Nữ hoàng sắc đẹp Bangladesh: Biểu tượng hy vọng cho phụ nữ chuyển giới
Yasin Ahmed Sokal, một phụ nữ chuyển giới ở Bangladesh luôn muốn được tự do ăn mặc giống các chị em trong nhà. Nhưng chưa bao giờ cô dám tưởng tượng mình sẽ nhận được những tràng pháo tay không ngớt ở một cuộc thi sắc đẹp ngay tại quê hương mình.
Đối với Sokal, 24 tuổi, chiến thắng của cô tại một trong những cuộc thi sắc đẹp danh giá nhất quốc gia Nam Á này không chỉ mang tính cá nhân mà còn gửi đi thông điệp tràn đầy hy vọng đến những hoàn cảnh giống như cô.
Sokal, có nghĩa là "bình minh" trong tiếng Bengali, vừa được vinh danh là Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Evergreen Bangladesh 2023.
Phát biểu sau khi giành được chiến thắng ấn tượng trên, Sokal chia sẻ: “Tôi hy vọng mình đã mang lại tia hy vọng cho phụ nữ chuyển giới ở Bangladesh.
Đó là một chiến thắng cho hàng nghìn phụ nữ chuyển giới và hàng nghìn Sokal ở ngoài kia”.
Trong số 170 triệu dân của Bangladesh, ước tính có khoảng 1,5 triệu người là người chuyển giới. Thế nhưng, họ từ lâu đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và các hành vi bạo lực.
Chuyện người chuyển giới bị gia đình và cộng đồng bỏ rơi, ép đi ăn xin hoặc bị đẩy vào con đường mại dâm là điều thường xuyên xảy ra.
Cái đẹp không phân biệt giới tính
Yasin Ahmed Sokal khẳng định đã gửi một thông điệp hy vọng đến tất cả những người chuyển giới còn giấu kín rằng cái đẹp không bị giới hạn ở giới tính, nam giới hay nữ giới.
"Cái đẹp ở khắp mọi nơi, sự đa dạng chính là vẻ đẹp và vẻ đẹp không phân biệt giới tính", người phụ nữ này khẳng định.
Thái độ đối xử đối với người chuyển giới ở quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số đang dần thay đổi, mặc dù cộng đồng LGBTQ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt lớn về mặt pháp lý và xã hội. Đồng tính luyến ái bị hình sự hóa theo bộ luật hình sự tồn tại thời thuộc địa.
Sokal, đang theo học ngành thời trang ở Dhaka, lớn lên trong một thế giới định kiến, nơi ước muốn trở thành phụ nữ thực thụ của cô bị chế giễu.
Xuất thân từ một gia đình Hồi giáo ở vùng nông thôn cách thủ đô Dhaka 60 km, Sokal biết rằng khi còn nhỏ, cô cảm thấy mình khác biệt.
“Tôi từng là nạn nhân của nạn bắt nạt ở trường học”, cô trầm lặng chia sẻ. Thậm chí, cô đã bị từ chối đăng ký một khóa học tiếng Anh vì vấn đề giới tính.
Khi đăng ký cuộc thi sắc đẹp vốn chỉ dành cho phụ nữ, Sokal đã bị nghi ngờ vì tên của cô nghe giống tên đàn ông. Chỉ sau khi thuyết phục được ban tổ chức về danh tính của mình thì họ mới gọi cô đến buổi sơ tuyển.
“Chiến thắng tại Hoa hậu Evergreen Bangladesh là minh chứng cho thấy tôi là phụ nữ. Nhờ cuộc thi này, cuối cùng mọi người cũng đánh giá cao vẻ đẹp của tôi", Sokal nói.
Trong khi Sokal xác định là một phụ nữ chuyển giới, nhiều người ở Bangladesh lại xem cô là "hijra" - thuật ngữ để chỉ "giới tính thứ ba".
Theo truyền thống ở Bangladesh, hijra giữ một vai trò văn hóa độc đáo, với niềm tin phổ biến rằng họ có thể mang lại may mắn hoặc sức khỏe tốt cho người khác.
Năm 2013, người chuyển giới chính thức được xác định là một giới tính riêng biệt. Và năm 2018, họ được phép bỏ phiếu và tranh cử.
Hai ứng cử viên chuyển giới kể từ đó đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử thị trưởng. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng dần dần vượt qua những định kiến trước đó để tuyển dụng người chuyển giới.
Các tu sĩ Hồi giáo ở Bangladesh cũng đã mở hàng chục chủng viện cho học viên là người chuyển giới, đẩy nhanh quá trình hòa nhập xã hội của nhóm đối tượng này.
Sokal cho biết cô cảm thấy may mắn khi có gia đình ủng hộ và nhiều người khác yêu thương. Cô đã nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng sau chiến thắng cuộc thi sắc đẹp ở Bangladesh.
Sau khi tốt nghiệp, cô gái này muốn trở thành người mẫu và người dẫn chương trình.
Cô nói: “Tôi luôn cố gắng sống theo ý muốn của mình sống. Những hành vi bắt nạt không thể ảnh hưởng đến tôi”.
Thể hiện niềm tự hào về con người thật sự của mình, Sokal khẳng định: “Bạn có thể không thích một màu sắc nào đó trong tự nhiên, nhưng bạn không thể phủ nhận màu sắc đó. Tôi cũng coi mình là màu của thiên nhiên và tôi thích màu sắc của mình”.