Nữ kiến trúc sư chia sẻ kinh nghiệm chọn mua nhà chung cư hoàn hảo hơn
Bạn đang loay hoay muốn tìm mua một căn hộ chung cư để ở? Hãy tham khảo ngay 7 kinh nghiệm được mách từ nữ kiến trúc sư ở Hà Nội ngay dưới đây.
Sau khi tìm hiểu rất nhiều loại nhà chung cư khác nhau, đã giắt túi một chút kinh nghiệm nho nhỏ khi chọn mua căn hộ thì kinh nghiệm chọn mua nhà chung cư của nữ kiến trúc sư Ngọc May (hiện đang sống tại Hà Nội) rất đáng để bạn tham khảo đấy.
Với quan điểm cá nhân của chị sẽ được chia sẻ dưới góc độ trước hết là một phụ nữ trực tiếp sử dụng rất nhiều không gian trong căn nhà và sau đó là một kiến trúc sư đã dày dặn kinh nghiệm "thực chiến".
7 kinh nghiệm sẽ được kiến trúc sư Ngọc May đúc kết gửi đến mọi người. Bạn có thể tham khảo qua để nắm được các gạch đầu dòng hữu ích áp dụng khi chọn mua chung cư cho gia đình.
1. Hãy ưu tiên chọn tòa nhà nằm trong một dự án hoàn chỉnh
Bạn sẽ không chỉ sống trong nội bộ căn hộ, mà bạn còn cần các tiện ích xung quanh khác nữa. Vì nhu cầu căn bản của con người ngoài ở đẹp và tiện nghi còn có: thể thao, giao tiếp cộng đồng, giao tiếp với thiên nhiên...
Sẽ thật tuyệt nếu khi bạn về nhà, cảm thấy yên tâm khi bên dưới có bảo vệ nội khu, con bạn có thể chơi đùa trong khu vui chơi, bạn có thể làm hiệp tennis, vợ bạn đi tập gym và bơi lội... thay vì vừa xuống sảnh đã thấy xe tấp nập!
Các dự án chung cư nằm trong quần thể không có nhiều tại Hà Nội, do quỹ đất chủ yếu xen kẹt, diện tích hạn chế. Nếu được, một chung cư nằm trong dự án có đủ hạ tầng xã hội như: công viên, trường học cấp nhỏ, cơ sở y tế, công trình thương mại, công cộng… sẽ là một lựa chọn tốt. Nếu bạn chọn chung cư nằm đơn lẻ, thì hãy chọn vị trí mà các tiện ích này đã có sẵn xung quanh công trình.
2. Hãy chọn căn nhà có diện tích vừa đủ nhu cầu sử dụng
Một ngôi nhà quá lớn sẽ tiêu tốn năng lượng của bạn. Chưa kể chi phí hoàn thiện nhà, mà khi sử dụng bạn sẽ phải trả nhiều tiền và nhiều công sức cho những việc như: tiền điện chạy máy lạnh, công sức lau dọn, đi lại cũng rất mệt... chưa kể tiền phí dịch vụ cũng là một khoản hàng tháng đáng kể.
Một ngôi nhà vừa đủ diện tích nhưng đồ đạc và thiết bị tiện nghi sẽ giúp ích cho cuộc sống của bạn trở nên đơn giản, dễ chịu chứ không phải gánh nặng cho hóa đơn của bạn mỗi tháng. Công thức nên áp dụng là: Phải đủ nhu cầu sử dụng và thoáng mát.
3. Ưu tiên chọn nhà có hướng ban công/cửa sổ Đông/ Đông Nam/ Nam
Người ta nói: "Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam" có dụng ý rằng ngôi nhà muốn ở khỏe mạnh và dễ chịu nên mở cửa thuận theo hướng gió mát.
Việt Nam cũng là quốc gia có hướng gió chủ đạo vào mùa hè là hướng Đông - Đông Nam, với khí hậu chủ yếu là nóng. Chính vì thế, nhiệm vụ luôn thường trực với giới thiết kế công trình là... chống nóng. Nếu bạn không muốn chịu cảnh suốt ngày phải tìm cách che chắn và chống nóng hướng Tây, hay tốn rất nhiều điện năng để vận hành sinh hoạt, cách đầu tiên chính là chọn cho mình ngôi nhà đúng hướng. Đây chính là cách sống thuận nhờ vào tự nhiên và bền vững.
Nếu không thể tìm thấy ngồi nhà có ban công đúng hướng "xịn" này, bạn có thể tìm ban công hướng Bắc. Bây giờ vật liệu và công nghệ thi công cửa đã rất tốt ở hầu hết các dự án tầm trung trở lên, gió Đông Bắc về mùa đông không phải vấn đề quá lớn, bạn chỉ cần đóng cửa lại đã khá ấm rồi.
Ảnh: NVCC.
4. Ưu tiên nhà có ban công gắn với phòng khách hoặc càng nhiều ban công càng tốt
Bạn có biết, tiêu chuẩn thiết kế chung cư có quy định chỉ được mở lỗ mở (ban công, cửa sổ) bắt đầu từ chiều cao từ 1,1m tính từ sàn hoàn thiện. Cửa sổ chỉ được mở dạng bản lề đẩy chữ A. Như vậy, bạn sẽ chỉ lấy được gió mát với khoảng không bắt đầu từ 1,1m trở lên này.
Phòng khách là không gian mở, nó nối liền với các khu vực chức năng khác như bếp ăn, sinh hoạt chung... Không gian chung này nắm vai trò quan trọng trong việc điều tiết không khí lưu thông trong nhà, kể cả dẫn không khí và gió mát len lỏi vào các phòng ngủ.
Nếu không gian chung không có ban công, tức là phạm vi lỗ mở chỉ nằm ở khoảng hẹp của cửa sổ, lại bị che phần lớn bởi dạng bản lề đẩy, cả căn hộ của bạn sẽ rất bí. Còn nếu không gian chung này có ban công thì bạn sẽ lấy được gió từ sát mặt sàn, mở rộng ra hết chiều ngang phòng, cả ngôi nhà bạn sẽ thoáng mát và dễ chịu.
Nếu ban công nằm trong 1 phòng ngủ, nó chỉ có tác dụng thông gió cho cục bộ phòng ngủ đó mà khó phân bổ ra các phòng khác. Đó là lý do chúng ta ưu tiên cho ban công gắn với phòng khách. Dĩ nhiên tiêu chí luôn là càng nhiều ban công sẽ càng thoát mát.
5. Ưu tiên nhà có lô-gia phụ gắn liền với bếp
Cái này chỉ chị em mới hiểu. Hoạt động bếp núc luôn gắn liền với nhiều thứ liên quan khác như giặt phơi, lau dọn... khiến cho bếp núc luôn nhiều thứ đồ lặt vặt khác như chổi, hót rác, chỗ treo và phơi khăn, giặt giũ, phơi phóng... Nếu sát bên bếp có 1 lô-gia phụ, bạn sẽ chẳng phải di chuyển thật xa để đến không gian này, rất tiện.
Hơn nữa, thông gió hút mùi cưỡng bức bằng máy hút dường như chưa thể đủ khỏe và nhanh đối với một số loại món ăn. Nếu bạn có một ban công thông thoáng bên cạnh, việc khử mùi dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều.
6. Không gian chung lớn sẽ tốt hơn là phòng ngủ lớn
Điều này có thể gây tranh cãi nhưng kiến trúc sư Ngọc May chia sẻ suy nghĩ cá nhân như sau: "Với riêng gia đình tôi thì luôn ưu tiên không gian chung lớn một chút, vì đó là nơi gia đình quây quần và giao tiếp với nhau. Phòng riêng có lẽ chỉ để ngủ, nghỉ ngơi, tối giản đồ nhất có thể. Nếu được, có một phòng riêng để cả nhà cùng làm việc/học tập trong đó là tuyệt nhất".
Không gian chung này nếu đủ diện tích, hãy bố trí một sảnh nhỏ để giày dép được gọn gàng, nó sẽ ngăn đáng kể bụi vào trong nhà bạn. Sảnh không nhất thiết phải thấp cốt hơn bên trong nhà mà chỉ đơn giản thay đổi vật liệu lát sàn, để báo hiệu mọi người khi vào nhà cần dừng mọi giày dép ở phạm vi sảnh. Ngoài ra, ban thờ được bố trí hợp lý và kín đáo sẽ tạo "vượng khí" cho ngôi nhà bạn. Để làm được những điều này, bạn sẽ cần không gian chung lớn hơn một chút sẽ dễ cho KTS bố trí.
Ảnh: NVCC.
7. Nêu cụ thể ý tưởng cho KTS và đề nghị tạo công năng nhiều nhất
Điều này có thể nhiều kiến trúc sư sẽ cho rằng ''nhà nhỏ làm lắm công năng thế thì tôi chịu hoặc là không đủ kích thước tiêu chuẩn".
Thời gian đầu khi làm việc với người Nhật, chính kiến trúc sư Ngọc May cũng thấy khó chịu y chang thế. Làm gì mà căn ke từng cm, khó quá! Nhưng chính cái sự căn ke đó thể hiện sự tinh tế và khéo léo của kiến trúc sư và của người phụ nữ trong nhà.
"Hãy chọn căn nhà theo ý bạn, nhưng hãy tham khảo tip trên để sự lựa chọn được hoàn hảo hơn nhé", kiến trúc sư Ngọc May cho biết.
Bài viết ghi lại từ chia sẻ của nhân vật