Nữ giám đốc sửa nón miễn phí cho người chạy xe ôm ở Sài Gòn
Khoảng một tháng gần đây, trên một số tuyến đường ở Sài Gòn, người ta bắt gặp những tấm biển nhỏ nhắn, xinh xắn với dòng chữ: "Sửa nón miễn phí cho người chạy xe ôm (Bà con đừng ngại)".
Sài Gòn luôn ồn ào, hối hả, nhưng chưa khi nào thôi dễ thương theo cách riêng của nó. Những ngày này, ông Bảy xe ôm và bạn ông cứ vui vẻ, yêu đời hơn hẳn. Ông nói, người Sài Gòn ngoài đi học, đi làm thì còn đi... lo chuyện bao đồng nữa. Có hôm ông được phát cơm trưa miễn phí, có đêm ngủ trên xe ngoài trời gió lạnh thì được tặng chăn ấm dù cũ kỹ, gần đây ông lại được sửa nón bảo hiểm miễn phí.
Hỏi về chuyện sửa nón bảo hiểm, ông chỉ ngay vào tấm bảng nhỏ nhắn được trân trọng treo trước một cửa tiệm bán nón bảo hiểm trên đường Trần Não (quận 2, TP.HCM) có ghi những dòng chữ: "Sửa nón miễn phí cho người chạy xe ôm (Bà con đừng ngại)".
Nữ giám đốc cặm cụi ngồi sửa nón cho người nghèo
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chủ nhân của tấm bảng thú vị này là của chị Tạ Thị Hồng Nương (35 tuổi, Quãng Ngãi) - một nữ giám đốc trẻ yêu thích công việc thiện nguyện ở Sài Gòn.
Tấm bảng với dòng chữ đáng yêu khiến nhiều người đi đường chú ý.
Chị Nương hiện là giám đốc của một chuỗi cửa hàng kinh doanh nón bảo hiểm ở TP.HCM. Khi chúng tôi đề cập đến tấm bảng đặc biệt ấy, nữ giám đốc trẻ hào hứng tâm sự: "Chúng tôi vừa thực hiện chương trình sửa nón miễn phí này từ đầu tháng 3. Với mong muốn san sẻ khó khăn với những người lao động ở trong thành phố".
Chị Hồng Nương là người nghĩ ra ý tưởng này.
Đối tượng được nhắm đến chủ yếu là những người làm công việc chạy xe ôm, vì công việc của họ phải liên tục lưu thông trên đường phố nên cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng của chiếc nón bảo hiểm. "Mấy chú xe ôm cũng dễ thương lắm! Đa số họ đều rất nhiệt tình chỉ đường cho mọi người, khi bị lạc. Tôi là một người "mù đường", cũng thường phải nhờ vào sự trợ giúp của các chú xe ôm. Đồng thời, công việc của họ rất vất vả nhưng thu nhập lại thấp, nên tôi luôn mong có cơ hội giúp đỡ họ khi có cơ hội. Và bây giờ tôi đã có thể làm điều mình mong ước", chị Nương nói.
Chị Nương cho biết hiện nay dịch vụ sửa nón miễn phí cho người chạy xe ôm được áp dựng ở tất cả 10 cửa hàng kinh doanh của chị. Trên danh nghĩa là sửa, nhưng nếu chiếc nón đã quá cũ, thì những bác xe ôm sẽ được tặng một chiếc nón mới, nhằm đảm bảo an toàn cho công việc.
Nhiều lúc, cửa hàng vắng khách, nữ giám đốc 8x lại xắn tay áo ngồi xuống sửa nón cho các anh, các chú xe ôm mà chẳng nề hà mệt mỏi. Chị cười thật tươi, tâm sự: "Tự tay mình ngồi khoan, sửa từng chiếc nón cảm thấy hạnh phúc lắm. Mệt mỏi chẳng là gì nếu công việc đó đem lại cho chính mình niềm vui".
Nữ giám đốc trẻ rất vui và hào hứng khi có cơ hội tự tay sửa nón cho các chú xe ôm.
Vì chương trình còn khá mới, nên mỗi ngày chỉ có khoảng 1 đến 2 chú xe ôm đến nhờ sửa nón. Chị Nương thật tình nói: "Tôi mong muốn các anh các chú không ngại khi đến sửa nón. Gọi là bà con, vì tôi xem họ như người thân, như bà con trong nhà vậy đó".
Dòng chữ "bà con đừng ngại" vừa chân thật lại vừa ấm lòng những tài xế xe ôm ở Sài Gòn.
Thức đêm cùng Sài Gòn để trao những chiếc nón bảo hiểm mới
Trước khi chương trình sửa nón miễn phí được biết đến, chị Nương cùng nhân viên của mình đều đặn mỗi tháng một lần đi phát nón bảo hiểm mới cho những chú xe ôm chạy xe vào ban đêm. "Các bạn nhân viên nói với tôi rằng chạy xe ôm vào buổi tối còn vất vả và nguy hiểm hơn rất nhiều, nên chúng tôi quyết định tặng cho họ như một lời động viên giúp các anh các chú có niềm vui để lao động tốt hơn" - chị kể.
Ngoài sửa nón miễn phí, chị Nương cùng nhân viên còn tặng nón cho những người lái xe ôm vào ban đêm.
Mỗi chuyến đi như vậy, chị Nương và các bạn nhân viên phát khoảng 50 chiếc nón cho những trường hợp khó khăn. Thường bắt đầu đi từ 11h khuya cho đến 1h sáng thì kết thúc. "Khi nhận được những chiếc nón, dù giá trị chẳng nhiều nhiều gì, nhưng ai náy đều cười rất tươi.Tôi cảm nhận được sự hạnh phúc từ những cái ôm, những cái nắm tay của những người lao động vất cả ấy" - chị Nương mỉm cười nói với tôi.
Chính nụ cười hạnh phúc của người nhận chính là niềm động lực để cả nhóm luôn hào hứng với công việc ý nghĩa này.
Ngoài ra, chị Nương còn mong muốn thông qua những hoạt động này, nhân viên của chị sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân và đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Với chị hạnh phúc không phải là những gì mình đang có trong ngân hàng, mà là những gì mình đang có trong trái tim.
Cứ mỗi ngày trôi qua, được tiếp xúc với những con người đáng mến, tôi lại cảm thấy yêu thêm mảnh đất hồn hậu này. Sài Gòn, đến khi nào mới thôi dễ thương?