Quận Nam Từ Liêm có 1 ngôi trường: Giáo viên, chú bảo vệ, cô nấu bếp chung tay để trẻ trưởng thành hạnh phúc
"Phải làm sao để trẻ phát triển tốt, có tư duy mở, tích cực, sẵn sàng đối mặt với thế giới thay đổi từng ngày. Đó là những gì chúng tôi hướng đến", thầy Andrew chia sẻ.
Trên con đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có một ngôi trường xinh xắn, với cái tên thật đặc biệt - Trường Liên cấp Song ngữ SenTia. Tên của trường cũng là tên của một vị nữ thần La Mã, người chịu trách nhiệm chăm sóc sự phát triển trí tuệ và nhận thức của trẻ em.
Truyền thuyết kể rằng sự chăm sóc, dẫn đường và giáo dưỡng của bà bao trùm mọi khía cạnh trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, nâng đỡ và dẫn dắt chúng vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường trưởng thành.
Khi đặt cái tên ấy, những người sáng lập ra trường đã gửi gắm một thông điệp rằng: Nơi đây sẽ là một môi trường đầy hạnh phúc, là nơi nuôi dưỡng và dẫn dắt những đứa trẻ vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường lớn khôn.
Ngôi trường với kiến trúc ZigZag, "niềm hạnh phúc" toát lên từ những không gian nhỏ
"Lần đầu đến trường, nếu như không có ai đưa đi, bạn sẽ bị lạc đấy" - Đó là lời một cô giáo nói với tôi (PV) trong chuyến sang thăm trường mới đây.
SenTia không quá rộng, nhưng phong cách kiến trúc vòng lặp độc đáo khiến cho người ta cảm tưởng ngôi trường này rộng mênh mông, đi mãi, đi mãi mà chẳng thấy điểm dừng.
Trường được thiết kế theo dạng uốn cong, các không gian kết nối với nhau thành một đường zigzag. Khi dạo quanh trường, tôi cảm giác như đang lạc vào Hogwarts vì hệ thống cầu thang linh hoạt, nối liền từ tòa nhà này sang tòa nhà khác. Hễ tưởng góc này là đường cụt rồi thì hóa ra lại có một lối đi bên cạnh, mở ra khoảng không gian khác của trường.
SenTia từng được trao giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018. Thế nên để nói về kiến trúc của trường thì nhiều cái độc đáo lắm, và có lẽ tôi sẽ nói vào dịp khác. Lần này, tôi nói về điều khiến mình ấn tượng nhất, với tư cách là một người chẳng có chuyên môn gì về kiến trúc, chỉ đơn giản là một người sang tham quan trường và rất quan tâm đến việc học của những đứa trẻ.
Ở SenTia, mỗi tầng đều bố trí những góc dừng chân, để trẻ ngồi nghỉ ngơi, thư giãn sau giờ học. Đó là khu vườn Stella được bày trí bàn ghế, giá sách, với khoảng không lộ thiên. Các em học sinh ngồi đó ngắm nghía trời đất, hít thở một ngụm không khí trong lành, cùng nhau trao đổi bài vở.
SenTia có nhiều không gian để trẻ ngồi nghỉ ngơi.
Hay tầng 4 được bố trí những dãy bàn ngồi được cả 2 phía, các em học sinh tại tầng này cũng có thể ngồi chơi tại đây. Hay một khoảng không gian khác lại bố trí những dãy ghế tựa như ở công viên, với các chậu cây xung quanh.
Cách bố trí không gian của SenTia khiến tôi cảm thấy, dường như bất cứ lúc nào, nếu trẻ cảm thấy mỏi mệt, căng thẳng thì luôn có nơi để các em ngồi xuống, nghỉ ngơi và bình tâm lại.
Mỗi đứa trẻ đều là một hạt mầm đặc biệt, được thầy cô tạo điều kiện để nảy nở
Thầy Andrew Robert Jackson, Phó Hiệu trưởng Liên cấp, Giám đốc chương trình học thuật của SenTia cho biết, triết lý giáo dục của nhà trường là "Trưởng thành Hạnh phúc". Điều này được xây dựng trên 4 giá trị nền tảng, gồm: Tình yêu thương, Thử thách, Trí tò mò và Nhân cách.
"Đó không phải là lý thuyết suông. Mọi hoạt động của nhà trường đều hướng tới và được bao trùm bởi 4 nền tảng này", thầy Andrew nhấn mạnh.
Ở SenTia, mỗi thầy cô, học sinh đều có một chiếc xô vô hình, chứa đựng cảm xúc. Việc làm đầy xô bằng những cảm xúc tích cực được diễn ra hàng ngày, hàng giờ, thông qua mọi hoạt động, sự chăm sóc từ hai phía. Thầy cô luôn yêu thương, lắng nghe học sinh, theo dõi và phát hiện những bất ổn về mặt tâm lý của các em, từ đó có sự đồng hành, can thiệp kịp thời. Về phía học sinh, các em thể hiện sự tôn trọng, yêu mến thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Để nói rõ về điều này, cô Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc điều hành nhà trường đã chia sẻ 1 câu chuyện có thật, mà bây giờ vẫn khiến cô xúc động mỗi khi nhớ lại. Năm ngoái, ở tuổi mới lớn, một em học sinh của SenTia đã có thái độ học tập, cư xử với bạn bè chưa tốt. Em thường xuyên không hoàn thành đầy đủ bài tập về nhà, từ chối, không hợp tác với bạn bè trong giờ học. Điều này khiến em bị cô lập trong lớp.
Ngay sau đó, cô Cẩm Tú, cô Chính (Chuyên viên phụ trách tâm lý học đường của SenTia), cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn đã có sự can thiệp, tác động kịp thời. Về phía phụ huynh, nhà trường liên lạc, cùng bàn bạc giải pháp khích lệ học sinh này bằng những lời nói tích cực, bao dung, yêu thương em hơn.
Về phía các bạn cùng lớp, thầy cô tận tình giải thích: "Ai cũng sẽ có một giai đoạn bất ổn về mặt tâm lý. Đây là lúc chúng ta cần giúp đỡ bạn". Và về phía em học sinh này, nhà trường cử một cô giáo thân thiết với em nhất, đồng hành, lắng nghe những tâm tư của em.
"Quãng thời gian đồng hành đó kéo dài đến một năm. Sau thời gian dịch, khi các em học sinh đến trường trở lại, nhìn thấy em ấy không còn bướng bỉnh mà vui vẻ, hòa động trở lại, tôi thực sự hạnh phúc”, cô Cẩm Tú bồi hồi kể lại.
Có một điều đặc biệt, phản ảnh rõ sự "hạnh phúc" ở SenTia, đó là sự quan tâm, đồng hành không chỉ đến từ thầy cô mà còn đến từ cả các bộ phận trong trường. Từ chú bảo vệ đến cô nấu bếp,... Cô Cẩm Tú nhớ lại câu chuyện vào một ngày nọ, khi cô xuống căn tin và thấy cô nấu bếp đang để phần thức ăn yêu thích cho một em học sinh đến muộn. SenTia có rất nhiều học sinh, nhưng nhân viên nhà bếp nhớ được hết những trường hợp đặc biệt. Ai ăn được gì, ai không ăn được gì. Sự quan tâm đó góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc cho những đứa trẻ.
Ở SenTia, thành tích học thuật tốt là rất quan trọng, nhưng cũng không thể lu mờ đi giá trị việc phát triển tinh thần, có một tâm hồn khỏe mạnh. Chỉ khi ta hạnh phúc, thực sự say mê tới trường thì việc học mới tốt được.
Nếu nhìn huy hiệu của SenTia sẽ thấy biểu tượng hạt mầm. "Hạt mầm" đó chính là hình ảnh ẩn dụ cho mỗi đứa trẻ khi bước chân vào cánh cổng trường. Tại SenTia, các "hạt mầm" được chăm sóc, tươi tắm để phát triển thành một cây cao lớn, vững vàng trước sóng gió.
Không có đứa trẻ nào giỏi hơn, không có đứa trẻ nào kém hơn. Tất cả các em đều là những đứa trẻ đặc biệt, duy nhất, là một hạt mầm tiềm năng. Việc của thầy cô là tạo điều kiện cho hạt mầm đó nảy nở.
"Phải làm sao để trẻ phát triển tốt, có tư duy mở, tích cực, sẵn sàng đối mặt với thế giới thay đổi từng ngày. Đó là những gì chúng tôi hướng đến", thầy Andrew bộc bạch.
"Hạnh phúc" được nhìn thấy rõ ở việc chọn lựa chương trình học
Chương trình học của SenTia là sự kết hợp giữa chương trình của Bộ Giáo dục, chương trình Quốc tế Oxford và Chương trình Nghệ thuật – Thể chất – Kỹ năng – Ngoại khóa. Được biết, SenTia là trường đầu tiên giảng dạy chương trình Oxford ở miền Bắc.
Ban đầu, nhà trường có nhiều lựa chọn đối với các chương trình quốc tế, lý do Oxford được chọn, thầy Andrew cho biết: "Có 3 lý do. Thứ nhất là triết lý giáo dục và triết lý của chương trình học có sự tương đồng. Thứ hai, là giúp học sinh phát triển toàn diện. Thứ ba là chương trình giúp học sinh phát triển khác so với thế hệ trước".
Cụ thể hơn, ở khía cạnh triết lý tương đồng, thầy Andrew chia sẻ, chương trình Oxford tập trung vào thực hành nhiều hơn lý thuyết. Các em có nhiều hoạt động học tập vui vẻ, hạnh phúc.
Về phần phát triển toàn diện, chương trình học tập trung vào phương pháp giáo dục phân hóa, đặt trẻ em vào các vùng phát triển, vùng học tập, tạo thử thách dựa trên năng lực cá nhân. Bài tập vừa sức để các em không bị sợ hãi, căng thẳng khi học.
Ở SenTia, các em được học tập chủ động. Trẻ phải muốn học, muốn khám phá, luôn sống với tinh thần khao khát kiến thức. Còn thầy cô không đưa ra câu trả lời mà phải dẫn dắt, trao cơ hội để học sinh tự khám phá, trải nghiệm và tìm ra đáp án. Để làm được điều này, thầy cô luôn phải khuyến khích trí tò mò của trẻ, nâng cao việc đặt câu hỏi, đồng thời tạo ra những phong trào, không gian đọc sách để trẻ phát huy, nuôi dưỡng thói quen đi tìm tri thức. Điều này cũng giúp trẻ nâng cao kỹ năng tự học.
Cụ thể, cô Cẩm Tú đưa ra một số ví dụ để dễ hình dung. Chẳng hạn trong giờ học Tiếng Việt, thay vì để học sinh tìm những thông tin như: "Theo con, nhân vật đó làm gì, kết quả ra sao?" thì giáo viên sẽ thay đổi câu hỏi: "Con đánh giá thế nào về quyết định của nhân vật? Nếu là con, con sẽ làm gì?". Dạng câu hỏi này khiến học sinh phải tư duy nhiều hơn, đặt mình vào nhân vật và đưa ra giải pháp.
Khi học về bài thơ "Hạt gạo làng ta", học sinh sẽ về nhà tự chuẩn bị món ăn được làm từ gạo, quay clip gửi cho cô giáo. Từ đó các em hiểu được ý nghĩa của hạt gạo, đồng thời phát triển được các kỹ năng mềm.
Ở SenTia, trẻ được phát triển tư duy bậc cao. Chẳng hạn như khi học về câu so sánh, các em được yêu cầu về nhà... giao bài tập cho chính cha mẹ, xem cách cha mẹ đặt so sánh đã hợp lý chưa, được chấm bao nhiêu điểm. Cách học khác lạ khiến các em phải hiểu rõ và sâu kiến thức, không học vẹt, học gạo.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được yêu cầu tìm hiểu, chuẩn bị trước kiến thức ở nhà. Khi đến lớp, các em không học theo cách truyền thống: Cô giảng - trò nghe mà chính các em có thể đóng vai trò trợ giảng, thuyết trình lại kiến thức của mình cho các bạn cùng lớp.
Hay như nói ở trên, chương trình giáo dục ở SenTia có độ phân hóa cao. Có 3 giáo án với chương trình ngôn ngữ, tương đương 3 trình độ mà học sinh có thể học được. Việc phân hóa không chỉ thể hiện ở trình độ của bài khó hay dễ mà còn tùy thuộc vào phong cách học. Học sinh tùy chọn phong cách, có quyền chủ động với việc học tập. Bài tập về nhà cũng được tăng dần độ khó, giáo viên sẽ đưa ra thử thách khác nhau cho học sinh. Ngoài ra, học sinh còn có cơ hội thực hiện nhiều dự án ngoài việc học, như quay podcast, video,...
Ngoài việc học tập trên lớp, học sinh SenTia còn được tham gia các câu lạc bộ thể chất như bóng đá, bóng chuyền, khúc côn cầu, bơi lội,... và tham gia giao lưu thể thao với các trường.
Thầy Andrew chia sẻ: So với 20 năm trước, Hà Nội hiện tại là 1 thành phố hoàn toàn khác biệt. Và thế giới 20 năm qua cũng thay đổi rất rất nhiều! Chương trình Oxford được thiết kế với nhiều môn học đặc biệt như Dự án kỹ năng toàn cầu (Global Skills Projects), Phát triển cá nhân (Wellbeing),... để học sinh ngày nay hiểu được giai đoạn phát triển hiện tại, bao gồm những thay đổi từ quá khứ đến tương lai.
Chương trình học thấu hiểu thử thách học sinh thế hệ này phải đối mặt, từ đó cung cấp cho các em kỹ năng sinh tồn để phát triển cả trong và ngoài trường học.