Nước tiểu có mùi: Bệnh gì?

,
Chia sẻ

Khi nước tiểu có mùi khó chịu, bạn cần lưu ý đến bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

Bình thường nước tiểu vốn vô trùng. Cấu tạo đặc biệt ở vị trí niệu quản gắn vào thành bàng quang có tác dụng như một van chống trào ngược nhằm ngăn ngừa nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên thận. Dòng chảy của nước tiểu cũng là một lực cơ học giúp tống xuất vi khuẩn nếu chúng xâm nhập vào đây. Tuy nhiên, vì một số lý do có thể làm cho nước tiểu có mùi.

 

Nguyên nhân nước tiểu có mùi

 

Do uống ít nước: Nếu nước tiểu có màu vàng và hơi khai thì nguyên nhân đơn giản là do bạn uống thiếu nước. Mỗi người cần uống đủ nước mỗi ngày, uống ít nước quá sẽ dẫn đến hiện tượng nước tiểu rất đặc và khai.


Do ảnh hưởng từ thuốc: Mùi của nước tiểu cũng chịu ảnh hưởng rất lớn mùi vị của thuốc. Uống hay tiêm các loại Penicillin, Ampicillin... thấy mùi rất đặc trưng.

 

Do ảnh hưởng của thức ăn: Mùi vị của thức ăn có thể được bài tiết ảnh hưởng đến mùi nước tiểu. Ví dụ, khi ăn măng, nước tiểu sẽ có mùi rất nồng.

 

Cả 3 dấu hiệu trên đều bình thường, chỉ cần uống nhiều nước hoặc sau điều trị thuốc, sau khi thức ăn bị đào thải hết thì nước tiểu sẽ trở lại bình thường.

 

Do nhiễm trùng đường tiểu: Nếu nước tiểu có mùi hôi kèm theo một số triệu chứng như đau tức bụng dưới, đau buốt khi tiểu ... là dấu hiệu bị nhiễm trùng đường tiểu.

 

Nhiễm trùng đường tiểu là một bệnh nhiễm trùng thường gặp xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến định cư tại nơi này.

 

Phân loại nhiễm trùng đường tiểu:

 

- Viêm niệu đạo: viêm hay nhiễm trùng niệu đạo gây nên cảm giác bỏng rát khi đi tiểu và đôi khi có mủ.

 

- Viêm bàng quang: là nhiễm trùng đường tiểu phổ biến nhất gây nên đau tức bụng dưới, nước tiểu rất khai và đôi khi tiểu máu.

 

- Viêm thận-bể thận cấp: do nhiễm trùng ngược dòng từ bàng quang lên hoặc do từ dòng máu. Trường hợp này cần có sự can thiệp của bác sỹ vì có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận cũng như tử vong nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả.

 

Nếu phụ nữ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu thì nên xem lại tư thế giao hợp nhằm tránh bớt các tư thế gây tác động nhiều đến lỗ niệu đạo.

 

Nhiễm trùng đường tiểu thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn. Trong đó, bị đau buốt khi đi tiểu (khó tiểu) là triệu chứng thường gặp. Sự sưng tấy và viêm nhiễm có thể xuất hiện do ngâm mình tắm trong bồn tắm với xà phòng, dùng các chất rửa vệ sinh vùng kín... Quan hệ tình dục cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cọ sát, gây nên nhiễm trùng niệu đạo.

 

Điều trị nhiễm trùng đường tiểu:

 

Có một số phương pháp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm bệnh như uống nước hoa quả, uống thật nhiều nước (2-3 lít một ngày), uống nước râu ngô,... Phương pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp bị nhẹ, có thể tự khỏi. Còn đa phần, bệnh nhân phải đi thử nước tiểu.

 

Với phụ nữ, đường tiết niệu này liên hệ khá mật thiết với cơ quan sinh dục như vòi dẫn trứng , ổ tử cung. Cho nên người bệnh cần đến các bệnh viện đa khoa để xét nghiệm nước tiểu, từ các chỉ số xét nghiệm đó các bác sĩ sẽ kết luận ra nguyên nhân và có hướng giải quyết.

 

Để phòng bệnh, tốt nhất là vệ sinh cá nhân thật sạch, tránh các hóa chất tác động đến “vùng kín”, vệ sinh sau khi giao hợp, uống nhiều nước, không nhịn tiểu... Nếu phụ nữ đang ở độ tuổi sinh hoạt tình dục mà thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu thì nên xem lại tư thế giao hợp nhằm tránh bớt các tư thế gây tác động nhiều đến lỗ niệu đạo.

 

Minh Trang

 (Tổng hợp)

Chia sẻ