Chuyện không phải ai cũng biết về những nữ dân quân dành cả tuổi xuân canh giữ bầu trời Thủ đô
Không phải ai cũng biết, giữa tiếng bom rền và khói lửa kháng chiến, có những cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã chọn cầm súng thay vì cầm bút, khoác áo dân quân thay vì khoác áo dài. Họ là những nữ dân quân bảo vệ Thủ đô, âm thầm mà kiên cường, viết nên một phần đặc biệt trong lịch sử thành phố này.
Giữa những năm tháng bom rơi đạn nổ, Hà Nội không chỉ là trái tim của miền Bắc, mà còn là nơi gồng mình “chia lửa” với chiến trường miền Nam. Nơi hậu phương và tiền tuyến hòa chung nhịp đập vì độc lập, tự do của dân tộc. Bảo vệ Thủ đô khi ấy không đơn thuần là bảo vệ một thành phố, mà là giữ gìn huyết mạch của cả cuộc kháng chiến, là canh giữ niềm tin cho cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (trích trong Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203). Lời tiên đoán ấy không chỉ cho thấy vị thế chiến lược đặc biệt của Hà Nội, mà còn hé lộ những trang sử bi hùng, nơi những người con gái tuổi mười tám đôi mươi đã sẵn sàng khoác lên mình màu áo dân quân, đứng sau ụ pháo, trở thành những đóa hoa kiêu hãnh nở giữa khói lửa chiến tranh.

Trưng bày "Ký ức Ngày Thống Nhất" tại Bảo tàng Hà Nội.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hãy cùng nhìn lại những hình ảnh, những câu chuyện chưa từng kể hết về họ – những “bông hồng thép” của Thủ đô.

Những câu chuyện chưa kể, những hình ảnh đầy hoài niệm về một thời chiến đấu hết mình của những nữ quân dân bảo vệ Thủ đô một thời.
Những ngày tháng ác liệt
Tháng 6/1966, lần đầu tiên máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Nhiều khu vực trọng điểm ở Thủ đô liên tục bị đánh phá. Lực lượng chính bảo vệ Hà Nội gồm các đơn vị pháo cao xạ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, các trung đoàn tên lửa, sư đoàn không quân. Hàng trăm nghìn dân quân tự vệ được trang bị súng phòng không, pháo cao xạ bắn máy bay, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Ảnh tư liệu: Hầm phòng không ở gần khu vực Bờ Hồ, 1967 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam) trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Thành ủy Hà Nội quyết định chuyển mọi hoạt động sang thời chiến. Điều lệ phòng không được ban hành. Hàng trăm km hào iao thông, hàng triệu hầm trú ẩn được bố trí khắp nơi. Nhà máy, xí nghiệp, kho tàng được phân tán ra ngoại thành và các tỉnh lân cận. Năm 1967, có 310.000 người được sơ tán.

Hiện vật hầm phòng không tại Bảo tàng Hà Nội.
Từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, Mỹ dùng B-52 liên tục ném bom các thành phố lớn. Trong 12 ngày đêm, máy bay Mỹ đã giế hại và làm bị thương gần 3000 người. Các lực lượng bảo vệ Hà Nội đã anh dũng đánh trả, 23 máy bay B52, 2F111 và 5 máy bay chiến thuật khác của Mỹ bị bắn hạ.

Ảnh tư liệu: Phân đội súng 12,7mm tự vệ nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ, tháng 4/1972. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.
Một số tài liệu, hiện vật sự tàn phá, hủy diệt của B52 hiện được trưng bày tại không gian giới thiệu "Ký ức ngày Thống Nhất" tại Bảo tàng Hà Nội. Những hoạt động cứu thương, cứu hộ được quân dân Thủ đô triển khai ngay sau mỗi đợt ném bom. Các lực lượng bảo vệ Hà Nội đánh trả, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Ảnh tư liệu: Dân quân Đặng Thị Ty, xã Đan Phượng trên trận địa bảo vệ đập Phùng, 1972. Ảnh: Thái Ngọc Linh
Trong chương trình tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” tại Bảo tàng Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 9/4, bà Đặng Thị Ty (sinh năm 1947) – nguyên Trung đội trưởng nữ dân quân Trung đội dân quân đập Phùng (còn gọi là đập Đáy) xúc động khi chia sẻ về những năm tháng hòa mình trong phong trào “Ba đảm đang” của địa phương.

Vào khoảng 22h đêm ngày 26/12/1972, 30 máy bay B52 ném bom xuống phố Khâm Thiên, trong đó có trường mầm non Đống Đa bị ném bom hư hỏng nặng. Đây là một số đồ dùng, đồ chơi còn sót lại sau trận ném bom được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Mùa xuân năm 1965, cô gái Đặng Thị Ty ở độ tuổi 18 cùng 11 chị em đồng niên được phân công làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Phùng, công trình phân lũ sông Đáy nhằm điều tiết nước cho Hà Nội mỗi khi lũ dâng cao với 4 khẩu súng 12 ly 7.
Bà Tỵ kể: “Hồi mới tập bắn súng, chúng tôi cảm thấy rất khó. Nhưng lúc bấy giờ thanh niên, đàn ông đều ra chiến trường hết, ở nhà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Do đó, chúng tôi động viên nhau quyết tâm tập luyện, bảo vệ vững chắc trận địa đập Phùng. Bởi đây là công trình phân lũ rất quan trọng bảo vệ cho Hà Nội".

Ảnh tư liệu: Dân quân ngoại thành Hà Nội vừa sản xuất vừa chiến đấu năm 1972. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Gửi tuổi xuân vào bầu trời
Từ năm 1966 đến 1972, Hà Nội hứng chịu hơn 1.300 trận đánh phá của không quân Mỹ. Nhiều trận địa pháo phòng không đã trở thành biểu tượng như trận địa Ngọc Hà, Yên Phụ, Phúc Tân, Gia Lâm, Láng Hạ... Và tại những điểm nóng ấy, có không ít gương mặt nữ dân quân sát cánh bên bộ đội chính quy, ngày tiếp đạn, đêm gác pháo.
Tuổi xuân của họ không có hoa hồng, chỉ có mùi khói súng. Không có những tấm ảnh thanh xuân để khoe với con cháu, chỉ có vết sẹo mờ mờ nơi cánh tay, nơi vai gánh đạn. Nhưng chính những dấu tích ấy lại là minh chứng cho một thời "gửi thanh xuân cho đất nước". Nhiều người đã lặng lẽ ra đi, mang theo ký ức không lời về một thời lửa đạn. Không ít nữ dân quân năm xưa chưa từng được nhắc tên trong sách sử hay những bản báo cáo chiến công.

Ảnh tư liệu một góc phố Khâm Thiên sau khi bị bom Mỹ phá hủy, 1972 được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Ảnh tư liệu: Bộ đội và dân quân tự vệ đứng trên xác máy bay B-52 bị bắn rơi tại Hà Tây năm 1972. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước, là dịp để chúng ta cúi đầu trước những anh hùng thầm lặng. Và cũng là lúc để kể lại những câu chuyện chưa từng được kể – về những người con gái Hà Nội đã dũng cảm giữ vững bầu trời cho Tổ quốc bằng cả tuổi thanh xuân.
50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, những nữ dân quân năm xưa giờ đã là những bà cụ tóc bạc, nhưng tinh thần của họ vẫn sống mãi: "Hòa bình hôm nay được đổi bằng máu và nước mắt. Đừng bao giờ quên những năm tháng ấy".
Những nữ dân quân ấy, với lòng quả cảm và sự hy sinh thầm lặng, là minh chứng sống động cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hôm nay, khi tiếng máy bay không còn gầm rú trên bầu trời Hà Nội, những câu chuyện về “đội quân tóc dài” vẫn vang vọng, như một bản hùng ca không bao giờ tắt. Họ là những bông hồng thép, nở rộ giữa khói lửa chiến tranh, và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.