Nữ tình nguyện viên chăm sóc con của các sản phụ nhiễm COVID-19 chưa được đón về: “Nhìn bé bú lại nhớ 2 con ở nhà”
Nhìn các bé bú ngon lành khi mẹ vẫn còn đang chống chọi bệnh tật, thậm chí có trường hợp đã vĩnh viễn ra đi vì COVID-19, nữ tình nguyện viên lại ngậm ngùi nhớ 2 con của mình.
Ngày 25/8, Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) đã chính thức đi vào hoạt động, dưới sự quản lý, hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).
Trung tâm đặt tại Trường mầm non Họa Mi 2 (đường Lý Thường Kiệt, P.12, Q.5) với mục đích hỗ trợ các bé có mẹ bị nhiễm COVID-19, khi nhiều gia đình vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà chưa thể đón các con về.
Xin nghỉ việc vào chăm con F0
Cô Nguyễn Thị Hồng Quế, Hiệu trưởng trường Họa Mi 2 cho biết, từ ngày 3/5 vì ảnh hưởng của dịch bệnh, trường đã tạm ngừng hoạt động.
Cách đây không lâu khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, UBNQ Q.5 ngỏ ý sẽ dùng cơ sở này để thiết lập nơi chăm sóc trẻ mới sinh trong tình hình đặc biệt hiện tại, phía trường mầm non đã lập tức phối hợp cùng các nhân viên y tế chuẩn bị mọi thứ để khẩn trương đón các bé, giảm tải cho bệnh viện.
Để Trung tâm có thể hoạt động, từ những ngày giữa tháng 8, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM đã phát lên thông báo tuyển bảo mẫu chăm sóc trẻ sơ sinh có cha hoặc mẹ không may nhiễm COVID-19.
Rất nhanh chóng, đã có hàng chục lá đơn đăng ký được gửi đến cơ quan chức năng, dù biết có thể thức đêm và phải chịu áp lực công việc cao.
Chiều 26/8, chúng tôi tìm đến Trung tâm H.O.P.E khi trời đã bắt đầu mưa. 4 căn phòng chăm sóc trẻ mới đi vào hoạt động 2 ngày đã bận rộn và đầy ắp tiếng cười.
Các cô bảo mẫu người lăng xăn tắm và lau mình cho trẻ, người lại tập trung dỗ bé ngủ, cho bé bú.
Ở chiếc nôi đặt sát góc tường, Nguyễn Thị Thu Hằng (ngụ quận Gò Vấp) đang chăm chú nhìn một cậu bé bú no nê, ngon lành bình sữa trên tay cô.
Hỏi chuyện, chúng tôi bất ngờ khi Hằng chưa lập gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ và cũng đang làm công việc tiếp viên hàng không nhưng vẫn quyết định xin nghỉ phép 2 tháng để làm tình nguyện viên tại H.O.P.E.
"Khi nghe tin Bệnh viện Hùng Vương cần sự giúp đỡ của các tình nguyện thì mình ngay lập tức gọi điện liên hệ xin đi ngay.
Mình có nói với mẹ sẽ đi 6-7 tuần và mẹ cũng vô cùng ủng hộ. Vậy là chuẩn bị đồ đi đến đây luôn.
Mặc dù chưa có kinh nghiệm và cũng có chút lo lắng, nhưng những ngày hôm nay luôn có các cô điều dưỡng luôn túc trực bên cạnh để hướng dẫn, tập huấn. Khi vừa qua đến bệnh viện, thấy các con mình chỉ muốn nhào vô ôm liền" – Hằng nói.
Chưa đầy 2 ngày "hành nghề" bảo mẫu, Hằng đã có 1 đêm đầu tiên rất khó quên khi gần như thức trắng. Cô phải liên tục kiểm tra thể trạng các bé, thậm chí cẩn thận theo dõi thân nhiệt, xem trẻ có bị nóng hay lạnh không, thở đều hay không.
"Các bé có hoàn cảnh quá đáng thương. Thực sự mình tin vào những điều tốt đẹp. Mình quyết định đến đây để thực hiện điều tốt đẹp đó" – Nữ tiếp viên hàng không tâm sự.
Cũng xin công ty cho nghỉ việc để tình nguyện đi chăm sóc con của các F0 là Lê Ngọc Kim Tiền (quê Kiên Giang), sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP.HCM.
Tiền kể vì sợ ba mẹ không đồng ý, lo lắng cho mình gặp nguy hiểm, cô âm thầm đăng ký mà không nói cho ai ở quê biết.
"Đến ngày thứ 2 vào đây em mới thông báo và cha mẹ cũng đã vui vẻ đồng ý. Hiện tại bây giờ em cũng đang rất hồi hộp, ngày đầu tiên trực nguyên đêm hơi sốc nhưng hôm nay cũng quen dần rồi. Em chưa có con, nhưng với tinh thần và tình thương thì em tin mình sẽ làm được" – Tiền tự tin chia sẻ.
Chăm con người nhớ con mình
Một trong những người có cảm xúc đặc biệt nhất là bảo mẫu tên Bạch Ngọc Hải Yến.
Chị Yến là một giáo viên tiếng Anh, nhà ở tận quận 12. Cô thật thà chia sẻ, ban đầu khi nghe tuyển tình nguyện viên chăm sóc trẻ chỉ nghĩ là sáng đi chiều về nên đăng ký. Tuy nhiên sau đó biết phải ở lại viện xuyên suốt 5 tuần, cô bất ngờ, trong khi chồng thì từ chối cho vợ đi xa.
"Tôi phải cố thuyết phục chồng, rằng mình đang làm công việc rất ý nghĩa. Mãi thì anh ấy mới đồng ý. Vào đây loay hoay với công việc bận quá, không có thời gian để gọi về gia đình.
Nhớ các con ở nhà lắm, nhất là khi nhìn các bé bú. Mình có 2 đứa rồi, đứa lớn 13 tuổi còn nhỏ mới 4 tuổi rưỡi, cứ gọi điện nói mẹ đi nhanh nhanh về. Nên mình càng thấy tội nghiệp các bé ở đây, nhỏ quá mà không có mẹ chăm sóc.
Có một số bé không còn mẹ, mẹ đã mất trên bàn mổ, bệnh viện sẽ nuôi tiếp đến khi qua đợt dịch này" – người mẹ 2 con tâm sự, khi đang âu yếm nhìn một cô bé đang ngủ trên nôi.
4 giờ chiều, những chuyến xe cấp cứu lần lượt nhấp nháy đèn trước cổng trường mầm non, chở 19 trẻ sơ sinh sang bàn giao cho Trung tâm H.O.P.E.
"Lẽ ra là 20 bé nhưng sáng nay có 1 mẹ đã có kết quả xét nghiệm âm tính, đón con xuất viện trở về rồi" – nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng báo tin vui hiếm hoi giữa những ngày y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương căng mình với đại dịch.
Đã đến tuổi hưu từ tháng 1/2020 nhưng từ đó đến nay, cô Thu Hồng vẫn miệt mài gắn bó cùng khoa Sơ sinh khi được bệnh viện giữ lại trong thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Dường như công việc chăm sóc trẻ khiến người phụ nữ quên đi sự mỏi mệt và gánh nặng của thời gian.
Tại trung tâm H.O.P.E, nữ hộ sinh Hồng làm nhiệm vụ hướng dẫn việc chăm sóc trẻ và các kỹ năng xử lý tình huống cấp cứu cho các tình nguyện viên.
"Tôi làm nghề này mấy chục năm rồi, gắn bó với bệnh viện cũng nhiều năm. Chăm sóc trẻ thì không có sự phân biệt nào cả.
Nhưng về mặt cảm xúc mà nói, thấy các bé vừa sinh ra mà mẹ đã nhiễm bệnh, không có hơi ấm tình thân, thậm chí mẹ đã ra đi vĩnh viễn, người nhà chưa đến đón được thì mình càng xót, càng thương nhiều hơn. Các con bất hạnh quá…" – cô Hồng bộc bạch.
Chiếc xe đưa trẻ cuối cùng trong ngày từ bệnh viện sang được bàn giao giữa lúc đường còn sũng nước. H.O.P.E hiện đã đón tổng cộng 47 thiên thần là con sản phụ F0.
Và con số này trong những ngày sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng, khi Bệnh viện Hùng Vương đang gồng mình chăm sóc 130 trẻ có mẹ nhiễm COVID-19.