cảm, trách nhiệm bỗng chốc hóa thành ông giám đốc cay nghiệt, nhấm nhẳng cằn nhằn vợ. Trước hàng tràng những lời răn dạy của anh, chị dẹp bỏ ý định phản kháng, lầm lũi theo chồng vào nhà.
Chị Quỳnh gọi đấy là “bệnh lên lớp”, có nguồn gốc từ thói quen ứng xử với cấp dưới, với các triệu chứng: khó chịu, nâng quan điểm, quy trách nhiệm, hết lời chê trách, xài xể bạn đời chỉ vì một sai sót nhỏ. Khi đã bị điểm mặt, chị như hóa đá vì bất ngờ, rồi chết lặng trong ấm ức, buồn tủi. Tuy không thường xuyên, nhưng “tai họa” có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ cần một lần quên khóa bình gas, hay một lần đuểnh đoảng để nước mưa tạt vào ô cửa sổ quên đóng, chị mất trọn mấy ngày yên bình với những nhắc nhở, chê trách của chồng.
Những ngày sóng yên biển lặng, khi được chị giãi bày, góp ý; anh cũng tỏ vẻ băn khoăn, nhận lỗi. Nhưng mỗi lúc có chuyện, quán tính của “bề trên” lại trỗi dậy. Anh chi li, cay nghiệt. Những lúc công việc áp lực, lại phải đối diện với ông sếp thứ hai khi trở về nhà, chị không khỏi thấy mình tệ hại, thảm thương; rồi bi quan, mệt mỏi. Sâu xa hơn, gương mặt đăm đăm, thái độ xa cách của chồng những lúc như thế còn khiến chị hoang mang, hoài nghi về những điều đẹp đẽ đã tựu thành cuộc hôn nhân này.
Không phải kiểu đổ vỡ như chị Quỳnh, với anh Tiến Đạt (Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), hiện thực về vị hôn thê lại hiện lên một cách, sống động, dở khóc dở cười. Ngay đêm tân hôn, hình ảnh nữ tính, điệu đà của Ngọc Châu đã tan tành vì... nết ngủ chẳng giống ai của chị. Như muốn “nói không với người đồng sàng”, trong cơn say ngủ, Ngọc Châu cho chồng lãnh đủ những pha lấn, ép, gác, đạp. Giữa đêm, chồng phải bao lần thức giấc, bế vợ về sát mép giường.
Nhưng chỉ một chút, Châu đã “tịnh tiến” về phía chồng với những động tác vô thức mà... đầy bạo lực. Chưa kịp hết hoang mang về “mặt xấu” của vợ lúc đêm về, những hôm sau, anh Đạt lại phát hoảng vì âm thanh khủng khiếp cất lên mỗi khuya. Có hôm, nhậu say mèm, về nhà nằm vật ra giường; nhưng hễ nghe tiếng o o vợ cất lên, anh cũng bàng hoàng tỉnh giấc. Tinh thần, sức khỏe xuống cấp đã đành, anh Đạt còn đối diện với sự hụt hẫng, thất vọng của bản thân về hình ảnh của người phụ nữ mình đã chọn cưới. Anh tình thật: “Mình thực sự khủng hoảng; không ngờ chuyện chẳng đâu vào đâu ấy lại làm hình ảnh của cô ấy biến dạng trong mắt mình như thế”.
Đất phải chịu trời
Cưới xin, thành vợ thành chồng, người ta bước khỏi không gian hẹn hò với tóc tai chải chuốt, áo quần bảnh bao mà dắt nhau vào cuộc chung sống, góp vào đấy mọi tốt xấu, mạnh yếu, hay dở của mình. Là bạn đời, đương nhiên, bạn sẽ là người chứng kiến nhiều hơn cả những tính tốt, tật xấu của người phối ngẫu. Tuy nhiên, để mảng màu không mấy đẹp đẽ trong tính cách, lối sống của bạn đời phủ lên, trở thành gam màu chủ đạo trong cuộc hôn nhân là một điều bất công với bạn, với bạn đời, với cuộc hôn nhân.
Tuy thất vọng nhưng chị Nguyễn Thị Quỳnh vẫn không thể phủ nhận quá nhiều điều lý tưởng trong tính cách của chồng, chị quyết định tự bảo vệ mình trước cảm xúc tiêu cực khi đối diện với những lời chỉ trích của chồng. Biết anh không chịu được những biểu hiện đuểnh đoảng, vụng về, chị bắt đầu một cuộc cải tổ toàn diện để vợ chồng không phải “đụng độ” ở những điểm nhạy cảm ấy. Chìa khóa nhà là... gót chân Asin của chị, chị đánh nguyên một chùm, cất ở công ty.
Những hôm đánh mất, hoặc quên mang theo, chị chịu khó quay lên công ty, không để chồng phải quay về. Cái van khóa gas nằm khuất trong tủ bếp khiến chị hay quên, chị phải dán mảnh giấy ngay tầm mắt lúc đứng nấu ăn, ghi “nhớ khóa gas”. Mảnh giấy “nhắc” vài lần, việc khóa gas trở thành thói quen; vợ chồng chẳng còn “mất đoàn kết” vì chuyện vặt ấy nữa.
Cũng bằng cái kiểu chấp nhận ấy, sau một thời gian ôm gối ra phòng khách ngủ, anh Đạt lại động lòng trước vẻ áy náy, ăn năn của vợ, và lại... chịu cảnh đồng sàng. Hơn nữa, nết ngủ “khó coi” ấy cũng không thể khiến người phụ nữ nhỏ nhẹ, chu đáo của anh mất đi nét đức hạnh. Vợ có xu hướng lấn về phía bên trái, anh đổi bên, nằm về phía phải. Thời gian đầu, hai vợ chồng phải nằm trở đầu để giảm âm lượng tiếng ngáy. Kỳ lạ, chỉ sau vài tháng ngủ chung, anh Đạt đã có thể ngủ ngon lành suốt đêm, dù thỉnh thoảng thức giấc, anh phát hiện vợ mình... vẫn ngáy.
Thế nhưng, việc cân bằng cảm xúc giữa những ấn tượng tích cực và tiêu cực không đồng nghĩa với sự thắng lợi tinh thần, lấp liếm, phủ nhận những điểm bất toàn ở người phối ngẫu. Bởi, chỉ khi đã nhận thức đủ đầy về những điểm yếu của bạn đời, người ta mới có thể chọn được cho mình một thái độ đúng đắn, hoặc kiếm tìm sự hòa hợp, hoặc dứt khoát từ bỏ. Bằng không, nếu cứ tự làm khổ mình vì những biểu hiện của một điểm yếu chẳng thể thay đổi ở nhau, người ta sẽ chẳng còn đâu năng lượng để yêu thương, hạnh phúc.
“Nhân vô thập toàn”, nhất là khi bạn lại gần gũi sớm hôm với một con người, thấy họ ở mọi góc nhìn, thì việc dùng “đôi mắt của người hầu phòng” để soi xét, dễ dẫn đến sai lệch, lầm lẫn. Để rồi, những sai số vốn là tất yếu của mọi sự việc, mọi con người khiến bạn phải nhìn lại, đánh giá lại; làm cho mọi giá trị trở nên rối bời, cuộc hôn nhân chết tức tưởi vì những râu ria, vụn vặt - là một điều đáng tiếc.