Pha bắt gian lúc nửa đêm thanh lịch nhất lịch sử của người vợ với câu nói "cực đắt", sau đó là màn "lột xác" khiến gã phản bội khẩn khoản quay đầu
Năm 25 tuổi, Uyển Oánh kết hôn với Ngô Dục Tương. Đám cưới gây chấn động khắp Thượng Hải vì độ xa hoa, sang trọng.
Có những người phụ nữ toát lên sự thanh tao và cao quý ngay cả trong nhan sắc, điệu bộ và giọng nói. Cái cách họ đối mặt với một biến cố cuộc đời cũng vô cùng đặc biệt và nhận về nhiều sự ngưỡng mộ lớn.
Đối mặt với súng đạn để hủy hôn
"Đôi mắt thanh tú, vầng trán mịn màng, đôi má ửng hồng, cánh tay trắng nõn như củ sen cùng với chiếc váy ren trắng tinh xảo và đôi giày mềm mại, cô gái giống như một thiên thần nhỏ trong sáng...", đây là đôi dòng miêu tả về Quách Uyển Oánh - công chúa nhỏ của công ty Vĩnh An nổi tiếng.
Công ty Vĩnh An nắm trong tay Bách hóa Vĩnh An với hơn 40 cửa hàng lớn buôn bán cả hàng ngoại lẫn hàng nội địa tại Thượng Hải. Quách Uyển Oánh chính là con gái thứ 4 trong nhà.
Bà sinh ra ở Úc và về Thượng Hải cùng cha mẹ từ năm 6 tuổi. Sau này, bà được sắp xếp học tại trường Nữ sinh Trung Hoa và Phương Tây - một ngôi trường quý tộc.
Năm 1928, sau khi Uyển Oánh tốt nghiệp, cha bà không muốn cho con gái sang Mỹ du học nên quyết định tìm một mối hôn sự tốt cho con. Sau nhiều lần xem xét và cân nhắc, ông quyết định trao cơ hội cho con trai một người bạn cũ của mình có tên là Albert.
Albert cũng sinh ra trong gia đình giàu có và sống ở phương Tây lâu năm. Ông cũng được giáo dục theo kiểu phương Tây. Uyển Oánh nghe lời cha mẹ, đồng ý đính hôn với Albert.
Tuy nhiên, vị hôn phu này lại quá xuề xòa, thoải mái và không hề biết đến sự tinh tế, lãng mạn. Điều này khiến Quách Uyển Oánh không đánh giá cao. Sau này, chính bà đã bày tỏ ý định muốn cha hủy hôn giúp mình.
Albert khó chấp nhận được quyết định đó và không hiểu mình làm gì sai. Đang ở Mỹ, ông đã lao về Trung Quốc để hỏi xem Quách tiểu thư vì lý do nào mà lại quyết định bỏ rơi mình vội vàng đến thế.
Ông cũng mang theo một khẩu súng ngắn và tìm đến nhà họ Quách với ý nghĩ: "Phải kết hôn bằng được, nếu không phải Quách Uyển Oánh chết thì ông sẽ chết".
Tuy nhiên, đến khi gặp, ông đã chết lặng khi nghe thấy lí do thật sự của màn hủy hôn:
"Tôi thật sự không thích hợp với anh, không thích cái cách anh tặng tôi một đôi tất rồi bàn luận về nó: 'Đôi tất này thực sự rất bền, dùng cả năm cũng không hỏng'. Những người yêu nhau người ta không nói đến những chuyện ấy".
Tuy vậy, Albert không nghe, giơ súng định bắn, Quách Uyển Oánh vẫn bình tĩnh nói tiếp: "Anh không giết tôi, tôi cũng không muốn gả cho anh. Nếu anh giết tôi, tôi không gả cho anh bởi vì tôi sẽ chẳng bao giờ làm vợ anh đâu.
Bây giờ, anh về nhà đi, đừng cưới một người như tôi. Nếu anh tự sát, anh không bao giờ biết đến cảm giác kết hôn thế nào, cả đời anh không thể rõ được cảm giác đó".
Sự quyết liệt của Quách tiểu thư khiến Albert buông xuôi. Sau này về già, Quách Uyển Oánh cũng nhớ lại và cảm thấy mình đã làm tổn thương Albert và cha mẹ ông thật nhiều.
Màn bắt gian thanh lịch nhất lịch sử
Sau khi hủy hôn, bà đến Bắc Kinh học đại học và tại đây đã gặp Ngô Dục Tương - một du học sinh từng học ở Mỹ về và cũng xuất thân trong gia đình hiển hách.
Họ Ngô rất ga lăng và lãng mạn, Uyển Oánh lại xinh như hoa, họ nhanh chóng trở thành một đôi.
Nói đến Ngô Dục Tương, ông cũng có cuộc hôn nhân sắp đặt giống Uyển Oánh. Lúc đó, khi đến buổi hẹn với tiểu thư nhà kia, ông đưa cho đối phương 300 NDT (hơn 1 triệu đồng) để cô dạo phố mua những gì mình thích. Kết quả, ông thấy cô gái kia mua về một đống vải hoa. Ngô Dục Tương - người từng du học nước ngoài cảm thấy nhàm chán và từ chối cuộc hôn nhân theo cách quyết liệt: "Làm sao tôi có thể cưới một người như thế này cơ chứ".
Cả Ngô Dục Tương và Quách Uyển Oánh đều là những thanh niên có tư duy tân tiến, thích sự lãng mạn nên rất hòa hợp với nhau.
Năm 25 tuổi, Uyển Oánh kết hôn với Ngô Dục Tương. Đám cưới gây chấn động khắp Thượng Hải vì độ xa hoa, sang trọng.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc trong một dinh thự lớn. Phòng khách của họ có cây thông Noel lớn nhất, đầu bếp đều là những thợ lành nghề đến từ Phúc Châu. Trong mắt bạn bè, cuộc sống của họ tuyệt vời, hạnh phúc và ấm áp.
Khoảng năm 1939, tình hình xã hội đầy biến động. Ngô Dục Tương chìm đắm trong giấc mơ làm giàu nhưng lại thua lỗ nhiều do thời thế không thuận lợi.
Tình cảnh bi đát đến mức Quách Uyển Oánh phải ôm con về nhà mẹ đẻ ở nhờ. Thời gian này, Ngô Dục Tương bắt đầu ngoại tình với một góa phụ trẻ tuổi. Vợ về nhà mẹ đẻ, ông lại càng chìm đắm đêm ngày ở nhà người phụ nữ kia.
Thậm chí năm 1943, khi con thứ hai chào đời, khi Quách Uyển Oánh đang vật lộn trên bàn đẻ thì chồng vẫn đang thản nhiên đi đánh bạc rồi quay về nhà góa phụ kia.
Khi biết được tất cả những điều đó, Quách Uyển Oánh không làm ầm ĩ cũng không cho người đến để xử lý.
Nửa đêm nọ, đợi mãi không thấy chồng về nhà, bà quyết định đến tận nhà tình địch tìm chồng. Sau tiếng gõ, cửa nhà bật mở, Uyển Oánh đứng đối diện với góa phụ kia nói thẳng: "Tôi đến tìm chồng mình".
Bà bước vào, nhìn người chồng đang nằm trên giường, mặt không cảm xúc nói tiếp một câu rất bình tĩnh: "Anh vui đủ chưa, vui rồi thì về nhà thôi".
Màn "bắt gian" và giải quyết thanh lịch nhất lịch sử đã diễn ra như vậy. Đến Ngô Dục Tương cũng ngỡ ngàng và không ngờ vợ mình lại có thể bình tĩnh đến thế. Sau đó, người đàn ông này cũng ra về theo như lời yêu cầu của vợ.
Sự quay đầu của gã đàn ông trăng hoa
Uyển Oánh không nhắc đến chuyện bỏ chồng. Sau màn gặp mặt hôm đó, bà vẫn bình tĩnh, sống như thế nào thì tiếp tục như thế ấy.
Thế nhưng bà hiểu rõ thêm một điều rằng phụ nữ không thể chỉ dựa vào chồng mình, đó là một sự dựa dẫm đầy bấp bênh. Bà đã tự mở một cửa hàng thời trang và phấn đấu cho sự nghiệp riêng. Cửa hàng kinh doanh thành công, người phụ nữ ấy lại càng toát lên vẻ thành thục và sức hút khác.
Ngô Dục Tương nhận ra vợ mình ngày càng quyến rũ, càng thu hút ánh nhìn của nhiều người. Ông cũng gác lại tất cả, chuyên tâm hơn cho gia đình và dần dần quay đầu. Quách Uyển Oánh không lật lại chuyện cũ mà vẫn dịu dàng chăm sóc chồng chu đáo như xưa.
Sau đó, Ngô Dục Tương đã thành lập công ty máy móc y tế. Nhờ sự giúp đỡ của vợ, công ty càng phát triển và kinh doanh rất phát đạt. Thế nhưng thời thế không kéo dài được lâu, trong những ngày xã hội hỗn loạn, ông đã bị bắt đi tù. Quách Uyển Oánh buộc phải vừa chăm con vừa kiếm tiền.
Thời điểm đó, bà đã từ chối cùng gia đình rời Thượng Hải để sang nước ngoài định cư mà quyết bám lại.
Không ngờ, khi đang ở trong tù, Ngô Dục Tương đã qua đời do mắc bệnh về tim. Bà mặc sườn xám, chạy đến nhà xác để nhận xác chồng. Bà không khóc nổi vì quá đau đớn. Người chồng ra đi để lại một khoản nợ nần lớn dành cho vợ.
Quách Uyển Oánh quyết định dốc toàn bộ tiền tiết kiệm, bán đồ trang sức để trả nợ cho chồng. Bà và những đứa con sống khổ cực trong căn nhà chỉ rộng 7m2. Ai mà ngờ được tiểu thư nức tiếng đất Thượng Hải bây giờ lại vất vả đến thế.
Sau này, bà làm nhiều công việc vất vả và khổ sở hơn để nuôi con nhưng dù rơi vào hoàn cảnh nào, Quách Uyển Oánh vẫn toát lên vẻ tao nhã, thanh tao và cử chỉ nhẹ nhàng.
Bà đã thay chồng một tay nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Các con của Quách Uyển Oánh sau này đều có sự nghiệp riêng, con đàn cháu đống quây quần hạnh phúc.
Về già, bà vẫn uốn tóc, ăn mặc nhẹ nhàng và toát lên cốt cách của tiểu thư nhà giàu ngày xưa. Bà sống cạnh các con nhưng không muốn làm phiền chúng. Thậm chí sau này con cái ra nước ngoài định cư, bà vẫn quyết định ở lại Thượng Hải.
Nguồn: Cunman, Ifeng