'Vỡ nợ' hơn 173 tỷ đồng ở Gia Lai: Nhân viên ngân hàng chỉ là 1 mắt xích?

TIỀN LÊ,
Chia sẻ

Nhân viên hợp đồng có thời hạn tại một ngân hàng chi nhánh ở tỉnh Gia Lai vay hơn 173 tỷ đồng của nhiều người rồi tuyên bố "vỡ nợ", tuy nhiên, đến thời điểm này Công an tỉnh Gia Lai mới chỉ tiếp nhận 12 đơn tố cáo với tổng số tiền là 80 tỷ đồng.

Người dân đang quan tâm vụ án Lê Thị Thương (SN 1988, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) là nhân viên hợp đồng có thời hạn tại một ngân hàng chi nhánh ở tỉnh Gia Lai vay tiền của nhiều người rồi tuyên bố “vỡ nợ”. Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thương điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2020, Thương đưa ra thông tin cần vay tiền làm đáo hạn ngân hàng cho khách hàng để vay mượn tiền của nhiều người.

Đến tháng 6/2020, Thương bất ngờ làm đơn trình báo cơ quan công an việc đã vay nợ hơn 173 tỷ đồng nhưng "không có khả năng chi trả". Đến nay, Công an tỉnh Gia Lai mới chỉ tiếp nhận được 12 đơn tố cáo của các cá nhân cho Thương vay mượn với tổng số tiền là 80 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ "Nữ nhân viên ngân hàng công bố "vỡ nợ" hàng trăm tỷ đồng" mà Tiền Phong đã phản ánh, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy nã đối với Lê Thị Thương.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Ngô Thanh Quảng (Văn phòng Luật sư Hồng Phát, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết, thời điểm này có nhiều nạn nhân liên quan đến việc cho bà Thương vay tiền đến nhờ tư vấn cách xử lý. Như trường hợp bà D. cho bà H. (làm việc cùng ngân hàng với Thương) vay 5,4 tỷ đồng. Sau này, khi báo chí đăng tải thông tin, người này mới biết trước đó bà H. có cho bà Thương vay một vài khoản trong tổng số 5,4 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng. Khi Công an tỉnh Gia Lai bắt Thương, bà D. đã hỏi bà H. mới biết đầu đuôi mọi việc.

Theo luật sư Quảng, đối với những trường hợp tương tự, muốn giải quyết được quyền lợi, người bị hại phải liên hệ và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, sau đó sẽ được cơ quan pháp luật hướng dẫn các bước tiếp theo.

Về việc nhiều người bị hại (tức cho bà Thương vay tiền) hiện chưa đến công an trình báo, luật sư Quảng phân tích:

“Có nhiều người bị hại còn e ngại việc trình báo, tố giác do việc này liên quan hoặc có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, nghề nghiệp của họ. Bởi vậy, họ cân nhắc giữa việc tố giác hay im lặng để bảo toàn danh dự, sự ổn định cuộc sống, công việc của bản thân. Việc im lặng như thế có thể tạo ra khó khăn, trở ngại nhất định cho cơ quan điều tra”.

Theo luật sư Quảng, câu hỏi quan trọng nhất trong vụ án lừa đảo này là “Dòng tiền mà bà Thương vay đã đi về đâu?”, luật sư này cho biết cần phải đợi kết quả điều tra của Công an tỉnh Gia Lai.

Luật sư Ngô Thanh Quảng cũng đặt nghi vấn, rằng Thương chỉ là một mắt xích trong một âm mưu lừa đảo lớn hơn, hoặc ai đó đứng sau (Thương) để tạo ra vở kịch.

"Một mình Thương với vai trò, vị trí công tác như thế rất khó để có thể tạo ra sự ảnh hưởng rồi vay được khoản tiền lớn như vậy", luật sư của Văn phòng Luật sư Hồng Phát nói.

Chia sẻ