Ông nội thường đun thứ nước này và bảo tôi uống vào mùa nóng bức, không ngờ nó lại có công dụng "thần kỳ" đến thế!

Tuấn Khang,
Chia sẻ

Bao năm trôi qua, đó luôn là món quà mùa hè đong đầy thương nhớ ông dành cho tôi...

Mỗi khi hạ chạm ngõ, căn bếp nhỏ của gia đình tôi lại xuất hiện mùi hương rất đỗi quen thuộc: Mùi của vỏ quýt khô, hạt ý dĩ và vài lát gừng non đang được ông nội nhẹ nhàng thả vào chiếc ấm đất nung cũ kỹ. Đeo kính đọc sách, ông nghiêng đầu thì thầm như một lời thần chú:

"Thức uống này con nên uống từ đầu mùa hè đến khi hết nắng gắt. Nó xua tan độ ẩm trong người, làm nhẹ nhõm cả tâm hồn, đến mồ hôi cũng hóa dễ chịu".

Ông nội bảo tôi uống từ đầu hè đến khi hết những ngày nóng bức, nó giúp loại bỏ độ ẩm và làm tôi cảm thấy sảng khoái - Ảnh 1.

Lúc nhỏ, tôi chẳng hiểu gì ngoài việc thỉnh thoảng lén thêm mật ong cho dễ uống. Lần nào bị phát hiện, ông cũng cười mắng:

"Ngốc quá, đồ ngọt là bạn thân của ẩm khí đấy!".

Chỉ đến khi đi làm, bị "ướp lạnh" 3 mùa hè liên tiếp trong văn phòng điều hòa, tôi mới thấm thía cái gọi là ẩm khí. Thứ cảm giác bủn rủn, nặng nề, lười biếng ngay cả khi chưa làm gì. Lúc ấy, thứ nước màu nâu nhạt trong chiếc bình gốm cũ mới thật sự trở thành "thần dược".

1. Bí quyết trong ấm trà gốm của ông nội

Trà khử ẩm của ông nội không cầu kỳ. Chỉ cần hạt ý dĩ, vỏ quýt 3 năm tuổi, vài lát gừng non đúng mùa. Nhưng sự kết hợp ấy như một bài thuốc kỳ diệu mà Đông y đã công nhận:

- Hạt ý dĩ hút ẩm như miếng bọt biển nhỏ.

- Vỏ quýt khô khai thông kinh lạc, làm nhẹ người.

- Gừng đánh thức hệ tiêu hóa, xua tan lạnh khí âm thầm.

Ông không bao giờ dùng nước sôi trực tiếp. Ông thả nguyên liệu vào nước lạnh, đun sôi rồi tắt bếp, để hơi nóng còn lại trong ấm đất hoàn thành nốt phần việc cuối. "Đừng nấu đến chín mềm như thời hiện đại" ông bảo. "Làm như này mới là trí tuệ ông cha ta để lại".

Ông nội bảo tôi uống từ đầu hè đến khi hết những ngày nóng bức, nó giúp loại bỏ độ ẩm và làm tôi cảm thấy sảng khoái - Ảnh 2.

2. Trà khử ẩm biến những ngày nắng hóa dịu dàng

Sau 1 tuần uống đều đặn mỗi sáng, tôi ngạc nhiên khi cơ thể mình bỗng nhẹ hẫng. Không còn cảm giác mỏi mệt lúc thức dậy, không còn chiếc lưỡi đầy dấu rêu trắng nhớt nhụa. Và một buổi sáng, tôi cài cúc quần jeans dễ dàng đến mức tưởng mình giảm cân!

Cô bạn đồng nghiệp của tôi, nhấm nháp rồi trầm trồ như đang nếm rượu vang hảo hạng:

"Hương đầu là vỏ quýt, hương giữa là vị bùi của hạt ý dĩ rang, hậu vị là cay nhẹ từ gừng. Tinh tế thật sự".

Tôi phá lên cười: 

"Chắc phải mua bảo hiểm cho cái lưỡi của bà!"

Nhưng câu ông từng nói bỗng hiện về: 

"Người bị ẩm nặng thì uống gì cũng thấy nhạt. Chỉ khi cơ thể sạch ẩm, con mới nếm được từng tầng hương vị".

Một người bạn khác của tôi thử làm theo mà lắc đầu chê nhạt. Hóa ra cô ấy dùng ấm inox cho tiện, vỏ quýt lại mua sẵn ở hiệu thuốc. Ông tôi bảo, công thức này như một bản nhạc cổ, đơn giản nhưng phải đúng nhịp, sai một nốt là hỏng cả khúc ca.

Vỏ quýt ngon phải là thứ được phơi tự nhiên qua mưa nắng, tự tay lật trở mỗi ngày. 3 năm sau, nó chuyển sang màu nâu vàng, thơm nức hương ký ức.

Và cũng đừng uống quá nhiều. Mỗi ngày chỉ cần 1 cốc 200ml sau bữa ăn. Tôi từng ham quá, tu liền 3 ly sau giờ tập. Kết quả là cả đêm phải chạy vào nhà vệ sinh. Lúc ấy mới hiểu lời ông dặn:

"Cốc trà chỉ uống 70%, 30% còn lại để cảm ơn".

Ông nội bảo tôi uống từ đầu hè đến khi hết những ngày nóng bức, nó giúp loại bỏ độ ẩm và làm tôi cảm thấy sảng khoái - Ảnh 3.

3. Giai điệu mới từ công thức xưa

Mùa hè năm ngoái, tôi bắt đầu pha trà khử ẩm lạnh, đựng trong chai thủy tinh để mang theo trong chuyến picnic. Vị mát lạnh khiến trà trở nên tươi mới kỳ lạ, hạt ý dĩ giòn, cực hợp ăn kèm bánh mì. Ông tôi xem video rồi gật gù:

"Bọn trẻ các con sáng tạo như thế mới hay!".

Giờ tôi luôn trữ sẵn đá trà khử ẩm trong ngăn đông. Những hôm làm thêm giờ, chỉ cần thả vài viên vào soda là có ly nước ngon hơn mọi loại trà trái cây. Bạn thân của tôi mê tít, bảo:

"Còn gây nghiện hơn cold brew. Dạ dày dễ chịu, mà bụng cũng gọn hẳn!".

Có lần, 2 đứa thêm vài cánh hoa hồng - ly trà đẹp đến mức không nỡ uống. Ông tôi xem clip, bật cười:

"Thế hệ tụi con, lau mồ hôi cũng phải đẹp".

Từ đầu hè đến khi trời mát trở lại, ấm trà nhỏ của ông như chiếc đồng hồ báo thức âm thầm. Khi nước nhạt dần, hạt ý dĩ không còn chìm mà lững lờ trên mặt nước, tôi biết, mùa hè đang khép lại. Nhưng thứ còn đọng lại mãi là cảm giác sảng khoái, sạch sẽ từ bên trong, như thể có một làn gió xuân nhẹ nhàng chải tóc mình giữa ngày oi bức.

Gia đình bạn có món đồ uống mùa hè truyền đời nào không? Hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé! Đôi khi, ký ức ngọt lành nhất lại đến từ một ấm trà thơm...

(Ảnh minh họa: Internet)

Chia sẻ