Bị viêm đường tiết niệu chớ chủ quan!
Nếu bạn thấy nước tiểu có màu khác, đi tiểu khó, tiểu rắt, bụng ậm ạch khó chịu thì đừng chủ quan, rất có thể bạn đã bị viêm đường tiết niệu.
Nếu bạn là phụ nữ còn trẻ, muốn sinh con, muốn chủ động trong việc chiều chồng và mong được chồng chiều thì nhất định phải chữa trị thật sớm.
Trước hết cần phải hiểu viêm đường tiết niệu là thuật ngữ chỉ bệnh lý viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu. Hệ thống tiết niệu bao gồm 2 quả thận, niệu quản hai bên nối từ thận tới bàng quang, bàng quang và niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Khi mắc viêm đường tiết niệu chủ yếu là người bệnh bị viêm nhiễm đường tiết niệu thấp (bàng quang và niệu đạo). Vi khuẩn E.coli là thủ phạm chính gây nên bệnh. E.coli có thể thâm nhập trực tiếp vào đường tiết niệu, hoặc qua sinh hoạt tình dục, qua các dụng cụ (như đặt xông dẫn lưu, phẫu thuật nội soi...).
Một biện pháp phòng bệnh viêm đường tiết niệu hữu hiệu là uống nhiều nước
Nguyên nhân chính gây viêm đường tiết niệu là quan hệ tình dục. Các yếu tố thuận lợi cho viêm đường tiết niệu xảy ra là: sỏi đường tiết niệu, ứ trệ nước tiểu do u, phì đại tuyến tiền liệt, sinh hoạt tình dục với người bị bệnh đường sinh dục - tiết niệu mà không dùng phương tiện bảo vệ; những người bị mắc các bệnh như: đái tháo đường, suy giảm miễn dịch; người già yếu, suy kiệt...
Viêm đường tiết niệu rất dễ tái phát nếu bạn không điều trị dứt điểm và tận gốc. Vì vậy phải tuân thủ điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Một biện pháp phòng bệnh viêm đường tiết niệu hữu hiệu là uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày), có thể là nước lọc, nước râu ngô, bông mã đề. Không nên nhịn tiểu quá lâu bởi vì nước tiểu ứ đọng lâu là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Trong quan hệ tình dục, cần phải thực hiện: đi tiểu ngay sau mỗi lần giao hợp để loại bỏ các vi khuẩn ở niệu đạo, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, quan hệ chung thủy một vợ một chồng.
Theo BS. Vũ Nhân
SK&ĐS