Vụ bỏ rơi bé trai ở hố ga: Cần xét đến yếu tố nhân văn trong xử lý tội phạm

Nguyễn Hiền,
Chia sẻ

Theo các luật sư, bé trai bị bỏ rơi dưới hố ga giữa trời nắng nóng 40 độ qua đời, cần xét đến các yếu tố nhân văn để giáo dục vai trò của người mẹ.

Vụ việc bé trai bị mẹ bỏ rơi dưới hố gas giữa trời nắng nóng 40 độ C đã qua đời gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua. Có thể nói đây là một hành vi vô cảm, tàn nhẫn, vừa trái đạo đức vừa vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, theo các luật sư hậu quả của hành vi này đã được xác định và đủ cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Liên quan đến vụ việc, ngày 30/6, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sơn Tây cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành (SN 1989; HKTT: Hoa Thành, Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.

Vụ bỏ rơi bé trai ở hố ga: Cần xét đến yếu tố nhân văn trong xử lý tội phạm - Ảnh 1.

Bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga tử vong sau hơn 20 ngày điều trị, không có người thân bên cạnh. (ảnh: Thanh niên)

Cần xét đến yếu tố nhân văn trong xử lý tội phạm này

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công Ty Luật TGS (Đoàn Luật Sư T.P Hà Nội), căn cứ theo Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” được hiểu là trường hợp phạm tội của người mẹ, do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi hoặc vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ tử vong. Nạn nhân của tội giết người hoặc vứt bỏ con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ phải chính do người phụ nữ đó đẻ con chứ không phải con nuôi và mới được sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi trở lại, nếu ngoài 7 ngày tuổi thì không coi là con mới đẻ.

Trong trường hợp này, theo thông tin được cung cấp, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh ra, người mẹ đã cố ý vứt bỏ đứa con của mình. 

Sau khi đứa bé được phát hiện và được các y bác sĩ nỗ lực hội chẩn, cứu chữa nhưng đứa bé không thể qua khỏi. Thời điểm mà hậu quả đứa bé qua đời đã đủ điều kiện để cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ đối với người mẹ. Do đó, trường hợp này đã đủ cơ sở để khởi tố người mẹ với tội danh trên.

Phân tích thêm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, xét trên tính nhân văn trong việc xử lý loại tội phạm này, chủ yếu nhằm giáo dục để người mẹ thấy trách nhiệm của mình đối với đứa con do mình đẻ ra, chống lại tư tưởng lạc hậu, định kiến, sai trái. 

Vì vậy, các cơ quan điều tra chắc chắn phải làm rõ việc bỏ rơi đứa trẻ, nhận thức chủ quan của người mẹ này như thế nào, có nhận thức rằng đứa trẻ có thể chết hoặc bỏ mặc cho đứa trẻ chết hay không. 

Ngoài ra cần làm rõ việc bỏ rơi đứa trẻ trong trường hợp này có phải do ảnh hưởng nặng nề tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt hay không.

“Người phụ nữ giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu như tin vào bói toán, thần thánh cho là “phải giết con thì mới không bị con ma quấy phá”, sợ dư luận xã hội địa phương,…Hoàn cảnh khách quan đặc biệt như người phụ nữ đẻ con ra bị dị tật quá nặng hoặc trong tình trạng một thân một mình, quá nghèo đói không đủ tiền để nuôi sống chính mình, đang bị bệnh tật…” - luật sư Hùng nói

Ngoài ra, luật sư Hùng cũng dẫn Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”. Theo đó, tại điểm q Điều này quy định “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. 

Vì vậy, trong trường hợp này, nếu người mẹ được cơ sở y tế kết luận là người có bệnh, bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì sẽ được Tòa án xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Không phải do hoàn cảnh khách quan thì đây là hành vi giết người

Tuy nhiên, trong trường hợp, nếu không do hoàn cảnh khách quan mà người mẹ vẫn có hành vi vứt con gây ra hậu quả đứa bé chết thì sẽ bị cấu thành tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người mẹ có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo tính chất, mức độ của hành vi theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 bởi có tình tiết định khung tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi (quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật bày tỏ quan điểm, làm mẹ là một thiên chức mà tạo hóa đã ban cho người phụ nữ. Khát khao có con luôn là một nỗi niềm mong ước to lớn của các gia đình trẻ. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp thì họ không thể thực hiện được khát vọng chính đáng ấy. 

Tuy nhiên, gần đây lại có nhiều trường hợp giết con mới đẻ hoặc vứt con mới đẻ gây bức xúc trong dư luận. Theo luật sư Bình, nếu không nuôi nổi con thì không nên để dính bầu. Nếu lỡ sinh ra mà muốn bỏ con thì nên bỏ đứa bé ở nơi người khác dễ nhìn thấy để lượm bé về. Do đó, hành động này rất đáng bị lên án.

Trong vụ việc này, luật sư Bình phân tích, cần phải phân biệt rõ ở nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, có phải do điều kiện khách quan, hay hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để nuôi cháu bé. Trường hợp nếu không phải do hoàn cảnh khách quan mà người mẹ vẫn vứt con thì đây là hành vi giết người căn cứ theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.

Trước đó, vào khoảng 15h40’ ngày 8/6, người dân phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi dưới hố ga phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị dòi bọ bám dính.

Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân, Công an xã Thanh Mỹ cùng Trạm y tế xã Thanh Mỹ đã cho sơ cứu cháu bé rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội để cấp cứu.

Mặc dù được các bác sỹ ở Bệnh viện Xanh Pôn nỗ lực cứu chữa nhưng cháu bé trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, đến chiều ngày 29/6 thì tử vong.Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an thị xã Sơn Tây phối hợp Viện kiểm sát nhân dân thị xã và các đơn vị chức năng khẩn trương khám nghiệm hiện trường, tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ người bỏ rơi con đẻ là Phạm Thị Thành.

Tại cơ quan công an, Thành khai nhận ngày 6/6 đã đón xe buýt lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h đêm ngày 6/6 thì thấy mình vỡ nước ối và trở dạ. Thành đã đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, Thành đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, Thành xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm thành phố Hà Nội.

Chia sẻ