Nữ doanh nhân phá định kiến giới tính để làm chủ công ty gia đình

Vân Anh,
Chia sẻ

Tại Ấn Độ, phụ nữ thường không được điều hành doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, Rajshree Pathy đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ đó.

Nếu gia đình bạn duy trì hoạt động một công ty lớn trải qua hơn 1 thế kỷ, gần như chắc chắn bạn sẽ là người tiếp quản nó, dù là con gái hay con trai. Nhưng tại Ấn Độ, điều đó hoàn toàn khác. Phụ nữ thường không được tham gia kinh doanh, điều hành doanh nghiệp. Kể cả khi được đi làm, người phụ nữ cũng được mặc định sẽ không thể nắm giữa trọng trách lớn.

Rajshree Pathy, 54 tuổi, con gái ông chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, cũng không ngoại lệ. Cô đã kết hôn năm 17 tuổi và gần như sẽ không được thừa kế công ty của cha. "Nếu con rể có tư chất tốt, được giáo dục tốt thì sẽ điều hành doanh nghiệp. Còn nếu không, những cháu trai họ hàng sẽ là người thừa kế.” – Pathy nói về công ty của cha. Đây là tình trạng diễn ra phổ biến tại Ấn Độ khi các công ty gia đình chiếm gần một nửa lao động và 2/3 nền kinh tế Ấn Độ.
phụ nư
Rajshree Pathy đã vượt qua định kiến xã hội để trở thành Giám đốc điều hành một công ty gia đình.

Vượt qua thử thách

Pathy là một trong những người đầu tiên phá vỡ rào cản về giới tính trong điều hành doanh nghiệp. Khoảng 30 năm trước đây, cha Pathy qua đời. Cô tiếp nhận doanh nghiệp. Cô phải điều hành nhiều cơ sở giáo dục và từ thiện tại miền nam Ấn Độ. Tuy nhiên, cô không bao giờ nghĩ rằng lại khó khăn đến thế.

“Khi đại diện ngân hàng gặp tôi, họ hỏi tôi: “Cô gái, cha cô mất rồi, giờ ai sẽ là người đại diện công ty? Ai sẽ bảo đảm sẽ trả số tiền công ty vay ngân hàng? Chúng tôi chỉ làm việc với những doanh nghiệp đích thực thôi. Ngân hàng không nghĩ rằng tôi sẽ điều hành công ty.” – Pathy nói. 

Cô không lùi bước. Cô đã vượt qua khó khăn đầu tiên khi hoạt động lại nhà máy đường cũ kỹ. Năm đó, hạn hán kéo dài, sản xuất mía kém, nhiều nhà máy cạnh tranh khốc liệt để có nguồn hàng, Pathy đã rất tìm kiếm nguồn hàng tốt, bảo đảm hoạt động cho nhà máy đường của công ty. Cô đã chứng tỏ, mình có thể điều hành doanh nghiệp này rồi sau đó, cô thành công với hai nhà máy dệt khác.

phụ nư
Phụ nữ Ấn Độ thường chỉ làm lao động tay chân và không được giữ vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp

Bình đẳng về cơ hội

Nhiều năm sau đó, cô mở rộng những xí nghiệp dệt may, phát triển công nghiệp hóa chất, lập một chuỗi doanh nghiệp từ giáo dục đến năng lượng. Tất nhiên, mọi chuyện đều có khó khăn. 

Bên ngoài, dư luận lúc nào cũng xì xầm vì gia đình Pathy không có con trai nắm giữ công ty. Pathy nói rằng, cô luôn có khát khao khẳng định mình, để cho gia đình cô không phải hối tiếc vì đã sinh con gái.

“Cha tôi luôn khuyến khích chị em tôi làm bất kỳ điều gì mình thích. Ông tin rằng cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.” – Pathy kể lại.

phụ nư
Pathy cũng là nữ chủ tịch đầu tiên của Hội mía đường quốc gia.

Hi vọng đổi thay ở tương lai

Ngày nay, xã hội Ấn Độ đang dần cởi mở hơn. Vai trò phụ nữ được đề cao. Một số cơ quan, công ty lớn cũng có phụ nữ nắm giữa vị trí quan trọng. Tuy nhiên, với những công ty gia đình, phụ nữ làm giám đốc điều hành chỉ chiếm khoảng 1%.

Pathy nói rằng, mọi thứ đang thay đổi nhưng chỉ với doanh nghiệp ngoài gia đình. “Trong những công ty gia đình, việc phụ nữ làm Giám đốc chỉ đơn giản vì không có con trai. Trong một đất nước lớn như Ấn Độ, số phụ nữ nắm giữ vị trí chủ chốt tại các công ty chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là điều thực sự đáng tiếc.”

Các ngành dịch vụ như ngân hàng và công nghệ thông tin có thể khác. Nhưng khi nói đến công ty công nghiệp, kỹ thuật thì gần như phụ nữ không thể nào đứng đầu.

Pathy cũng là nữ chủ tịch đầu tiên của Hội mía đường quốc gia và Hội doanh nghiệp công nghiệp khu vực. “Con trai và con gái tôi cũng sẽ có cơ hội bình đẳng đều điều hành doanh nghiệp tôi đã xây dựng được. Nó là sự lựa chọn của bọn trẻ.”

Và quan trọng, để một người phụ nữ có thể nắm quyền lãnh đạo, trước hết vẫn là sự thành công. Nếu bạn thành công, mọi người sẽ công nhận bạn.

Nguồn: BBC
 
Chia sẻ