Nước đậu Bắc Kinh có vị gì hấp dẫn khiến người già bản địa cực mê, nhưng giới trẻ uống thử thì... cực chê?
Bắc Kinh (Trung Quốc) có câu nói vui: “Chưa uống nước đậu, tức chưa đến Bắc Kinh” hay “Không uống được nước đậu thì không phải là người Bắc Kinh chân chính”.
Khi đi du lịch, việc trải nghiệm những món ăn địa phương là điều không thể bỏ qua. Nếu đến Bắc Kinh (Trung Quốc), bạn có thể thăm thú Cố cung hay chùa Long Phúc để trải nghiệm hương vị truyền thống và lịch sử. Ở đó bạn sẽ thấy một món ăn nhẹ gọi là nước đậu, ăn kèm với bánh vòng chiên và dưa chua, hơi giống "bộ đôi sữa đậu nành và bánh quẩy".
Tuy nhiên, nước đậu là một món không dành cho những người không thể chịu được mùi vị của nó, lần đầu tiên uống bát nước đậu một cách bình tĩnh và trọn vẹn chẳng phải là điều dễ dàng.
Thậm chí thời gian gần đây, mạng xã hội Trung Quốc còn nổi lên một trào lưu thử thách “giới trẻ cùng nhau đi uống nước đậu Bắc Kinh truyền thống vào bữa sáng”. Kết quả là 10 người thì hết 9 người uống vào lại nhả ra ngay lập tức.
Nhiều bạn trẻ đã để lại bình luận sau trải nghiệm thử uống nước đậu Bắc Kinh mà người lớn tuổi rất yêu thích:
“Mùi nước đậu y chang mùi của bãi nôn, vừa chua vừa hôi, rất khó chịu”.
“Như thể đang uống phải nước chua trong dạ dày của mình vậy”.
Phản ứng của các bạn trẻ cũng rất dễ hiểu vì nước đậu Bắc Kinh truyền thống thật sự có mùi chua tương tự như bãi nôn hoặc đồ ăn cũ lên men, theo đánh giá của nhiều người cao tuổi thích uống món này. Những người không thích thường mô tả món này là “sữa đậu nành ôi thiu”.
Vậy sữa đậu nành ở nhà bị ôi thiu có biến thành nước đậu không? Đương nhiên là không. Thực chất, nó hoàn toàn khác với sữa đậu nành bạn thường uống vào bữa sáng.
Ngoài hương vị và phương pháp làm, nước đậu và sữa đậu nành còn khác nhau ở màu sắc. Sữa đậu nành có màu trắng sữa hoặc hơi vàng. Còn nước đậu lại có màu xanh xám, chất nước cũng đặc hơn một chút.
Người ta nói rằng nước đậu đã được người dân Bắc Kinh ưa chuộng ngay từ thời nhà Liêu và nhà Tống, thậm chí còn xuất hiện trên bàn ăn hoàng gia vào thời Càn Long của nhà Thanh. Quy trình sản xuất chung là đậu xanh trước tiên được ngâm, xay và lọc để loại bỏ bã, sau đó lọc và lên men để tinh bột kết tủa thu được nước đậu sống, sau đó đun sôi để trở thành nước đậu nấu chín.
Nước đậu là sản phẩm đậu nành lên men tự nhiên. Mặc dù quá trình lên men của nước đậu tương tự như sữa chua nhưng hương vị của nó phức tạp hơn nhiều so với sữa chua siêu thị do có nhiều loại vi khuẩn khác nhau.
Một số người Bắc Kinh lớn tuổi thuộc thế hệ trước đặc biệt thích uống nước đậu, họ cũng thích đến các quán ăn khác nhau để thưởng thức và tìm kiếm hương vị “hợp bụng” mình. Điều này cũng có lý do khoa học. Các quán ăn khác nhau có quy trình lên men và môi trường lên men khác nhau, dẫn đến các vi sinh vật lên men khác nhau, từ đó tạo ra mùi vị cũng khác.
Mùi chua trong nước đậu là hương vị chủ yếu khiến nhiều bạn trẻ không thể nuốt nổi món tưởng chừng vô cùng giản đơn này.
Tin vui là sau khi nước đậu được nấu chín, nhiều thành phần chua, hôi sẽ bốc hơi, chất tạo hương còn lại chủ yếu là axit hữu cơ và andehit khiến hương vị tương đối “dịu” hơn.
Nếu vẫn không thể chịu nổi mùi vị, bạn có thể thử một món ăn vặt truyền thống khác - “Ma Tofu” (nôm na là Bột đậu Ma). Nó là sản phẩm phụ của nước đậu đun sôi - bột dính dưới đáy nồi được chiên với mỡ dê, hương vị nhẹ hơn nhiều so với nước đậu.
Nước đậu tuy có mùi không dễ nuốt nhưng thực tế lại khá an toàn vì độ pH giảm nhanh trong quá trình lên men bởi vi khuẩn axit lactic khiến vi khuẩn gây bệnh khó tồn tại. Là một loại thực phẩm lên men, nước đậu còn rất giàu chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa nên trở thành thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Nguồn: Tổng hợp