Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện "thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con..."

Lê Minh,
Chia sẻ

"Chỉ cần như thế thôi cũng sẽ đủ khiến tôi quẳng vali và quay về nhà luôn. Tôi luôn chờ đợi một lần như thế để mình có thể được an yên bên gia đình".

LTS: Tôi gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhài khi chị vừa bay từ Bắc Mỹ về Việt Nam để tham dự sự kiện FounderGirls Submmit. Trong bài phát biểu chủ đề "Trở thành người phụ nữ Alpha", chị nhận định "Phụ nữ Alpha nắm rõ số phận của mình và biết rõ mình muốn gì. Cô là người phụ nữ quả cảm, không sợ thất bại. Cô ta dám nói tiếng nói và suy nghĩ của chính bản thân mình. Thay vì thụ động, người phụ nữ Alpha hiểu và biết rõ "Nếu cô ấy muốn, không có gì là không thể". Không ai biết, trong suốt hành trình 15 năm theo đuổi niềm đam mê, chị đã phải một mình đối mặt với nhiều định kiến khắc nghiệt từ xã hội bên ngoài đến người thân trong gia đình như thế nào! 

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhài

Thành viên nhóm nghiên cứu cao cấp APHERP (Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục đại học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) của Trung tâm Nghiên cứu Đông-Tây, Đại học Hawaii. Cựu Giảng viên chính Khoa Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Vietnam. Khát vọng của tiến sĩ Nguyễn Thị Nhài là xây dựng triết lý giáo dục phương thức cải cách giáo dục đại học Việt Nam phù hợp với hệ giá trị và văn hóa Việt Nam và dung hòa với các hệ giá trị đương đại. Hiện chị đang sinh sống tại Canada cùng chồng và hai con gái và làm việc tại Melbourne, Úc.

Tôi đau khi bị gọi là "bà Tiến sĩ" với thái độ miệt thị!

Tôi kết hôn năm 22 tuổi, vợ chồng chúng tôi yêu nhau từ hồi sinh viên. Ông xã biết tôi đam mê giáo dục và nghiên cứu nên ủng hộ hết lòng. Chính anh là người thôi thúc tôi xin học bổng tiến sĩ đi học ở nước ngoài và tình nguyện bỏ công ty để theo tôi sang Úc theo diện visa gia đình cho nghiên cứu sinh. Do tính chất công việc nên tôi di chuyển nhiều. Xa nhà thường xuyên cũng không thể tránh được những nghi ngờ, hiểu lầm, hờn ghen. Sau thời gian công tác, khi đoàn tụ gia đình, cả hai vợ chồng đều bị "sốc ngược" và lại mất một thời gian để thích nghi với nhau: yêu lại từ đầu như hồi mới kết hôn. Quãng thời gian ấy khá khó khăn nhưng cũng không kém thi vị bởi nó chứa đầy đủ mọi cung bậc tình cảm.

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhài trong một buổi dạy sinh viên

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 3.

Do tính chất công việc, chị Nhài di chuyển qua rất nhiều quốc gia, khiến chị phải đối mặt với rất nhiều định kiến của xã hội về vai trò của người vợ và người mẹ trong gia đình

Nhưng khó khăn lớn nhất mà tôi phải đối mặt là định kiến về vai trò của người vợ và người mẹ trong gia đình. Khi về Việt Nam công tác hai năm, nhiều câu hỏi cửa miệng thiếu sự tinh tế, cảm thông mà rất nhiều người dành cho tôi chính là "Vợ chồng xa nhau thế có chịu được không?", "Phục ông xã Nhài đã cho vợ đi làm xa", "Sao có thể để chồng một mình xoay sở", "Chồng Nhài giỏi quá", "Dám để vợ đi xa thế à", "Sao có thể xa con được nhỉ", "Ai chăm con cho Nhài".

Hay những câu chuyện bâng quơ, bóng gió về người đàn bà hư hỏng, bỏ con, theo giai, làm chuyện thất đức, ngoại tình. Những chuyện cố tình xúc phạm đến nhân cách cốt để tôi quỵ ngã và quay về bên gia đình. Tôi vật vã vì đau. Đau vì bị xúc phạm. Đau vì bị nghi ngờ. Đau vì xã hội ruồng rẫy như một thứ đàn bà hư hỏng, tàn nhẫn, dám làm chuyện tày trời là bỏ chồng, bỏ con để về Việt Nam làm việc.

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 4.

Trong suốt hành trình 15 năm theo đuổi niềm đam mê giáo dục, chị Nhài đã phải đối mặt với nhiều định kiến khắc nghiệt từ xã hội bên ngoài đến người thân trong gia đình

Bà Shirley Chisholm, người Mỹ gốc Phi đầu tiên chạy đua chiến dịch tổng thống Mỹ, từng nhận định: "Định kiến đối với phụ nữ bắt đầu từ khoảnh khắc bác sĩ siêu âm nói với người mẹ: Đó là con gái". Định kiến một người phụ nữ giỏi hơn chồng, về mặt bằng cấp, là không thể chấp nhận được. Tôi hay bị gọi là "bà tiến sĩ" với cách gọi và thái độ rất miệt thị. Dù muốn hay không, tôi cũng phải thừa nhận một người phụ nữ có bằng cấp, học vị cao sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực và sự ghen tỵ của xã hội và ngay cả những người xung quanh mình.

Tôi từng mơ ước trở thành nữ tổng thống để lãnh đạo thế giới theo cách riêng mình

Chính trong những lúc cuộc đời khắc nghiệt với mình, tôi nhớ đến khoảnh khắc mẹ mình bị chà đạp khi chủ nợ đến đòi và lý do tôi bắt đầu con đường này. Mẹ là người phụ nữ đảm đang trong một gia đình có truyền thống "trọng nam khinh nữ" ở Thái Bình. Gia đình đông con, bố và mẹ đều là công nhân, nên nhà tôi rất nghèo, thiếu trước, hụt sau, thậm chí thiếu gạo hàng ngày. Mẹ bỏ việc làm công nhân hợp tác xã để tần tảo bán hàng rong, chạy từng bữa gạo ăn lo cho 5 cô con gái ăn học.

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 5.

Chị Nhài sinh ra trong một gia đình có 5 cô con gái ở vùng quê Thái Bình và có một tuổi thơ đầy vất vả. Từ nhỏ chị đã có khao khát học để thoát nghèo, để thực hiện ước mơ của mẹ. Trong ảnh chị Nhài đang ghi hình trong một chương trình kỷ niệm "Ngày của Mẹ"

Năm tôi học lớp sáu, chị gái cả đỗ đại học. Mẹ sẵn sàng vay nợ lãi suất rất cao để lo tiền cho chị cả nhập học. Chủ nợ đến đòi tiền mẹ hàng ngày. Có những chủ nợ là hàng xóm thân thiết, nhưng khi mẹ không thể trả nợ thì họ chì chiết, đay nghiến, xúc phạm mẹ rất thậm tệ. Họ chửi để cả làng nghe thấy. Họ chửi ngay khi nhà tôi đang ăn cơm tối. Cái cảm giác nghẹn đắng tận cổ, cảm giác thấy mẹ cha bị xúc phạm thật kinh khủng. Đó là giây phút đỉnh điểm trong ký ức tuổi thơ tôi. Nó cho tôi ý chí phải thoát nghèo, thoát khổ để không bao giờ để người khác xúc phạm gia đình mình. Cảm giác đó càng nhân gấp bội khi một bạn trai trong lớp rêu rao gia đình tôi vỡ nợ trước măt bạn bè. "Bọn mày ơi, nhà con Nhài Cóc vỡ nợ đấy". Mặt tôi tím lại, nước mắt ấng lên trong mắt mà không sao khóc được.

Bạn biết không, hồi ấy, khi tôi còn là đứa con gái nhỏ, gầy nhẳng, đen đúa và cứng đầu, tôi có thói quen ngước lên bầu trời đầy sao trong đêm hè, thầm mong được thấy sao chổi để mơ ước trở thành nữ tổng thống của mình thành hiện thực. Khi đó, tôi sẽ lãnh đạo thế giới theo cách riêng của mình. Tôi sẽ có rất nhiều tiền, gia đình sẽ không còn khổ cực, không còn đói, không còn chịu rét nữa.

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 6.

Tuổi thơ vất vả đã hun đúc một ý chí mạnh mẽ bên trong người phụ nữ này

Giấc mơ từ thời thơ bé đã đồng hành cùng tôi theo tháng năm. Nó khơi nguồn động lực và quyết tâm, là điểm tựa khi tôi gục ngã hay thất bại. Ý thức rõ ràng được hoàn cảnh của mình, động lực học để thoát nghèo, học để gia đình không bị coi thường, bị sỷ nhục, học để thực hiện giấc mơ học còn dang dở của mẹ, học để đi khỏi mảnh đất Thái Bình quanh năm bị cái đói và cái nghèo vây bủa.

Không có lựa chọn nào là hoàn hảo

Thế nhưng tôi chưa bao giờ xem những gì mình theo đuổi là đánh đổi, là hy sinh. Đã đam mê và được đi theo đam mê của mình là hạnh phúc. Tôi đã từng ngồi hàng giờ để tư vấn cho các em sinh viên bị bế tắc, lạc hướng và không tìm được đam mê nên tôi hiểu cảm giác hạnh phúc khi sống với đam mê là thế nào.

Dù vậy, khi được gia đình tạo điều kiện cho mình theo đuổi đam mê và thực tế khi quay về Việt Nam làm việc, tôi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là tâm lý và sự cô đơn, nhớ con, nhớ chồng điên cuồng. Khi đứng bên cửa sổ văn phòng, ngắm cơn mưa tháng bảy ở Sài Gòn xối xả, mưa giăng kín lối, cảm giác lẻ loi, nhớ nhà bủa vây. Khi lủi thủi đi làm, khi đường khuya đi làm về, khi bị ốm thập tử nhất sinh, khi nằm trong bệnh viện truyền thuốc, khi sức khỏe suy kiệt. Khi đứng ở lằn ranh của sự sống và cái chết vì gặp tai nạn. Khi ăn cơm một mình. Khi thất vọng cùng cực, khi bị ức hiếp, bắt nạt, khi bị đối xử bất công. Khi bị dèm pha, khi bị thị phi, khi bị ganh ghét. Khi ngủ gục trên bàn làm việc tai vẫn còn đeo headphone để nghe tiếng chồng, tiếng con ở bên kia đại dương…

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 7.

Chị Nhài cùng chồng và hai con gái tại Canada. "Hai cô gái được rèn rũa tính tự lập từ nhỏ và trong môi trường giáo dục phương Tây. Hai con gái thường xuyên được bố mẹ chia sẻ những dự định tương lai và thảo luận cùng bố mẹ trong một số quyết định quan trọng trong gia đình, nên rất hiểu và cảm thông với mẹ", chị Nhài tâm sự.

Mỗi giây phút ấy, suy nghĩ bỏ về xuất hiện thường trực trong đầu tôi. Ngay cả khi chồng và con tiễn tôi ra sân bay về Sài Gòn, tôi thèm lắm một câu nói của anh "Thôi em đừng đi nữa. Em ở đây với anh và con". Chỉ cần như thế thôi cũng sẽ đủ khiến tôi quẳng vali và quay về nhà luôn. Tôi luôn chờ đợi một lần như thế để mình có thể được an yên bên gia đình. Thế nhưng khi chứng kiến sự thành công của các em sinh viên, khi thấy được thành quả hàng ngày mình làm, tôi càng yêu con đường mình chọn và sống trọn vẹn với nó mỗi giờ phút làm việc. Tôi xem những điều này là phép thử cho sự kiên cường và niềm đam mê giáo dục của mình.

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 8.

Chị Nhài trong thời gian làm việc tại RMIT, Việt Nam.

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 9.

Trong một hội thảo về giáo dục

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 10.

Nhìn thấy sinh viên trưởng thành và thành công là niềm hạnh phúc của người phụ nữ kiên cường này

Với tôi, hạnh phúc là tự bản thân tạo ra và tự bản thân cảm nhận. Hạnh phúc không nằm trong sự so sánh hay phân định rạch ròi. Theo quan điểm của Phật giáo, trong nhu có cương và ngược lại, vạn sự  biến hóa uyển chuyển, linh hoạt. Không thể quy chụp một người phụ nữ thành đạt thì khó có gia đình êm ấm hay một người phụ nữ đoan trang, có thiên hướng gia đình thì sẽ hạnh phúc dù không có sự nghiệp.

Nữ tiến sĩ Việt ở nước ngoài và câu chuyện thôi em đừng đi nữa, ở đây với anh và con... - Ảnh 11.

"Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, không sự lựa chọn nào là hoàn hảo. Hạnh phúc là tự bản thân tạo ra và tự bản thân cảm nhận"

Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, không sự lựa chọn nào là hoàn hảo. Ít nhất trong hoàn cảnh gia đình tôi, tôi có thể thỏa hiệp được với gia đình và sự lựa chọn của tôi cũng là lựa chọn của cả gia đình. Hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy gia đình riêng lớn lên theo cách của mình, dù chúng tôi không ở bên nhau 24/24 như bao gia đình khác. 

Chia sẻ