Những "anh hùng vô danh” ngày thống nhất: Hân hoan trở thành người chỉ đường rồi lặng lẽ biến mất trong biển người

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Giữa khói lửa chiến tranh, những người dân bình dị – từ người phụ nữ bên hiên nhà, anh xích lô trên đường phố, đến người đàn ông vẫy cờ – đã trở thành những người dẫn đường “vô danh” sẵn sàng mở lối cho Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, góp phần viết nên bản hùng ca thống nhất non sông.

Khi TP.HCM rực rỡ cờ hoa chào đón Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), những câu chuyện về các anh hùng, chiến sĩ đã làm nên chiến thắng lịch sử lại được kể lại với niềm tự hào bất tận. Bên cạnh những tên tuổi được vinh danh, còn có những người dân bình dị, những người dẫn đường “vô danh” đã góp phần mở lối cho Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trong giờ phút quyết định ngày 30/4/1975.

Những

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón quân giải phóng. Ảnh tư liệu - Lao động

Niềm hân hoan được trở thành "người dẫn đường"...

Ngày 30/4/1975, hầu hết các cánh quân của Quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn đều có chung một việc phải làm: Hỏi đường đến Dinh Độc Lập. Duy nhất ở cánh quân xe tăng, bộ binh tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất, các phóng viên chiến trường đã ghi lại hình ảnh cô gái xinh đẹp Nguyễn Trung Kiên, nữ biệt động Sài Gòn tay ôm khẩu AK đội mũ tai bèo dẫn đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, trại Davis… Còn lại các cánh quân khác đều phải vừa đi vừa hỏi đường.

Giữa làn bom đạn chiến tranh ấy, người dân Sài Gòn dù vẫn còn rất sợ, thậm chí không dám ra ngoài, nhưng vẫn có những con người âm thầm, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ quân giải phóng. Và câu chuyện và người đàn ông "vô danh" cầm lá cờ giải phóng dẫn đường cho xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập được Trung tướng Phạm Xuân Thệ, khi ấy là Đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Quân khu 2 kể lại trên báo Nhân dân khiến không ít người xúc động.

Những

Vào ngày tháng Tư lịch sử ấy, Trung tướng Phạm Xuân Thệ người chỉ huy cao nhất vào Dinh Độc Lập bắt Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Ảnh tư liệu

Sau hai trận đánh dữ dội tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của địch ở cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn, xe tăng của Trung tướng Phạm Xuân Thệ vào đến Ngã tư Hàng Xanh khoảng 6 giờ sáng, trời còn tờ mờ... Nhưng quá nhiều đường, không biết Dinh Độc Lập ở đâu, tôi gõ cửa nhà dân để hỏi. Có lẽ do bắn nhau nhiều quá bên cầu Sài Gòn nên nhiều gia đình không ai dám lên tiếng vì… sợ. Sau đó mãi mới có giọng một người phụ nữ nói vọng ra:

"Quẹo trái, đi thẳng rồi quẹo trái lần nữa thì tới"... Dù không thấy mặt nhưng tiếng nói của người phụ nữ vẫn khắc sâu trong tâm trí Trung tướng Phạm Xuân Thệ bởi dù sợ hãi bom lửa chiến tranh nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ quân giải phóng.

Đến trưa ngày 30/4/1975, sau khi tiêu diệt ổ địch chống cự bên cầu Thị Nghè, xe tăng của Trung tướng Phạm Xuân Thệ men theo bờ tường Thảo Cầm Viên ra tới cổng chính. Nhưng lúc này, đoàn xe của Trung tướng Phạm Xuân Thệ vẫn chưa thể tìm đường đến Dinh Độc Lập. Trong khi đó, hai bên đường không khí tưng bừng náo nhiệt chưa từng có, hàng vạn nhân dân vẫy tay, vẫy cờ đón mừng Quân giải phóng. Thấy vậy, Trung tướng Phạm Xuân Thệ dừng xe và hỏi đường. Lúc này, một người đàn ông trạc tuổi trung niên tay cầm cờ giải phóng đang đứng cùng đám đông chỗ cổng chính Thảo Cầm Viên nhanh nhảu nói:

"Tui biết đường...".

Một câu nói không chỉ đơn thuần thể hiện mong muốn giúp đỡ, một sự tri ân đối với quân giải phóng mà còn là mong muốn được cống hiến, được tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của "thứ" đã kìm kẹp người dân và hơn hết đó là chứng kiến một Sài Gòn đã được giải phóng.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ sau đó mời người đàn ông lên xe để chỉ đường. Chiếc xe chạy băng băng trên đại lộ Thống Nhất mang theo sự háo hức, niềm vui chiến thắng không chỉ của những chiến sĩ giải phóng mà còn là niềm hân hoan của người dân Sài Gòn. Khi vào Dinh, lái xe Đào Ngọc Vân giật lấy cờ trên tay anh này để chạy lên cắm, anh ta níu lại và la toáng lên: "Cờ của tui".

Thấy vậy, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nói rằng:

"Cờ của ai cũng lên cắm!".

Rồi chiến sĩ giải phóng quân Đào Ngọc Vân hối hả mang cờ chạy lên tầng hai Dinh hăng hái phất cờ chiến thắng. Khoảnh khắc đó, dù lá cờ không còn trên tay nhưng với người đàn ông ấy có lẽ không còn quá quan trọng.

Những

Chân dung “người Sài Gòn vô danh” bên cạnh Đại uý Phạm Xuân Thệ 50 năm về trước (Người thứ 2, từ trái sang). Ảnh: Tiền phong.

Người đàn ông "vô danh" ấy cũng trở thành một phần không thể nào quên trong kí ức của chiến sĩ giải phóng quân Đào Ngọc Vân.

Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, chiến sĩ giải phóng quân ngày ấy giờ đã là một cụ ông nhưng những hồi ức hào hùng về Ngày giải phóng miền Nam dường như mới ngày hôm qua.

“Khi đi đến đến Thảo Cầm Viên, cách Dinh Độc lập khoảng 500m có một người đàn ông mặc sơmi trắng, tầm trên 40 tuổi, tay ôm lá cờ quân giải phóng màu xanh đỏ sao vàng lớn nhất chạy ra tình nguyện dẫn đường cho đơn vị chúng tôi”, tờ An ninh Thủ đô dẫn lời ông Đào Ngọc Vân kể lại.

Đến cổng Dinh Độc Lập, hai chiếc xe tăng làm nhiệm vụ phá cổng Dinh. Khi chiếc xe tăng thứ nhất bị mắc kẹt, không thể nhúc nhích, chiếc thứ hai đã nhanh chóng húc đổ cổng chính tiến thẳng. Ông Vân đã nhanh chóng lái chiếc xe Jeep theo sau xe tăng thứ hai qua cánh cổng chính và vòng cua bên phải. Còn chiếc xe tăng sau vòng cua bên trái, tạo thành thế khép kín vòng vây.

Những

Chiếc xe Jeep mang biển số 15778 do ông Đào Ngọc Vân lái được phục dựng lại. Ảnh được đăng tải trên báo An ninh Thủ đô (Do nhân vật cung cấp).

Đến nơi, ông Vân cùng các đồng đội trên xe Jeep tay cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tiến vào tầng trệt của Dinh Độc Lập theo con đường cầu thang. Ông được chỉ huy Phạm Xuân Thệ giao nhiệm vụ cầm theo lá cờ của người đàn ông dẫn đường cắm lên xe cùng đồng đội chạy vào Dinh.

Khi chỉ huy Phạm Xuân Thệ cùng các anh em đi vào phòng của Tổng thống Dương Văn Minh, ông Vân đã cầm lá cờ giải phóng chạy lên Ban công sảnh tầng 2 của Dinh Độc Lập cùng với một chiến sĩ liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm giữ được Dinh.

Cùng thời điểm này, đồng chí Bùi Quang Thận cũng đang mang một lá cờ cắm lên nóc Dinh Độc Lập. Nhớ lại giây phút đó, ông Đào Ngọc Vân chia sẻ: “Hạnh phúc lắm, khi cầm trên tay phất lá cờ giải phóng báo hiệu cho anh em, đồng đội ta đã tiếp quản được Dinh Độc Lập. Từ trên cao nhìn xuống, ngoài sân Dinh và ở đường phố nghe tiếng hoan hô của bà con nhân dân, tiếng súng AK của bộ đội nổ vang cả bầu trời Sài Gòn chào mừng chiến thắng”.

Người đàn ông "vô danh" với lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là hiện thân của tinh thần “khi đất nước cần, cả dân tộc đứng lên”. Hành động ấy giữa khói lửa bom đạn và niềm hân hoan đã mở đường cho đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, đưa đất nước đến ngày thống nhất.

Nhưng "lặng lẽ" biến mất trong biển người

30 năm sau ngày Giải phóng, Trung tướng Phạm Xuân Thệ chỉ tay vào tấm ảnh của mình hồi 27 tuổi bên cạnh là người đàn ông gầy gò: "Đó là anh thanh niên cầm cờ, dẫn đường... Tôi chưa kịp hỏi tên, chưa cảm ơn. Ước gì được gặp lại anh ấy một lần...", Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại trên báo Nhân dân. Đó không chỉ là sự hối tiếc vì một lời cảm ơn chưa kịp nói mà còn là mong muốn được tri ân. Nếu không có những con người vô danh ấy, con đường đến Dinh Độc Lập có thể đã khó khăn hơn nhiều.

Những

Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể chuyện bức ảnh năm xưa… Ảnh Tiền phong.

Một anh hùng "vô danh" khác cũng đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với Thiếu tá Lê Văn Dũng, lúc bấy giờ là Chính uỷ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Binh đoàn 232.

Sáng 30/4, quân giải phóng dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Lê Văn Dũng từ hướng Long An tiến vào đến Ngã tư Bảy Hiền. Mục tiêu của đơn vị là chiếm trại Lê Văn Duyệt (Biệt khu Thủ đô - Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Sài Gòn, sau đó tiến về Dinh Độc Lập. Khi anh em trong đơn vị còn loay hoay hỏi thăm đường, một anh xích lô trạc tuổi trung niên nhanh nhảu chỉ:

"Đó, đó! Các chú đang đứng trước cửa trại Lê Văn Duyệt". Hóa ra xe tăng và chiến sĩ đang đứng trước cửa nơi cần tìm mà không biết Trại Lê Văn Duyệt chính là Biệt khu Thủ đô.

Thiếu tá Lê Văn Dũng lúc bấy giờ tiếp tục hỏi anh xích lô: "Nhờ anh chỉ giùm đường đến Dinh Độc Lập". Anh xích lô hào sảng lại tiếp tục nói một lèo khá dài nào là rẽ trái, quẹo phải rồi đi thẳng...

"Hay là anh lên xe tăng chỉ dùm đường..." lời đề nghị vừa được Thiếu tá Lê Văn Dũng đề nghị, anh xích lô mừng quýnh, hất vội chiếc xe xích lô vô lề. Phương tiện kiếm cơm, là tài sản lớn của anh và gia đình cứ thể ngã chỏng gọng, rồi người đàn ông hào sảng ấy leo lên xe tăng ngồi bên cạnh chỉ đường cho quân giải phóng trong niềm hân hoan.

Khi đến Dinh Độc Lập, xe tăng quân giải phóng đã có ba, bốn chiếc vào trước. Trong khi mọi người vui mừng, bận bịu, loay hoay với công việc tiếp quản..., anh xích lô ấy lặng lẽ biến mất trong biển người đang vỡ oà ra đường mừng Sài Gòn giải phóng.

Để rồi 30 năm trôi qua, vị Chính uỷ ấy giờ đây đã là Đại tướng Lê Văn Dũng vẫn bồi hồi và hơn hết đó là tiếc nuối. Tiếc nuối vì không kịp nói lời cảm ơn, tiếc nuối vì không kịp hỏi tên người đàn ông hào sảng dẫn đường năm ấy.

Những

Nhân dân đổ ra xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa đón các chiến sĩ giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu - Lao Động.

Rực rỡ ngày Giải phóng

Ngày 30/4/1975, khi các cánh quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc tiến vào Sài Gòn, thành phố như bừng tỉnh. Từ các con hẻm nhỏ đến đại lộ trung tâm, họ đổ ra đường, tay cầm cờ cách mạng, miệng reo hò chào đón những người lính giải phóng.

Không khí hân hoan ấy lan tỏa khắp thành phố. Tại Ngã tư Hàng Xanh, Ngã tư Bảy Hiền, hay cầu Rạch Chiếc, người dân đứng chật kín hai bên đường, tung hô "quân giải phóng". Sự nồng nhiệt của người dân không chỉ là niềm vui của ngày độc lập, thống nhất mà còn là minh chứng cho niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng.

Và trong hàng vạn con người Sài Gòn ấy, người phụ nữ sau cánh cửa chỉ nghe thấy giọng nói, anh xích lô trên đường phố hay người đàn ông những người cầm cờ cách mạng,... tất cả họ chính là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước. Dù tên tuổi có thể đã hòa vào dòng chảy lịch sử, nhưng sự dũng cảm và tinh thần yêu nước của họ đã góp phần làm nên khoảnh khắc lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, mãi là ngọn lửa soi sáng con đường thống nhất.

Như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến thắng mùa xuân 1975 là chiến công của toàn dân tộc, nêu tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ trước toàn thế giới”.

Những "anh hùng vô danh” ngày thống nhất: Hân hoan trở thành người chỉ đường rồi lặng lẽ biến mất trong biển người - Ảnh 7.

 

Chia sẻ