Nước Anh đối mặt thảm họa ung thư trong đại dịch COVID-19

Thùy Dương,
Chia sẻ

Các nghị sĩ Anh ngày 18/2 đã viết thư cho Thủ tướng Boris Johnson, khuyến cáo rằng Anh đang đối mặt thảm họa ung thư giữa đại dịch COVID-19, có thể khiến hàng chục nghìn người chết.

Nước Anh đối mặt thảm họa ung thư trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

King (trái) và Smith đã chết vì bị trì hoãn chẩn đoán, điều trị ung thư. Ảnh: Dailymail

Tờ Dailymail đã chia sẻ câu chuyện về hai phụ nữ trẻ Latifah King 27 tuổi và Kelly Smith 31 tuổi và cho biết bi kịch đằng sau đó là cả hai đều chết vì ung thư sau khi bị hoãn điều trị trong bối cảnh Anh bị phong tỏa để phòng chống COVID-19.

Smith đã bị hoãn xạ trị ung thư ruột suốt 3 tháng trong lần đầu tiên Anh phong tỏa. Còn King không thể hẹn lịch khám với bác sĩ, cũng không thể làm xét nghiệm và chết sau khi nhận chẩn đoán ung thư một tuần.

Vào thời điểm King nhận chẩn đoán mắc ung thư, cuộc sống của cô chỉ tính bằng ngày. Vào đêm cuối cùng King còn sống, cô đã bị gạt đi vì "kẻ giết người" duy nhất hiện nay mà ngành y tế nhìn thấy là COVID-19. King đã đau chân dai dẳng suốt từ tháng 10/2020, phải nằm liệt giường và sụt cân mạnh. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến cô chỉ có thể khám bệnh qua Zoom và bị chẩn đoán nhầm là đau thần kinh tọa. Khi cơn đau không thể chịu đựng được, King tìm cách tới bệnh viện nhưng chỉ được kê thuốc giảm đau. Mãi tới tháng 1, cô mới được nhập viện và bị chẩn đoán mắc ung thư. Một tuần sau, cô qua đời.

Còn với Smith, bà mẹ 31 tuổi này mắc ung thư ruột giai đoạn 4, phản ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên, quá trình điều trị bị hoãn do COVID-19. Smith cho biết cô rất giận dữ vì bị hủy lịch điều trị. Cô nói: “Tôi không muốn chết. Tôi cảm thấy mình còn quá nhiều thứ để làm”. Sau cái chết của Smith, gia đình cô cho rằng quyết định hủy xạ trị đã khiến cô thiệt mạng. Bố dượng Smith đã thành lập nhóm chiến dịch liên quan bệnh ung thư và ông nói: “Bệnh nhân ung thư có quyền sống như bệnh nhân COVID-19”.

Ngoài hai bi kịch trên, các nghị sĩ Anh cho biết có tới 100.000 người khác có thể lỡ cơ hội điều trị ung thư do ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, có nhiều cái chết có thể ngăn chặn được.

Các nghị sĩ đã viết thư cho ông Johnson, yêu cầu dùng ý chí chính trị để giải quyết thảm họa ung thư này, tương tự như ý chí đã dùng để thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19. Họ nói: “Chính phủ đã làm mọi cách để cứu mạng sống trong dịch COVID-19. Đã tới lúc cần làm tương tự với bệnh nhân ung thư”.

Tại Anh, từ khi bị phong tỏa hồi tháng 3/2020, hàng triệu người đã bị gián đoạn trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư. Gia đình một số người cho rằng bệnh nhân ung thư là những người chịu “vạ lây” khi ngành y tế tập trung vào COVID-19.

Các nghị sĩ Anh cho rằng có thể có tới 50.000 người mắc ung thư mà chưa được chẩn đoán do đại dịch COVID-19 cản trở. Con số này có thể tăng lên tới 100.000 người vào thời điểm Anh thoát khỏi đại dịch. Vấn đề ở đây không phải là nên cứu bệnh nhân COVID-19 hay bệnh nhân ung thư, mà vấn đề là có thể và cần phải cứu cả hai đối tượng.

Nước Anh đối mặt thảm họa ung thư trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Số ca phẫu thuật ung thư giảm mạnh khi Anh phong tỏa để phòng chống COVID-19. Ảnh: Shutterstock

Chẩn đoán sớm và điều trị ngay là điều quan trọng, quyết định cơ hội sống của bệnh nhân. Cứ trì hoãn 4 tuần điều trị thì nguy cơ tử vong tăng thêm 10%. Năm 2020 là năm mà số người bắt đầu điều trị ung thư thấp nhất ở Anh trong 10 năm qua.

Chỉ riêng các ca phẫu thuật liên quan ung thư đã giảm 21.700 trong làn sóng COVID-19 đầu tiên. Số người gặp chuyên gia vì nghi ngờ mắc ung thư đã giảm 330.000 trong giai đoạn tháng 3 và tháng 12/2020 khi mà thông điệp ở nhà do chính phủ đưa ra đã khiến mọi người hoãn đi kiểm tra.

Trong bức thư, các nghị sĩ cảnh báo: Nhiều mạng người đã mất và chúng ta có thể mất tới 35.000 bệnh nhân và 60.000 năm tuổi thọ vì ung thư do sự trì hoãn này. Các nghị sĩ kêu gọi kế hoạch phục hồi chữa trị ung thư toàn quốc để giảm số người trong danh sách chờ chữa trị nhằm tránh thảm họa ung thư hậu COVID-19.

Giáo sư Pat Price, bác sĩ chuyên khoa ung thư hàng đầu ở Anh, cảnh báo rằng trì hoãn sẽ khiến nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán thì đã mắc ung thư ở giai đoạn sau.

Ngoài ra, người ta còn lo sợ hậu quả khủng khiếp mà đại dịch COVID-19 gây ra với việc điều trị các căn bệnh khác. Có tới 4,52 triệu người đang chờ được điều trị các loại bệnh. Đây là con số kỷ lục. Trong đó, 242.000 người đã chờ hơn một năm.

Chia sẻ