Nữ thủ khoa nhận cùng lúc 2 bằng đại học từng sốc vì trượt nguyện vọng yêu thích
Sau cú sốc trượt nguyện vọng vào trường yêu thích, Yến lấy lại tinh thần, hoàn thành 4 năm đại học với thành tích đáng nể.
Tròn một tháng sau sinh nhật tuổi 22, Yến có mặt trong buổi vinh danh thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022. Cầm trên tay bằng khen và cúp vinh danh thủ khoa, Phương Yến thầm cảm ơn chính bản thân vì 4 năm trước đã không bỏ cuộc.
Nguyễn Phương Yến là thủ khoa đầu ra trường Đại học Thăng Long năm 2022. Nữ sinh nhận cùng lúc 2 bằng cử nhân ngành Tài chính và ngành Kế toán với GPA lần lượt 9,1 và 9.
Khi còn là học sinh, Yến từng tham gia các cuộc thi về Lịch sử và đoạt nhiều giải thưởng. Lớp 11, Yến bất ngờ chuyển hướng quyết định thi khối A, thay vì khối D78 (Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh) như dự định trước đó. Yến mong muốn được theo học tại một trường đại học kỹ thuật có tiếng tại Việt Nam.
Năm 2018, nữ sinh trượt nguyện vọng mơ ước. “Em buồn, khóc suốt một tháng”, Yến nói.
10x quyết định mua bộ 2.000 mảnh về để ghép hình và tự nhủ, khi bức tranh hoàn thành cũng là lúc gạt nỗi buồn sang một bên để bước tiếp. Suốt thời gian đó, bố mẹ Yến cũng luôn bên cạnh động viên con gái.
Nhập học Trường Đại học Thăng Long, nữ sinh đăng ký theo chuyên ngành Kế toán. Sau 2 năm học, khi dần hứng thú với những thứ liên quan đến phân tích, Yến quyết định đăng ký học thêm chuyên ngành Tài chính. Mỗi ngành, em học khoảng 50 môn, trong đó 25 môn trùng nhau (bao gồm môn đại cương và những môn của ngành Kinh tế).
Yến miêu tả việc đăng ký tín chỉ trên đại học như cuộc chạy đua - điều quan trọng nhất nằm ở tốc độ. Với một sinh viên bình thường đăng ký một ngành đã không hề dễ dàng, trong khi Yến phải “cân” tới 2 ngành học.
Trước khi đăng ký tín chỉ, 10x có thói quen lập ra các kế hoạch đăng ký khác nhau. Trường hợp không đăng ký được môn như mong muốn, em lập tức chuyển sang phương án tiếp theo nhằm tối ưu hoá thời gian, ra trường đúng hạn.
Do 2 chuyên ngành nhiều nét tương đồng nên việc học song song giúp Yến hoàn thành tốt môn học của ngành này nhờ những môn của ngành kia và ngược lại.
Khó khăn lớn nhất nữ sinh gặp phải là thời gian học và những kỳ thi dồn dập cuối kỳ. Em thường học tại trường từ 7h đến 18h – thay vì chỉ 1 buổi/ ngày như các bạn còn lại. Có ngày, em thi 2 môn của 2 ngành khác nhau.
Để không bị “ngộp” kiến thức, trên lớp Yến tập trung, tiếp thu bài một cách tối đa để không mất quá nhiều thời gian ôn lại bài tại nhà. Nữ sinh ghi chép lại những điều giảng viên giảng ngoài giáo trình để tránh bỏ lọt kiến thức.
Trước thi 2 ngày, Yến sẽ ôn tập từ 20h đến đêm muộn, tổng hợp lại những kiến thức đã học để có cái nhìn bao quát nhất. Tuy vậy, nữ thủ khoa cho rằng đây không hẳn là cách học đáng khích lệ, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ.
Dù học 10 tiếng một ngày tại trường, Yến vẫn luôn cố gắng dành thời gian tham gia câu lạc bộ nghệ thuật. Đây là thời điểm em thích nhất trong ngày, lúc tâm trí có thể dồn hoàn toàn vào những bước nhảy và tiếng cười đùa cùng bạn bè.
“Đầu tiên mục tiêu của em chỉ là ra trường đúng hạn, bởi việc học song song 2 bằng đã là điều không hề đơn giản. Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa đầu ra”, 10x nói.
Sau khi ra trường, Yến sẽ dành thời gian nghỉ ngơi và tìm ra hướng đi tốt nhất cho bản thân trong công việc. Em cũng đặt mục tiêu học thạc sĩ trong thời gian tới, song song với đó là trau dồi thêm tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung.