NSND Thu Hiền: Tôi từng cứu chữa thương binh, đỡ đẻ
NSND Thu Hiền chia sẻ với VTC News về những năm tháng chiến đấu, cũng như cuộc sống an yên hiện tại ở tuổi 72.
NSND Thu Hiền sinh năm 1952 tại Thái Bình, trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Bà là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc cách mạng.
Mới đây, NSND Thu Hiền chia sẻ với VTC News về những năm tháng chiến đấu, cũng như cuộc sống an yên hiện tại ở tuổi 72.
- Năm 15 tuổi, NSND Thu Hiền đã vào chiến trường, tham gia đoàn văn công phục vụ bộ đội?
Đúng vậy! 15 tuổi, sau khi được đào tạo, trang bị chuyên môn, ý thức chính trị, tôi may mắn được cùng những đoàn xung kích vào chiến trường Khu 4, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, là những tuyến lửa, bom đạn ác liệt. Dọc đường hành quân, chúng tôi vừa đi vừa cất tiếng hát.
Không ít lần, các thương binh phải chịu cảnh mổ mà không có thuốc tê. Chúng tôi đứng bên cạnh, vừa hát, vừa gọi tên các anh. Các anh rất kiên cường, nhiều anh bước qua cửa tử, nhưng cũng có những người ra đi mãi mãi.
Ngày đó, chúng tôi diễn không có đèn, không có sân khấu. Lúc dưới địa đạo, chúng tôi hát với ánh đèn dầu. Lúc trong rừng sâu, chúng tôi hát dưới ánh sáng của đèn ô tô. Chúng tôi hát với những ống bơ địch bỏ đi, cắm tre vào giữa cho tiếng vang hơn. Đa số đều là hát vo. Một người cũng hát mà 5 người cũng hát.
Nhiều người nghĩ văn công chỉ có biểu diễn, nhưng không phải. Chúng tôi tham gia nấu ăn, cứu chữa cho thương binh, đỡ đẻ. Chúng tôi cũng đối mặt với bom rơi lửa đạn, nhiều lần ở giữa lằn ranh sinh tử. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ - chiến sĩ là như thế đó.
- Ký ức về một thời hào hùng, gian khổ chắc hẳn là những kỷ niệm bà không bao giờ quên?
Tôi nhớ nhất kỷ niệm năm 1972, tôi đến Đông Hà (Quảng Trị) và nhận được lệnh tới sông Thạch Hãn để hát qua bên kia Thành Cổ. Tôi phải hát qua chiếc loa bóp nhưng cứ bóp thì quên hát, mà hát lại quên bóp. Đồng chí chính trị viên ở sau phải cầm cây gậy khều vào lưng để nhắc. May mà chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ “truyền lửa tinh thần” từ bờ bên này sang bên kia bờ sông Thạch Hãn cho các đồng đội. Hôm ấy, tôi hát hai bài là Trông cây lại nhớ đến Người (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) và dân ca Người ơi người ở đừng về.
Gian khổ không thể kể hết, nhưng tất cả chúng tôi rất thương nhau, cùng chung một ý chí, lạc quan vượt qua. Chúng tôi đi theo lý tưởng của mình, xung phong vào chiến trường. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của thế hệ chúng tôi.
- Để có thể hoàn thành nhiệm vụ của một người nghệ sĩ - chiến sĩ, bà phải xa con, xa gia đình. Bà vượt qua giai đoạn này thế nào?
Năm 1971, tôi sinh con, rồi gửi lại con ở miền Bắc cho mẹ nuôi. Năm 1972, tôi vào chiến trường Quảng Trị lần thứ hai. Sau đó, tôi được chọn là một trong 12 dũng sĩ sang Pháp để phát huy tinh thần của Hội nghị Paris năm 1973, 1974. Về rồi lại tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam.
Những lúc được về thăm con, tôi tranh thủ cho con bú rồi giục con bú nhanh để mẹ còn đi. Cũng thương con lắm nhưng vì lúc đó, tất cả ý chí của mọi người đều như nhau, đi vào chiến trường với niềm vinh dự, hân hoan nên không nghĩ gì đến bản thân.
- Trong những tháng ngày đi hát ở chiến trường, NSND Thu Hiền vẫn được nhắc nhớ cùng NSND Trung Đức. Đó có phải là người hát song ca ăn ý nhất với bà?
Tôi và Trung Đức đi hát nhiều nơi, ở những vùng biên giới. Mỗi lần đi hát đều có nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ lần đi diễn ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, địa điểm diễn là trong những kho để gạo, kín như bưng, lỗ thở chỉ bằng bàn tay, trong khi các anh bộ đội tới nghe lại rất đông. Mỗi lần hát xong một bài, tôi lại phải chạy ra ngoài để thở.
Hay có lần khác đi diễn ở các chốt biên giới, chúng tôi hát: Gửi em ở cuối sông Hồng, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Tình trong lá thiếp… Chúng tôi hát tới đâu, nước mắt cứ lã chã rơi tới đó. Gần như lúc nào tôi và Đức cũng bên nhau, đói chia nhau miếng lương khô nhưng vẫn hát bằng trái tim của mình.
Năm 2000, tôi và Trung Đức làm Bài ca Trường Sơn , gồm một loạt những bài hát cách mạng, quê hương. Không ngờ đĩa đó nhận được sự đón nhận của đông đảo khán giả. Chúng tôi như một hình mẫu cho các em thế hệ sau này. Khán giả gọi chúng tôi là cặp song ca huyền thoại.
- Tiếng hát ngọt ngào, da diết của NSND Thu Hiền chinh phục được nhiều khán giả. Ca sĩ Mỹ Linh từng chia sẻ rằng, khi bà cất tiếng hát, có đến một nửa khán giả đàn ông mê mẩn, hâm mộ, trong đó có rất nhiều người miền Trung. Điều này có đúng?
Mỹ Linh hay đùa nên nói thế. Tôi thật sự mang ơn miền Trung, người miền Trung nuôi tôi bằng khoai lúa, chắp cánh cho tiếng hát của tôi đến với công chúng. Giọng hát của tôi gắn liền với những ca khúc về miền Trung như: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Quảng Trị yêu thương…
Có thể lúc đó, thế hệ tôi ít có ca sĩ thể hiện những ca khúc miền Trung. Tôi lại là người hát dân ca, nên dễ dàng thấu hiểu được ngôn ngữ, cách phát âm, sự dồn nén trong từng câu hát, tâm tư tình cảm sâu nặng của người miền Trung. Vì thế đi đến đâu, tôi cũng hát các bài hát về miền Trung. Nhiều người vẫn gọi tôi là người con của quê hương miền Trung. Ít ai nghĩ rằng tôi là người con của mảnh đất Thái Bình.
- Cuộc sống hiện tại của NSND Thu Hiền ở tuổi 72 thế nào?
Tôi có cuộc sống bình thường. Vợ chồng tôi sống tại một chung cư ở TP.HCM. Sáng tôi đi bộ, rèn luyện thể thao, rồi về nhà chuẩn bị đồ ăn cho chồng, dọn dẹp nhà cửa. Buổi chiều, tôi thường nghe nhạc của các bạn trẻ. Là người đi trước, tôi vẫn học hỏi ngược lại các em bằng cách nghe những sản phẩm mới mỗi ngày. Tôi học từ cách hòa âm phối khí đến lối thể hiện, sao cho mới mẻ, bớt nhàm chán.
Tôi vẫn làm việc, đi hát, nhưng tần suất không nhiều bởi sức khỏe không cho phép, chủ yếu để bớt nhớ nghề thôi. Tôi chỉ tham gia một số sự kiện, chương trình của Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, không đi hát hay chạy show ở các tụ điểm.
- Nhiều năm nay bà rất tích cực với các hoạt động từ thiện?
Tôi thích làm từ thiện, theo khả năng của mình thôi. Mỗi lần đi hát đều bớt ra một chút để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi và hai con gái cùng góp tiền, xây nhà tình nghĩa ở miền Tây. Số tiền không lớn so với nhiều người nhưng là nỗ lực của ba mẹ con.
Ngoài ra, chúng tôi nhận nuôi năm em nhỏ, hỗ trợ mỗi em vài triệu đồng mỗi năm. Tôi quan niệm từ thiện, hay tu tập xuất phát từ cái tâm của mình. Mình không làm gì điều xấu sẽ thấy thanh thản.
- Bà là nghệ sĩ nổi tiếng, có chất giọng hiếm có, nhưng hai con gái lại không theo nghề. Điều này có khiến bà chạnh lòng?
Tôi có hai con gái từng học nhạc viện nhưng đều rẽ ngang. Con út là tiếp viên hàng không, con cả giờ đi theo con đường tu tập. Tôi không buồn vì con cái không theo nghề của mẹ. Tôi có nhiều học trò, coi các em như con, vậy là mãn nguyện rồi.
Xin cảm ơn NSND Thu Hiền.
NSND Thu Hiền sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha bà là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca Liên khu V (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), mẹ bà là diễn viên chèo tuồng Thanh Hảo, quê gốc Thái Bình, con gái một ông bầu hát nổi tiếng.
Mê hát từ nhỏ, Thu Hiền có duyên với sân khấu. Đi qua chiến tranh khốc liệt, nghệ sĩ Thu Hiền thấu hiểu nhiều điều trong cuộc sống.