Nữ nhân viên ngân hàng vay 200 tỉ rồi tuyên bố vỡ nợ: Chuẩn bị đối phó từ trước?

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Nhiều nạn nhân cho rằng nữ nhân viên ngân hàng ở Gia Lai vay gần 200 tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ đã chuẩn bị kịch bản từ trước để đối phó với cơ quan pháp luật.

Ngày 13-9, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Gia Lai vẫn đang thụ lý điều tra vụ án bà Lê Thị Thương (SN 1988; trú phường Hoa Lư, TP Pleiku) có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khi vay của nhiều người số tiền hàng trăm tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Thương đưa ra thông tin vay tiền để đáo hạn ngân hàng, mua đất với các chủ nợ. Đa phần các nạn nhân đều đã nhiều lần cho bà Thương vay tiền. Những lần trước đó thì việc trả tiền gốc, lãi rất sòng phẳng.

Cùng với đó, bà Thương luôn khoe có người chị là một "đại gia", khi cần số tiền lớn chỉ điện thoại là có ngay. Nhiều người thấy vậy đã tin tưởng và cho bà Thương vay số tiền lớn.

Nữ nhân viên ngân hàng vay 200 tỉ rồi tuyên bố vỡ nợ: Chuẩn bị đối phó từ trước? - Ảnh 1.

Cơ quan công an đang tạm giam Lê Thị Thương để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - ảnh công an cung cấp

Việc vay mượn của bà Thương chủ yếu bằng tiền mặt, chuyển khoản qua ngân hàng. Mỗi cuộc giao dịch đều có giấy vay mượn tiền với nhau.

Đáng chú ý, theo một nạn nhân, bà Thương đã có phương án để đối phó với pháp luật bằng cách mượn tài khoản của các nạn nhân để chuyển tiền. Ví dụ, bà Thương vay của nạn nhân 5 tỉ đồng. Sau đó, Thương mượn số tài khoản của nạn nhân và chuyển vào 10 tỉ đồng nhờ rút ra giao lại cho bà ta. Khi đối chiếu giao dịch qua ngân hàng thì chỉ thể hiện nạn nhân đang nợ ngược lại Thương 5 tỉ đồng.

Một nạn nhân khác kể đã cho bà C.N.D.H (trú TP Pleiku) vay nhiều tỉ đồng. Đến khi nạn nhân này đòi thì bà C.N.D.H nói đã đưa số trên cho bà Thương vay lại. Sau đó, bà C.N.D.H "bán cái" bằng cách đề nghị chủ nợ của mình làm giấy cho bà Thương trực tiếp vay tiền.

"Đến nay, tôi không biết phải làm thế nào vì thực tế người vay tiền của tôi là bà C.N.D.H nhưng bà Thương lại là người đứng tên trong giấy nợ. Hiện tôi chỉ còn cách chờ cơ quan công an điều tra" – nạn nhân này lo lắng.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Lê Thị Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5-2020, Thương đã vay "nóng" của nhiều người với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Đến ngày 27-6, khi bị các chủ nợ ráo riết đòi tiền, Thương đến Công an phường Hoa Lư, TP Pleiku trình báo việc vay của nhiều người với số tiền 173 tỉ đồng nhưng không có khả năng trả và yêu cầu được bảo vệ.

Đến nay, đã có 12 cá nhân tại TP Pleiku đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của nữ nhân viên ngân hàng này với số tiền hơn 80 tỉ đồng. Khi có đủ căn cứ, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố đối với Thương.

Sau khi trốn lệnh truy nã nhiều này, Thương đã đến cơ quan công an đầu thú.

Chia sẻ