Nước mắt cuộc đời người phụ nữ phải đi hỏi cưới vợ cho chồng

Theo GĐXH,
Chia sẻ

Ngồi trước mặt chúng tôi là người phụ nữ khắc khổ. Bà kể lại cuộc đời đầy bi kịch của mình với những giọt nước mắt chảy tràn trên má. Còn cay đắng, tủi nhục nào lớn hơn đối với người phụ nữ ấy khi chính bà phải đại diện cho nhà trai đi hỏi cưới vợ cho chồng.

Bà Hòa và cô con nuôi bị chất độc da cam. Ảnh: H.Diễm

Bà Hòa và cô con nuôi bị chất độc da cam. Ảnh: H.Diễm

Phận đời éo le

Người phụ nữ bất hạnh ấy là bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi, ở xóm Đông, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Khi chúng tôi đến đầu thôn Phú Nhơn, hỏi thăm nhà bà Hòa thì ai cũng biết, bởi cuộc đời của bà là một câu chuyện đầy bi kịch. Khi nhắc đến câu chuyện của đời mình, khóe mắt nhăn nheo của bà Hòa rớm lệ.

Theo bà Hòa kể thì bà sinh ra trong gia đình đông anh em, cuộc sống nghèo khổ nên bà sớm phải lăn lộn ngoài đồng ruộng phụ giúp cha mẹ kiếm miếng ăn cho cả gia đình. Năm 15 tuổi, trong một lần lên rừng với cha để kiếm củi đi bán, bà Hòa không may bị rắn độc cắn khiến thân thể đau đớn và gia đình đã chuẩn bị tình huống xấu nhất cho bà. Tuy nhiên, may mắn đã đến với bà khi gặp được một ông lang lành nghề chữa khỏi độc rắn. Nhưng sau lần bị rắn cắn ấy, cuộc đời bà cũng tiếp tục gắn liền với bệnh tật, với những cơn đau ê ẩm mỗi khi trái gió trở trời.

“Đợt đó, không biết là rắn gì cắn nhưng tôi ngày càng gầy tong teo. Nhiều người cứ nghĩ tôi bị ma ám nên mới thế. Dù vậy, tôi vẫn phải cùng cha và anh làm lụng để lo cho mẹ, các em có cái ăn, cái mặc. Nhiều lần vì làm việc quá sức nên tôi bị ngất xỉu ngoài ruộng, nhờ có bà con phát hiện cõng về nhà xoa bóp, cho ăn uống chứ không tôi đã chết rồi”, bà Hòa nói.

Sau những tháng ngày lăn lộn, làm thuê cuốc mướn trên các vạt rừng ở vùng đất Tây Nguyên, năm 19 tuổi bà Hòa lấy chồng. Người đàn ông mà bà chọn là ông Phạm Ngọc Liêm (SN 1954). Chồng bà cũng có hoàn cảnh éo le không khác gì bà. Ông Liêm có một tuổi thơ cơ cực khi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Những tháng ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo khó này cũng chẳng kéo dài được lâu bởi bà không thể sinh cho chồng một mụn con.

Sau 10 năm chung sống, không sinh được con, với mong muốn trong ngôi nhà có tiếng cười của trẻ nhỏ, vợ chồng bà đã xin một bé gái sơ sinh về nuôi. Được 3 năm sau thì bé gái tội nghiệp ấy bắt đầu có những biểu hiện của một căn bệnh kỳ lạ. Mãi sau này bà mới biết là con mình mắc các chứng bệnh do bị nhiễm chất độc da cam.

Buồn nản với cuộc sống gia đình, chồng bà đã tằng tịu với một người phụ nữ khác. Biết lòng chồng không còn chung thủy với mình, nghĩ rằng mình đã không thể sinh nở, không làm tròn trách nhiệm người vợ nên bà Hòa đành chấp nhận nhìn cảnh chồng qua lại với người phụ nữ khác mà không hề oán trách.

Khi nghe tin người tình của chồng mang thai, bà lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong rồi chuẩn bị một lễ cưới vợ cho chồng. Trên sân khấu bi kịch của đời mình, bà Hòa đã phải đóng vai là người thân duy nhất của chồng đi hỏi cưới cô nhân tình về làm vợ cho chồng (do ông Liêm là trẻ mồ côi, không có người thân, nhà gái yêu cầu bà đích thân phải đến hỏi cưới - PV).

Bà Hòa kể: “Biết cô ấy mang thai cần được quan tâm nên tôi sắp xếp cho chồng và cô ấy ở nhà trên, còn tôi và con gái bệnh tật ở nhà nhỏ phía dưới. Một năm sau, người vợ mới của chồng sinh con trai, từ đó ông ấy kiếm chuyện gây gổ hắt hủi, coi mẹ con tôi như cục nợ, như cái gai trong mắt”.

Gắng gượng sống vì con

Ngôi nhà của bà Hòa vay mượn tiền xây cách đây 10 năm.

Ngôi nhà của bà Hòa vay mượn tiền xây cách đây 10 năm.

Thương cảnh sống lang thang, không nơi trú thân của mẹ con bà Hòa, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, cấp cho mẹ con bà một khoanh đất nhỏ, dựng tạm lên ngôi nhà để tránh nắng, tránh mưa. Mẹ con bà lại tiếp tục những chuỗi ngày rong ruổi kiếm sống bằng làm thuê, cuốc mướn. Lúc đi hái cà phê ở Tây Nguyên, khi thì đi làm cỏ dưa, cỏ mía ở Gia Lai, rồi qua Phú Yên… cứ có người mướn việc là bà đi làm, bất kể đó là việc gì, miễn có tiền.

“Căn nhà này dựng lên 10 năm rồi, một phần là tiền hộ nghèo, còn lại là tôi vay mượn họ hàng để mẹ con có chỗ che mưa, tránh nắng. Căn nhà xây 15 triệu đồng, đến nay tôi còn nợ 10 triệu đồng, cứ trả lãi dần chứ không đủ sức trả hết. Tôi giờ như ngọn đèn trước gió. Nếu chẳng may nằm xuống, nợ nần con tôi gánh không nổi. Giờ tôi còn sống thì mẹ con rau cháo qua ngày, còn nếu có bề gì thì đành phó thác cho bà con lối xóm”, bà Hòa nghẹn giọng.

Chị Phạm Thị Bình (con nuôi bà Hòa) năm nay 30 tuổi, nhưng di chứng chất độc da cam khiến chị cứ ngây ngây, dại dại như đứa trẻ, tay chân teo tóp không thể làm được việc gì. Mặc dù đã ở tuổi 60 nhưng hàng ngày bà Hòa vẫn một tay lo tất cả, từ cơm nước, giặt giũ cho đến làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi con. Trước đây khỏe mạnh, bà đi làm xa xứ, giờ già yếu bà Hòa chỉ làm thuê quanh quẩn trong làng, trong xã. Ban ngày chạy đồng trên, xóm dưới làm thuê, tối về bà đan nón lá kiếm thêm đồng ra đồng vào.

“Nhiều đêm cứ khóc một mình chẳng biết tỏ cùng ai. Than thân, trách phận chẳng được gì, tôi chỉ khóc cho khuây khỏa mà thôi. Tuy con bị bệnh nhưng nó là nguồn vui, là sự sống của tôi. Tôi không có con, còn nó bị gia đình vứt bỏ, may mắn gặp nhau cũng là duyên phận. Đã nuôi con rồi, khôn thì được cậy nhờ, mà không khôn thì cũng không thể rời xa nó được. Một đứa nhỏ bị ruồng bỏ hai lần thì tội nghiệp lắm”, bà Hòa chia sẻ.

Ông Lê Đức Bá - Trưởng thôn Phú Nhơn cho biết, khi nói đến cuộc đời bà Hòa ai cũng chảy nước mắt, thương cảm. Hiện tại, gia đình bà Hòa thuộc diện hộ nghèo của địa phương. “Dù biết bà Hòa khó khăn nhưng chúng tôi không thể giúp gì được. Người dân địa phương còn nghèo nên ai cũng lo cho gia đình mình chứ không thể giúp bà ấy về kinh tế được”, ông Bá cho biết.

Chia sẻ