Nông dân ở vựa vải thiều ngon trứ danh lo ngay ngáy vì được mùa mất giá
Lục Ngạn (Băc Giang) từ lâu được xem là nơi có giống vải thiều ngon trứ danh cả nước, thế nhưng năm nay họ lại phải một lần nữa đối mặt với bài toán "được mùa mất giá"
Năm nay quả vải Lục Ngạn - Bắc Giang đã được xuất khẩu sang các nước như: Úc, Mỹ, Trung Quốc... thế nhưng số lượng được cho là rất nhỏ, không thấm vào đâu và câu chuyện được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa khiến người trồng vải vẫn ngay ngáy bao nỗi lo toan.
Những ngày gần đây, vải thiều Lục Ngạn bắt đầu cho thu hoạch và người dân lại tấp nập bẻ để bán cho các thương lái tại các chợ nông sản trong vùng. Theo đánh giá của hầu hết các nông dân trồng vải thì năm nay do thời tiết thuận lợi nên vải được mùa, thế nhưng câu chuyện được mùa lại khiến người nông dân "méo mặt" vì giá bị đẩy xuống.
Theo chân người nông dân trồng vải, chúng tôi đã có mặt tại thôn An Phú (Mỹ An - Lục Ngạn - Bắc Giang), rất nhiều gia đình tại đây quả vải đã chín đỏ cây chỉ chờ chủ vườn thuê người hái bán. Tại đây, mỗi gia đình đều có từ 5 sào đến trên 1 mẫu đất trồng vải, cho thu nhập từ 40 - 100 triệu đồng/hộ gia đình.
Gia đình nhà anh Vũ Văn Hai (Thôn An Phú) có khoảng 200 gốc, bình quân mỗi gốc cho sản lượng khoảng gần 1 tạ, tuy nhiên anh Hai cho biết: "Nếu như đầu mùa quả loại to, đẹp thì bán được 14-15 ngàn đồng/kg, nhưng đến thời điểm hiện tại khi vào chính vụ giá lại bị hạ xuống 7 ngàn đồng bởi năm nay vải quả nhỏ và không đẹp nên bị ép xuống".
Nhìn những quả vải như thế này, nhưng anh Hai cho biết: "Nếu xuất đi Trung Quốc hoặc đi các tỉnh lân cận thì thương lái không mua vải này bởi mã hơi xấu, vì vậy buộc chúng tôi phải bán cho thương lái để làm vải sấy với giá thấp lắm".
Theo người dân, tại đây có 2 giống vải đó là vải có vỏ màu đỏ và màu phớt đỏ, những quả có vỏ màu đỏ bao giờ cũng ngon và ngọt hơn bình thường, chính vì vậy khi bán cũng cao hơn khoảng 1 - 2 ngàn đồng.
Đây là chùm vải vỏ xanh có giá trị thấp hơn nhưng người nông dân vẫn phải thu hoạch sớm vì nếu không sẽ gặp phải việc quả vải bị nứt, bị thối như thế này.
Cây sai trĩu quả người trồng vải phải dùng tre, luồng để chống đỡ. Được mùa nhưng có lẽ người nông dân chẳng mấy vui bởi điệp khúc cũ lại tái diễn khi bị thương lái ép giá.
Đằng sau nụ cười là những giọt mồ hôi, nước mắt cả năm chăm bón nhưng thành quả lại không như mong đợi.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy có đến 1 mẫu đất trồng vải, với 200 gốc dự tính sẽ cho thu về khoảng trên 50 triệu đồng, nhưng chị cho biết trừ mọi chi phí thì còn lại chẳng đáng là bao.
Nói về giá cả năm nay chị cho biết: "Gia đình không dám ép cây cho ra quả to bởi như thế hại cây lắm sang năm sẽ không cho quả nữa, nhưng giá vải đến bây giờ thì giảm thê thảm quá".
Chị Vũ Thị Liên (thôn An Phú) cho biết: "Năm nay ước tính gia đình tôi đạt khoảng 5-6 tấn vải, với giá bán như hiện tại thì chỉ được tầm gần 40 triệu đồng thôi".
Mặc dù vườn vải của gia đình chị Liên luôn sai quả đến trĩu cành nhưng tính ra mỗi gốc thu nhập chưa được 1 triệu đồng.
Vải thiều Lục Ngạn gần như không có chuyện thương lái vào tận vườn thu mua mà người nông dân trồng vải phải trực tiếp thuê người bẻ, buộc, chở ra tận các chợ đầu mối, chợ nông sản bằng xe gắn máy để bán.
Vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều tối là người nông dân thường mang vải ra chợ bán trên những chiếc xe gắn máy. Hễ ra đến chợ là có các thương lái chờ sẵn, thế nhưng do lượng người bán đông đúc nên thương lái thoải mái ép giá.
Nhiều người vải không được đẹp phải chạy vòng vòng tận 10km nhưng vẫn chưa thể bán được, anh Tùng một nông dân chia sẻ: "Họ ép giá vải của tôi chỉ chưa đầy 7 ngàn đồng nên không thể bán được, từ sáng đến giờ tôi chở 1,5 tạ vải trên xe chạy vòng vòng suốt 10km mà vẫn chưa thể bán được với giá 7 ngàn đồng/kg".
Mặc dù người trồng vải thiều Lục Ngạn cũng vất vả chẳng kém người trồng lúa như các miền quê khác nhưng với cơ chế, sức mua và thị trường như hiện nay thì liệu rằng miền đất được mệnh danh là thủ phủ của vải thiều ngon trứ danh đất Bắc những năm tới sẽ đi đâu về đâu bởi không ít gia đình đã chuyển đổi từ cây vải sang các cây trồng khác có giá trị hơn.
Đối với vải của gia đình chị Liên thì một phần quả đẹp, to sẽ được bán cho các thương lái Trung Quốc hoặc những người từ các tỉnh thành khác đến thu mua, số còn lại sẽ bán cho thương lái làm vải sấy khô.