Nước mắt hạnh phúc của người mẹ hiến tạng cho con trai 10 năm trời bệnh xơ gan
Nhìn con vui vẻ cười đùa ba tuần sau khi trải qua cuộc ghép gan sinh tử, người mẹ nghẹn ngào, không giấu nỗi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Chiều 17-4, bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM vui mừng cho biết, trải qua ba tuần sau cuộc phẫu thuật phức tạp, ca ghép gan thứ 11 tại BV đã thành công tốt đẹp, cứu sống một bệnh nhi 10 tuổi bị xơ gan nặng vì hậu quả của căn bệnh teo đường mật bẩm sinh.
Bé Dương Gia Khiêm sau ca ghép gan.
Ca ghép gan khác hẳn 10 ca trước
Theo đó, bệnh nhi được ghép gan là bé Dương Gia Khiêm (10 tuổi, quê Bạc Liêu), còn người cho không ai khác chính là mẹ em, chị Phạm Thủy Tiên (40 tuổi). Trải qua nhiều năm mắc căn bệnh teo đường mật bẩm sinh, bệnh nhi bị diễn tiến xơ gan nặng, mắt và da vàng vọt, cơ thể ốm yếu, đặc biệt phần lá lách phù lên rất to. Đỉnh điểm của căn bệnh là việc bệnh nhi liên tục ói ra máu những ngày gần đây.
Hai mẹ con chị Tiên trước thời khắc quyết định sinh mạng của con trai.
GS.BS Trần Đông A, chuyên gia đầu nghành về ghép tạng ở trẻ em, một trong những cố vấn cho ca phẫu thuật này chia sẻ, so với 10 ca ghép gan trước, ca bệnh này rất khác, bởi bệnh nhi đã trên 10 tuổi, có thể tích gan lớn, phải sử dụng hơn một nửa lá gan bên trái của mẹ. Bệnh nhi cũng bị tăng tĩnh mạch cửa khiến phần lá lách phát triển quá to, gây nguy cơ làm tiểu cầu giảm. Mặt khác, người cho (tức chị Tiên) lại có đến 2 động mạch gan khiến nguy cơ vướng và gặp vấn đề khi nối mạch có thể xảy ra.
GS.BS Trần Đông A chia sẻ về sự khác biệt của ca ghép gan thứ 11 tại BV so với những ca trước đó.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ.
Bệnh nhi Khiêm đã từng làm phẫu thuật Kansai khi chỉ hơn 2 tháng tuổi (vì teo đường mật) nên gây khó khăn và tốn rất nhiều thời gian trong việc bóc tách và ghép gan. Ngoài ra, độ mật trong máu của bệnh nhi của rất cao, một trong những triệu chứng của việc xảy ra thải ghép sau mổ.
Tiến hành hội chẩn từ tháng 10-2016, sau khi xem xét, chuẩn bị kỹ càng, đến ngày 28-3, ca ghép gan chính thức được thực hiện. Ekip điều trị bao gồm rất nhiều BS thuộc các khoa và các lãnh đạo đầu nghành đã mất hơn 12 tiếng đồng hồ, từ 8 giờ sáng đến tận 20 giờ tối để ghép lá gan từ người mẹ cho bệnh nhi. 10 ngày sau ca mổ, sức khỏe của mẹ bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện. Đến thời điểm hiện tại, Dương Gia Khiêm cũng đã hoàn toàn khỏe mạnh, tình trạng vàng da, vàng mắt không còn.
Chị Tiên trong thời gian hậu phẫu.
BS Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, đến ngày thứ 6 hậu phẫu, bệnh nhi đột nhiên bị tràn dịch dưỡng chất. Theo thống kê, đây là ca ghép gan thứ 4 cho bệnh nhi tại Việt Nam gặp vấn đề này. Tuy nhiên do đã dự liệu trước tất cả các tình huống có thể xảy ra, các BS ngay lập tức xử lý kịp thời, vẫn cho bệnh nhi ăn uống như bình thường (bằng các thực phẩm giàu chất béo chuỗi trung bình). Nhờ đó , bé Khiêm đã hồi phục rất nhanh chóng.
Cứu con trước, nợ nần từ từ tính
Phải trực tiếp có mặt tại giường bệnh mới thấy rõ niềm vui và sự hạnh phúc của người mẹ, chị Phạm Thủy Tiên. Riêng bé Khiêm cứ liên tục cười đùa, ôm chặt lấy mẹ không rời. Bệnh nhi đang được chăm sóc cẩn thận trong phòng vô trùng lẫn có chế độ dinh dưỡng chặt chẽ.
Hiện sức khỏe hai mẹ con đã hoàn toàn ổn định.
Nếu là cách đây ba tuần, có lẽ chị cũng không ngờ con mình đã khỏe mạnh như thế này. Người phụ nữ chia sẻ: "Trước khi mổ, em với mấy anh chị em trong nhà đã hội họp bàn bạc rất lâu, chữa cũng chữa suốt 10 năm rồi, giờ tình trạng bé vậy thì phải liều mình mà theo. Còn không đồng nghĩa với việc em sẽ mất con vĩnh viễn".
Người mẹ rớt nước mắt nhớ về những ngày đã qua.
Theo lời của chị Tiên, bé Khiêm là con thứ trong gia đình có ba anh em trai nhưng số phận lại buộc em phải mang căn bệnh ngặt nghèo, trong khi anh lớn và em út của Khiêm hoàn toàn bình thường. Kể từ ngày sinh Khiêm, chưa bao giờ chị Tiên ngưng lo lắng cho con khi 10 năm ròng rã ra vào bệnh viện như cơm bữa. Đến năm 2 tuổi, Khiêm chính thức vào BV Nhi Đồng 2 chữa bệnh.
"Cứ mỗi tháng em lại đưa bé xuống BV một lần. Đất đai cũng bán nhiều để lo cho bệnh của con. Sợ con buồn nên em cố gắng không nói cho nó biết bệnh tình càng lâu càng tốt" - chị Tiên nhớ lại.
Chị Tiên hi vọng sau ca ghép gan, con sẽ không còn bị bạn bè xa lánh.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng vỡ lở khi Khiêm bắt đầu tuổi đi học. Nhiều phụ huynh biết chuyện em bị xơ gan, sợ con mình bị lây nên tìm cách cho con xa lánh cậu bé. Mỗi lần nghe con trở về nhà nói bị bạn bè trêu chọc, người làm mẹ như chị Tiên đứt từng đoạn ruột. Bởi vậy khi nghe tin con có thể được cứu, người mẹ không ngần ngại hiến gan của mình, dù biết sau đó sức khỏe có thể bị tổn thương.
"Mấy tháng trước, nó cứ đi học rồi ói ra máu, ói rất nhiều. Bệnh dữ quá nên thi học kỳ có 6 điểm, chứ ba năm liền nó là học sinh giỏi. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng phải liều mình đưa con đi phẫu thuật, dù biết chi phí không hề nhỏ. Giờ đây con đã sống, cả nhà ai cũng vui. Thôi thì viện phí, nợ nần cứ từ từ tính" - người mẹ trẻ bất ngờ sụt sùi.
Do ảnh hưởng của ca ghép gan, ít nhất trong 3 tháng, chị Tiên không được làm việc gì. Gánh nặng đổ hết lên vai người chồng quanh năm chỉ bám víu ruộng đồng của chị. "Hôm nay em lên để học cách nấu ăn cho bé khi xuất viện rồi chỉ lại cho chồng. Ảnh bị bệnh mấy ngày nay nên không tới được" - chị Tiên vừa lau nước mắt vừa nói.
Theo các BS, Dương Gia Khiêm là bệnh nhi lớn nhất từng được ghép gan tại BV Nhi Đồng 2.
Dự kiến nếu không có gì thay đổi, Dương Gia Khiêm sẽ được xuất viện vào ngày mai. Được biết, đây là ca ghép gan cho bệnh nhi trên 10 tuổi đầu tiên được thực hiện thành công tại BV Nhi Đồng 2 và trên cả nước.
Hiện BV Nhi Đồng 2 vẫn còn khoảng 200 trường hợp bệnh nhi cần ghép gan, trong đó có 3 bé đang được lên chương trình cho việc phẫu thuật vào cuối năm.