Nữ ca sĩ kể chuyện đạn bi cắm hơn 50 năm trong mắt bố cựu chiến binh, Trang Pháp tưởng nhớ ông ngoại Đại sứ
Các nghệ sĩ có truyền thống gia đình khoác áo lính, tham gia vào những thời khắc lịch sử của đất nước đã có lời tri ân, bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào đầy xúc động với người thân của mình.
Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra vào sáng nay (30/4) tại trục đường Lê Duẩn và các tuyến đường trung tâm TP.HCM. Trong bầu không khí thiêng liêng và trang trọng của đất nước, Thái Trinh, Trang Pháp và Chi Pu đã lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn, khắc ghi sự hy sinh của thế hệ ông cha. Ba nữ nghệ sĩ này đã tiết lộ về gia đình có truyền thống quân nhân, khoác áo lính đầy tự hào của mình.
Thái Trinh - Tiết lộ về viên đạn bi găm nơi hốc mắt và mối tình đẹp giữa thời chiến của cha mẹ
Trên trang cá nhân, Thái Trinh chia sẻ cô đã được nghe những câu chuyện đứt quãng có nội dung lúc hài hước, lúc cay xộc mũi mùi khói đạn, lúc kinh ngạc đến chẳng thể tưởng tượng ra nổi về thời chiến qua lời kể của bố cựu chiến binh. Vì vậy, nhân dịp lễ đặc biệt của đất nước, cô xin phép được bày tỏ lòng tự hào sâu sắc về bố của mình: "Còn gì quý hơn khi mình có bố, bằng chứng sống của suốt những năm tháng khốc liệt đó, để cùng ăn mừng ngày trọng đại này của đất nước. Nếu có kiếp sau con vẫn xin được làm con của bố - mẹ, nếu có kiếp sau con vẫn nguyện được là người Việt Nam".
Theo Thái Trinh, năm 1964, khi vừa tròn 21 tuổi, bố cô lên đường "đi B" - cách gọi của người miền Bắc khi nhắc đến hành trình đi bộ vào Nam chiến đấu. Cuộc hành quân vào đến miền Nam, đường Trường Sơn muôn vàn gian khó này kéo dài 6 tháng 25 ngày. Từ năm 1964 đến năm 1987, bố Thái Trinh đánh gần 1.000 trận lớn nhỏ, hơn trăm trận cận kề cửa tử, từ trận đánh vào căn cứ Polpot ở biên giới Thái Lan, chiếm đánh hoàng cung Phnom Penh, chiến tranh biên giới Việt - Trung, đến Đồng Xoài, Phước Long, cầu Lan Hà, Định Quán, Lâm Đồng, cầu Đại Nga, Đức Trọng, Long Khánh… Bố Thái Trinh từng làm chiến sĩ đến tiểu đoàn trưởng, rồi là trưởng ban trinh sát sư đoàn tham gia chiến đấu liên tục trên khắp mặt trận miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thái Trinh tự hào chia sẻ về người bố chiến sĩ của mình
"Bố kể có lần đang ngồi xe Jeep, linh tính có gì đó không ổn, bố bảo mọi người xuống xe. Chỉ duy nhất bác lái xe không xuống, vừa đi xa khỏi xe 10m thì chiếc xe Jeep nổ tung vì mìn giặc. Hay viên đạn bi vẫn còn cắm ở hốc mắt, hơn 50 năm rồi bố để vậy luôn không gắp ra nữa. Những trận sốt rét rừng hết lần này đến lần khác, những lần cởi hết quần áo trườn nhiều ngày trời qua nhiều lớp hàng rào lô cốt, những đồng đội vì bị địch phát hiện mà quyết định rút mìn tự sát… Từng mảnh ký ức bố kể nghe bình thản, nhưng đó là những gì người thanh niên hai mấy tuổi đã phải trải qua cùng biết bao, biết bao đồng đội cùng trang lứa khác đã quên mình vì Tổ quốc", Thái Trinh chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm cận kề và những vết thương do chiến tranh để lại mà bố cô và các đồng đội, chiến sĩ khác từng trải qua.
Đáng chú ý, Thái Trinh chia sẻ giữa bom đạn khốc liệt, 1 tình yêu đẹp giữa bố mẹ cô đã nảy nở. Theo đó, bố Thái Trinh trong lần đi trinh sát cắt rừng, ngang qua đơn vị của mẹ ở Campuchia thì bị giữ lại điều tra. Từ đó, tình yêu anh bộ đội cụ Hồ và cô lính quân y xưởng dược T1 đã hình thành. Thái Trinh cho biết bố và mẹ cô đã gửi 100 lá thư biên tay trong suốt 4-5 năm xa nhau, mỗi người một chiến trường.


Trên chiến trường bom đạn khốc liệt, bố của Thái Trinh đã gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với mẹ cô
Trang Pháp - Xúc động nhớ về ông ngoại là Đại sứ, nhà ngoại giao lão thành Nguyễn Khắc Huỳnh
Ít ai biết rằng, ông ngoại của Trang Pháp từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông bắt đầu làm việc ở lĩnh vực ngoại giao sau khi chuyển từ Bộ Tổng tham mưu sang công tác tại Bộ Ngoại giao.
Một trong nhiều dấu mốc quan trọng trong cuộc đời làm ngoại giao của ông Nguyễn Khắc Huỳnh chính là góp mặt trong phái đoàn của Việt Nam trong cuộc đàm phán lịch sử Hiệp định Paris 1973. Ông vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng nhất vì những đóng góp cho hòa bình và xây dựng đất nước. Năm 2021, ông Nguyễn Khắc Huỳnh qua đời.


Ông ngoại Trang Pháp là Đại sứ, nhà ngoại giao lão thành Nguyễn Khắc Huỳnh
Trong Đại lễ 30/4, Trang Pháp xúc động chia sẻ: "Ông ơi! Đất Nước chúng ta đang cùng nhau hướng về cột mốc trọng đại, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải Phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù ông đã không còn ở đây để trực tiếp chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này, nhưng cháu tin rằng ở trên kia, ông vẫn luôn dõi theo, hạnh phúc và tự hào. Hôm nay, cháu muốn viết vài dòng gửi lại đây, để lưu giữ khoảnh khắc trọng đại và ý nghĩa này cùng ông, vì cháu biết, nếu ông còn ở đây thì chắc chắn ông sẽ muốn đi xem Lễ diễu binh, diễu hành, hoà vào khoảnh khắc thiêng liêng này cùng những người đồng đội, và người dân cả nước. Cháu muốn nhân dịp này để bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Và cháu xin gửi lời biết ơn ông, một người ở thế hệ đi trước trong gia đình, đã dành cả cuộc đời cống hiến cho đất nước".
Trang Pháp chia sẻ, khi ông ngoại ở tuổi ngoài 90, ông vẫn dành trọn tình yêu cho đất nước. Ông vẫn viết sách, vẫn đọc tài liệu, theo dõi tin tức và canh cánh mỗi ngày. Điều kỳ diệu đó là dù lâu lâu ông có thể quên điều gì, nhưng khi gặp những câu hỏi lịch sử thoáng qua trên TV ông vẫn trả lời đầy dõng dạc, chính xác về ngày, tháng và ý nghĩa của từng cột mốc lịch sử Việt Nam.
Trong đó, Trang Pháp cho biết sự kiện ông nhắc tới và tự hào nhiều nhất, đó là Hiệp Định Paris 1973 mà ông đã tham gia. Nữ ca sĩ chia sẻ ông ngoại từng nói với cô rằng: "Hiệp Định Paris là thắng lợi ngoại giao mang tính lịch sử, là thành quả tổng hòa các mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, làm tiền đề cho chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất Nước".

Trang Pháp tự hào, biết ơn ông ngoại và những anh hùng, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập và tự do của dân tộc
Chi Pu - Lần đầu kể chuyện ông nội từng trực chiến cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sáng 30/4/1975 lịch sử!
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chi Pu xúc động chia sẻ những tư liệu lịch sử quý giá về gia đình có nhiều thế hệ từng khoác áo lính và tham gia vào những thời khắc lịch sử của đất nước. "Thời khắc lịch sử này không chỉ là một phần ký ức của dân tộc, mà còn là kỷ niệm thiêng liêng với riêng gia đình mình. Chi xin chia sẻ lại với tất cả sự biết ơn và tôn kính ạ", Chi Pu không giấu được niềm tự hào, biết ơn của mình.
Theo đó, giọng ca sinh năm 1993 cho biết cô đã được bố gửi cho hình ảnh ông nội từng trực chiến tại Sở chỉ huy cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời khắc lịch sử vào sáng 30/4/1975. Cô viết trên trang cá nhân: "Mấy hôm trước khi Chi chia sẻ về gia đình - nơi có nhiều người từng khoác áo lính, cả nhà Chi đã có dịp cùng nhau nhìn lại, xúc động và tự hào lắm lắm mọi người ạ. Hôm nay, bố lại gửi cho Chi thêm tư liệu quý giá. Trong ảnh là ông nội, từng trực chiến tại Sở chỉ huy cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sáng 30/4/1975, trong khoảnh khắc nhận được điện mật báo tin chiến thắng lúc 10 giờ".

Ca sĩ Chi Pu chia sẻ kỷ niệm quý giá ông nội từng trực chiến cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4/1975
Trước đó, nữ ca sĩ 9X cũng khiến khán giả bất ngờ khi chia sẻ hình ảnh gia đình. Đáng chú ý, ông nội, bố và bác ruột của nữ ca sĩ đều mang quân hàm Đại tá. Ông nội còn được trao tặng nhiều huân chương cao quý.
Chi Pu tự hào viết: "50 năm thống nhất đất nước – là dịp để Chi nhìn lại và biết ơn những thế hệ trong gia đình đã khoác lên mình màu áo lính. Từ những người đi qua chiến tranh đến những người tiếp nối thời bình - vẫn chung một sứ mệnh".

Ông nội, bố và bác ruột của nữ ca sĩ đều mang quân hàm Đại tá

Nữ ca sĩ 9X gây bất ngờ khi lần đầu tiết lộ gia đình có truyền thống quân nhân, ông bà và bố mẹ, họ hàng của cô đều hoạt động trong quân đội
