Nữ giáo viên mang thai 18 tuần mắc Covid-19: Triệu chứng nhẹ hơn lần trước nhưng "nửa đêm ho khan cũng không dám gọi ai"
"Mình phải cách ly riêng, không được ngủ cùng chồng. Mỗi bữa ăn đều phải để trước cửa phòng, rồi tự mở ra lấy. Nửa đêm ho khan cũng không dám gọi ai, sợ ảnh hưởng cả nhà", Thu Trang, đang làm giáo viên kể.
"Nghẹt mũi thôi mà, cũng đủ mệt lắm rồi"
Thu Trang (28 tuổi, giáo viên cấp 1 tại Hà Nội) đang mang thai tuần thứ 18.
"Mình phát hiện bị Covid-19 vào đầu tuần này, khi vừa dậy đã thấy cổ họng khô rát và nghẹt mũi. Ban đầu nghĩ là cảm thường, nhưng test nhanh thì hiện 2 vạch. Cảm giác hoang mang nhẹ, vì đây là lần thứ hai mình nhiễm, nhưng lần này mình đang bầu".
May mắn là lúc đó thai đã qua 3 tháng đầu, nên phần nào cũng yên tâm. Triệu chứng lần này nhẹ hơn hẳn lần đầu. Trang không sốt, không đau đầu, chỉ nghẹt mũi, khản tiếng và thấy mệt. Nhưng với mẹ bầu thì nhẹ cũng thành phiền phức.
"Mình chủ động cách ly riêng, không ngủ cùng chồng. Mỗi bữa ăn đều phải để trước cửa phòng, rồi tự mở ra lấy. Nửa đêm ho khan cũng không dám gọi ai, sợ ảnh hưởng cả nhà. Đêm nằm thở bằng miệng, bụng bầu to, khó ngủ kinh khủng. Lúc ấy chỉ ước được hắt hơi cho thông mũi mà cũng không dám, sợ co bóp tử cung", Trang nhớ lại.

Để cải thiện, cô uống nhiều nước, ngày nào cũng có nước lá tía tô ấm, thêm một chút gừng, ăn cháo loãng, dễ tiêu hóa. Sau 5 ngày thì test lại âm tính, người cũng khỏe hơn, nhưng trải nghiệm đúng là không dễ chịu gì.
"Mình chỉ muốn nhắn mọi người một điều: Covid-19 giờ có thể nhẹ, nhưng nếu đang mang thai thì vẫn là thử thách. Hãy cố gắng giữ gìn, phòng bệnh vẫn hơn. Một cái hắt hơi thôi cũng làm mẹ bầu mất ngủ cả đêm", Trang chia sẻ.
"Mỗi ngày cách ly là một ngày... buồn!"
Ngọc Linh (32 tuổi, mang thai tuần thứ 22) thì kể, mình bị nhiễm Covid-19 cách đây 2 tuần. Cũng chẳng biết lây từ đâu, vì chỉ đi chợ rồi về. Lúc biết bị dương tính, cô hoảng thật sự. Dù đã sang tam cá nguyệt thứ hai, nhưng trong bụng là em bé mà, ai chẳng lo?
"Lần này triệu chứng không nặng, chỉ nhức đầu nhẹ, ho ít, người hơi ớn lạnh. Nhưng mình vẫn chủ động cách ly vì sợ lây cho ông xã và con đầu lòng đang 4 tuổi. Cả nhà phải "chia đôi địa bàn", ai ở đâu ở yên đấy. Vấn đề là cách ly khi đang bầu là chuyện không dễ. Đi lại chậm chạp, bụng vướng víu, tự bê đồ ăn cũng thấy mệt. Mình buồn miệng muốn ăn vặt mà không dám bắt ai phải mang vào. Đêm ngủ một mình trong phòng kín, có lúc phát khóc vì tủi thân", Ngọc Linh chia sẻ.

Cô cố gắng giữ sức bằng cách uống nước dừa tươi mỗi ngày, ăn trái cây nhiều vitamin C như cam, ổi. Kết hợp xông mặt bằng sả chanh, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. May mắn là sau 7 ngày, test âm tính, sức khỏe hồi phục dần.
Trải qua 7 ngày mệt mỏi, Linh thừa nhận: "Dù triệu chứng nhẹ nhưng với mẹ bầu như mình, Covid-19 vẫn là một trải nghiệm không thoải mái chút nào. Mình mong các mẹ hãy luôn đeo khẩu trang, rửa tay kỹ, tránh tụ tập nơi đông người. Phòng bệnh tốt thì giảm rủi ro phải nằm cách ly một mình và đếm ngày trôi qua trong buồn chán".
Biến thể mới của Covid-19 đang lây lan nhanh tại Đông Nam Á: Cần lưu ý gì?
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 4/2025 toàn thế giới có thêm 25.463 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. So với trong tháng 3, tỷ lệ nhiễm mới giảm khoảng 56.9%. Brazil và Vương quốc Anh là 2 quốc gia đứng đầu về số lượng ca nhiễm mới được ghi nhận.
Tuy nhiên tính đến trung tuần tháng 5, dịch Covid-19 lại có xu hướng quay trở lại, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Trong đó, Thái Lan hiện là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực về số lượng ca nhiễm mới.
Tại Việt Nam, số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được ghi nhận trên cả nước từ đầu năm đến nay là 147 ca, trung bình 20 ca/tuần. Trong đó TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,... là những tỉnh thành có số lượng người nhiễm Covid-19 cao nhất. Số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tăng đột biến được cho là có liên quan đến biến thể Omicron XEC.

Đây là một biến thể tái tổ hợp giữa hai biến thể phụ KS.1.1 và KP.3.3 thuộc dòng Omicron. Dù mới chỉ được phát hiện tại Đức từ khoảng giữa năm 2024 nhưng XEC đã nhanh chóng lây lan, hiện diện tại hơn 50 quốc gia trên toàn cầu.
XEC có khả năng lây lan nhanh hơn các biến chủng từng được phát hiện. So với những biến thể khác, XEC được đánh giá nhẹ hơn. Các ca biến chứng gây rủi ro cao do nhiễm XEC chủ yếu tập trung ở đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người có hệ miễn dịch kém.
Bởi vậy, mẹ bầu chẳng may bị Covid-19 cũng không cần quá lo lắng nhưng tuyệt đối không chủ quan, nên chủ động phòng tránh để tránh những điều không mong muốn.
Đang mang thai chẳng may nhiễm Covid-19, mẹ bầu nên làm gì?
Theo ThS.BS Đặng Thị Hiền (chuyên ngành sản phụ khoa, chuyên siêu âm và hỗ trợ sinh sản công nghệ cao, làm việc tại Hà Nội), khi mẹ bầu bị nhiễm Covid-19 thì cần chuẩn bị những thứ sau:
1. Nước muối sinh lý: Mẹ bầu sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi, miệng, thực hiện mỗi ngày 3-4 lần.
2. Xông mặt: Mỗi ngày, mẹ bầu thực hiện xông mặt 2 lần, mỗi lần 10 phút, không kéo dài quá lâu. Mẹ bầu chú ý chỉ xông mặt, không xông toàn thân.
3. Nếu mẹ bầu bị sốt: Mẹ bầu bị sốt khi đang là F0 có thể chườm ấm, uống nhiều nước. Nếu sốt trên 38.5 độ C thì sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg đường uống.
4. Nếu mẹ bầu bị ho: Nếu ho, bạn sử dụng siro ho hoặc các viên ngậm ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua dùng.

5. Nếu ngạt mũi nhưng dùng nước muối sinh lý không đỡ: Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng thuốc co mạch với liều lượng không quá 3 ngày.
6. Chế độ ăn uống: Bạn cần chú ý ăn uống đủ chất, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, bổ sung đầy đủ vitamin tổng hợp, vitamin C để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như: Sốt cao nhiều ngày, uống hạ sốt 2 lần không đỡ, khó thở nhiều, nồng độ SpO2 < 95%, cảm nhận thấy thai đạp ít hoặc không đạp, ra máu, ra nước âm đạo, đau bụng nhiều..., bạn cần đi khám, tới bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tuân thủ 5 biện pháp hiệu quả phòng chống dịch Covid-19
Để chủ động phòng, chống bệnh Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân nói chung thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời… Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống Covid-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.