Nước mắt hài nhi xấu số
Thời gian gần đây tại nước ta đã xảy ra các vụ trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ở vệ đường, đống rác, cống rãnh mặc cho côn trùng, động vật tấn công. Hầu hết các trường hợp hài nhi bị thương tật, thậm chí tử vong. Nhưng, điều đáng nói là những bà mẹ vô lương ấy vẫn đang nhởn nhơ, rất hiếm khi bị sự trừng phạt dù trong pháp luật hình sự có tội danh “Giết con mới đẻ”.
Đau lòng những hài nhi bị vứt bỏ
Nạn trẻ em bị bỏ rơi, nhất là trẻ sơ sinh bị vứt thùng rác, vệ đường, bãi đất, khu nhà hoang, phòng vệ sinh… ngày càng gia tăng. Có trường hợp được phát hiện muộn, trẻ bị thương tật suốt đời hoặc tử vong.
Chiều 8/6/2020, bé trai 3 ngày tuổi tên là Nguyễn Văn An được phát hiện bị bỏ ở hố ga khu vực đền Mẫu, tại thôn T.T, xã T. M, thị xã S.T, HN. Khi đó, bé An trong tình trạng không quần áo, có dòi bò từ ống tai, mắt, miệng, bị kiến cắn. Theo người dân xung quanh, thời gian bị bỏ rơi là khoảng 3 ngày trong điều kiện nắng nóng hơn 40 độ.
Vào 19h00 cùng ngày, Khoa Sơ sinh tiếp nhận bé An được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa S.T. Thời điểm đó, khi thăm khám ban đầu, các y, bác sĩ phát hiện bệnh nhi có tổn thương da khắp người, tổn thương rốn và mắt do bị ấu trùng xâm nhập. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng sơ sinh. Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đã phối hợp hội chẩn chặt chẽ với các đồng nghiệp Bệnh viện Nhi Trung ương và các chuyên gia Anh quốc để cứu chữa bệnh nhi.
Tuy nhiên, do tình trạng nhiễm khuẩn huyết quá nặng nên bé trai 3 ngày tuổi bị bỏ rơi ở hố ga đã tử vong vào chiều ngày 29/6/2020 (sau 20 ngày được bác sĩ tận tình cứu chữa), trước sự đau xót của dư luận.
Trước đó, sáng 5/11/2019, người dân sinh sống trong ngõ V.C (Đ.Đa, H. N) bàng hoàng phát hiện thi thể cháu bé mới sinh trong thùng rác nên đã tiến hành một số thủ tục tâm linh rồi thông báo chính quyền địa phương.
Ngày 2/7/2019, đại diện UBND phường T.Đ, thị xã B.C, B.D cho biết đang tiếp nhận, chăm sóc một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ven đường.
Theo các nhân chứng, bé trai được phát hiện khoảng 8 giờ sáng 2/7. Khi đó, người dân khu phố 2, phường T.Đ nghe tiếng khóc trẻ nhỏ trong bụi hoa giấy ven đường M.P - TV. Mọi người tới kiểm tra thì thấy một bé trai vừa mới sinh, còn dây rốn được quấn trong một chiếc khăn cũ.
Lúc 18 giờ ngày 3/3/2013, Khoa Bệnh lý sơ sinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM này tiếp nhận từ Khoa Sản một bé trai sơ sinh 36 tuần tuổi trong tình trạng không thở được, hai cánh mũi bầm giập, trầy xước do bị bóp mũi. Bé trai nghi bị mẹ bóp mũi rồi vứt thùng rác đã qua cơn nguy kịch nhưng có thể phải chịu di chứng nặng nề do thiếu oxy não quá lâu.
Đau xót hơn, khoảng 12 giờ ngày 29/1/2013, khi đang đi chăn bò, người dân thôn R.N, xã S.T, huyện S.T (Q.N) nghe tiếng khóc của trẻ con ở một khu đất. Tìm đến, họ thấy một trẻ sơ sinh đang bị hòn đá đè lên mặt. Ngày 24/12/2012, Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) tiếp nhận một trẻ sơ sinh là bé trai, nặng 3,3kg, được chuyển đến trong tình trạng toàn thân bị kiến bu kín, có nhiều vết do muỗi, côn trùng cắn, dính đầy đất cát.
Được biết, bé trai bị bỏ rơi trong bụi cây gần khu vực khu tập thể 5 tầng, phường 7 (TP Vũng Tàu) và một số người dân đi tập thể dục buổi sáng phát hiện. Theo bác sĩ Lê Thị Thanh Nguyên, Khoa Sản Bệnh viện Lê Lợi, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bé trai kể trên có thể tử vong do nhiều nguyên nhân, kể cả nhiễm trùng uốn ván, hoặc bị côn trùng cắn.
Ngày 30/10/2012, sau khi tự sinh xong, một nữ công nhân 19 tuổi bỏ con vào túi nilon cột chặt vứt vào thùng rác đặt trong khu trọ ở thị xã T.A - B.D. Ngày 10/11/2012, một nữ sinh lớp 10 (15 tuổi, TP HCM) đã bỏ con vào cặp học sinh rồi vứt vào bụi cỏ tại một khu đất trống...
Trước đó, ngày 22/7/2010, một cháu bé sơ sinh chưa đầy 1 tuần tuổi cũng bị bỏ rơi ở đống rác ngay trước bến xe H .T và được những người hành nghề xe ôm nhặt được trong đống rác. Một người lái xe ôm cho biết: “May nhờ trận mưa trước đó làm cháu bé bị ướt và lạnh nên khóc và mọi người phát hiện được, không thì cháu bé sẽ bị vùi lấp trong đống rác”.
Cần xử lý nghiêm khắc với những bà mẹ vô lương
Những trường hợp trên đã gây cho dư luận nhức nhối, phẫn nộ, bất bình xen lẫn xót xa, đau đớn như thế còn rất nhiều. Xót xa và phẫn nộ là vậy. Nhưng điều đáng nói là những bà mẹ vô lương đang tâm quẳng đi núm ruột của mình như vứt một bịch rác vẫn đang nhởn nhơ hiếm khi phải chịu sự trừng phạt, dù trong pháp luật hình sự luôn có quy định về tội danh “Giết con mới đẻ”. Cho dù trong nhiều trường hợp, việc xác định thủ phạm không khó, thậm chí còn biết đích danh là người nào, ở đâu...
Chưa hết, các cơ quan chức năng và những người xung quanh cũng đã nương tay cho kẻ phạm tội mà trường hợp việc vứt bỏ con tại phía sau khu nhà trọ khu phố 4, phường P.L, quận 9 của bà mẹ tên Bùi Thị Lan ngày 16/11/2010 đã minh chứng cho điều đó.
Hành vi vứt con của Lan vi phạm pháp luật. Đánh giá vụ án, cơ quan điều tra nhận xét, đây là vụ giết con mới đẻ do Bùi Thị Lan thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp do bị ảnh hưởng tư tưởng lạc hậu và trong hoàn cảnh đơn chiếc, do sợ dư luận và bế tắc. Tuy nhiên, về ý thức chủ quan thì Lan không mong muốn cháu bé sẽ chết, thể hiện rõ Lan chỉ cột hai quai túi nilon lại với nhau để có không khí vào, trong vòng hai giờ bị bỏ rơi đứa trẻ vẫn sống.
Vị trí để đứa bé sát sau nhà thuận lợi có người qua lại dễ phát hiện để cứu đứa trẻ. Vì vậy, xét về mặt dấu hiệu pháp lý, việc đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Trong trường hợp này, tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt nên cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.
Sự “hòa cả làng” và “vị tha” không đúng chỗ ấy đã vô tình bỏ lọt tội phạm và Lan đã ngoạn mục thoát sự truy cứu của pháp luật. Hay nói cách khác, nếu cứ vậy, khác nào những bà mẹ vứt con ấy đã được “cổ súy” cho hành động không trái tim của mình?
Khi ai đó làm ảnh hưởng đến tính mạng của người khác, dù là vô ý hoặc do cẩu thả, tắc trách thì vẫn bị truy tố hình sự, vậy mà hành vi vứt bỏ đứa trẻ không có chút khả năng tự vệ, không có chút khả năng tự sống một cách cố ý thì lại được bỏ qua, thoát tội?
Trở lại câu chuyện người mẹ nhẫn tâm vứt con vừa mới sinh 3 ngày giữa cái nóng 40 độ ở nơi nhơ nhớp là hố ga và bé đã tử vong. Người mẹ đó tên là Phạm Thị Thành vừa bị Công an thị xã S.T, Hà Nội khởi tố vì hành vi vứt con mới đẻ xuống hố ga khiến cháu bé qua đời sau 20 ngày được điều trị.
Các luật sư cho rằng, hậu quả bé sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga đã tử vong là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra đủ cơ sở khởi tố người mẹ về tội Giết hoặc vứt con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Cụ thể, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Kể từ ngày thứ 8 trở đi, nếu người mẹ giết con mình thì không được coi là giết con mới đẻ nữa mà có thể bị khởi tố về tội Giết người, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Hành vi vứt bỏ con mới đẻ thể hiện sau khi đẻ ra, người mẹ đã bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài chợ, cổng bệnh viện, trường học, nhà chùa, đường đi, bãi rác, khu vệ sinh… Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
Hậu quả xảy ra đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Trong trường hợp này, người mẹ có thể bị xử lý hình sự về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
Tội phạm đã trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Ngoài ra, tội phạm còn xâm phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đó là tình mẫu tử, xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia.
Ngoài pháp luật cần xử lý nghiêm những bà mẹ nhẫn tâm, các cấp chính quyền, đoàn thể cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em... nhất là tại các khu lao động nghèo, khu nhà trọ dành cho sinh viên, công nhân, trong giới trẻ vì những đối tượng này thường bỏ rơi con nhất.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét sửa quy định của luật, không cần hậu quả đứa trẻ chết vẫn phải bị xử lý trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, giáo dục. Ngoài ra, cơ quan hữu quan cần có biện pháp giáo dục, răn đe, ngăn ngừa, nghiêm trị xử lý những người vi phạm đến quyền lợi của trẻ em.