Nỗi niềm những bà mẹ "đơn thân"

,
Chia sẻ

Chia sẻ việc nuôi dạy, chăm sóc con cái là trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng.Thế nhưng, vẫn có những người chồng phó thác nhiệm vụ này cho vợ và coi đó là lẽ thường.

Người vợ, tuy có chồng bên cạnh nhưng không khác gì bà mẹ đơn thân.

Những điều vô lý

“Bé con mấy tháng rồi anh?”. “Tám tháng rồi em”, người chồng trả lời người cùng dạo bộ trong công viên. Cô vợ tròn mắt: “Anh nói gì thế, con sắp sang tháng 11 rồi đó”. Đây là buổi chiều đầu tiên cô vợ dụ dỗ được chồng cùng hai mẹ con ra công viên dạo mát. Có lẽ vì thế mà sự vô tư của ông chồng đã dễ dàng được xí xóa bằng một cái cười trừ.

Người vợ, tuy có chồng bên cạnh nhưng không khác gì bà mẹ đơn thân

Chồng cô mở công ty tại nhà, làm việc chủ yếu qua mạng internet, nhưng “chăm sóc con cái” là việc chưa bao giờ có mặt trong thời khóa biểu của anh. “Buồn nhất là khi con ốm, anh ấy cũng chỉ ngó qua. Mình thức trắng đêm không sao, nhưng anh ấy chỉ dậy lấy viên thuốc là lập tức sẽ càm ràm. Vì thế chuyện con mọc cái răng đầu tiên, chập chững đi, bập bẹ nói, cảm xúc của anh thế nào thì biết rồi đó”, chị nói trong sự bức xúc, ngán ngẩm.

Sáng, vợ đi chợ, làm bữa sáng cho cả nhà, dỗ con ăn, đưa con đến lớp mẫu giáo và về... đánh thức chồng dậy. Chiều tan sở vợ lại đón con, tắm giặt, cơm nước, đọc sách kể chuyện, dỗ con đi ngủ rồi... gọi điện xem chồng nhậu mấy giờ về. Đó là hình ảnh khá quen thuộc với nhiều gia đình trẻ hiện nay. Người vợ luôn tất tả. Còn người chồng, nghĩ rằng chỉ việc kiếm tiền là hoàn thành nghĩa vụ.

"Ít ra thì còn mang tiền về cho vợ có cái mà nuôi con" - Hạnh, mẹ của hai đứa con nói bằng giọng chán nản. Tình cảnh của Hạnh, nghĩ ra cũng ngán thật. Một mình, vừa chăm sóc con vừa phải đi làm kiếm tiền. Còn chồng chị cứ như người không liên quan gì vậy. Con ăn gì, uống sữa gì không phải việc của anh. Tệ hơn, đã không hỗ trợ vợ được gì, anh còn chẳng muốn nghe những lời than phiền, lo âu của vợ về con cái. Không khí gia đình vì thế mà căng thẳng thường xuyên.

Vì con

Đa số những người chồng cho rằng, phụ nữ chăm sóc, dạy dỗ con tốt hơn đàn ông. Vì đó là “thiên chức” của phụ nữ. Một phần cũng đúng, người vợ luôn giành lấy việc chăm sóc con cái, họ không tin tưởng mấy khi giao con cho chồng và cũng không bắt buộc chồng phải cáng đáng công việc này. Nhưng nếu các đức ông chồng cứ thấy thế mà phó thác mọi việc thì quả là không công bằng.

Một đứa bé trong quá trình lớn lên, cần có mẫu hình xử sự của người mẹ và người cha, trong khi một người không thể “đóng” cả hai vai. Người vợ, dẫu có tháo vát đến mấy, cũng khó có thể thay thế được cha bọn trẻ. Hơn nữa, chăm sóc con cái còn là trách nhiệm, là niềm vui chung, là cách thể hiện tình yêu vợ chồng, tình cảm gia đình. Không tham gia vào, chẳng khác gì người chồng ấy đang tự tách mình ra khỏi cuộc sống của gia đình. Mang tiền về cho gia đình là hoàn thành nghĩa vụ? Đó chỉ là cái cớ để những người đàn ông phủi bỏ trách nhiệm làm cha.

Đề cập đến vấn đề này, những ông chồng thường ngụy biện rằng mình không có thời gian, bận làm những việc đại sự, hơn nữa họ không có kinh nghiệm, họ là... đàn ông... Nhưng thực tế không phải vậy. Vấn đề chính là họ không chủ động thu xếp thời gian dành cho con, chứ không phải thiếu thời gian. Đúng hơn, họ không ý thức được một người cha cụ thể cần phải làm gì cho con cái. Đáng buồn hơn, có người hiểu rõ điều đó nhưng vẫn cố tình lảng tránh. Các cuộc vui với bạn bè ở bàn nhậu có sức hấp dẫn hơn là về nhà dỗ con ăn hay trả lời những câu hỏi hóc búa của đứa trẻ lên ba.

Không gần gũi, chăm sóc con là người cha đang vô tình đánh mất nhiều ý nghĩa cuộc sống. Đó là sự lớn lên mỗi ngày của đứa con. Là sự nhạy cảm của một người cha. Là sợi dây tình cảm tốt đẹp cha con...

Không dành thời gian cho con, chính những người cha đang dần tạo khoảng cách với con. Có thể đó cũng là lý do khiến những đứa trẻ thường có xu hướng dành nhiều tình cảm hơn cho mẹ. Thậm chí, có những đứa trẻ không chịu ở nhà với cha, không chịu đi đâu khi không có mặt mẹ.

Theo tiến sĩ Laura Schlessinger, chuyên gia tâm lý, thống kê: không có sự chăm sóc, dạy dỗ của người cha, những đứa con sẽ bị rối loạn hành vi nhiều gấp 20 lần, sử dụng chất kích thích nhiều gấp 10 lần, bỏ học nhiều gấp chín lần, ở tù nhiều gấp 10 lần so với những đứa trẻ có sự dạy dỗ cẩn thận của cả cha và mẹ. Nguyên nhân? Thứ nhất, những đứa con trong gia đình như thế thiếu sự cân bằng về tâm lý. Thứ hai, trẻ bị thiếu sức mạnh không thể thay thế được từ hình ảnh người cha trong việc phát triển tinh thần, hình thành nhân cách, nhất là trong giai đoạn chúng bước vào tuổi mới lớn.

Kéo chồng vào cuộc...

Nếu không tìm cách để người chồng hòa nhập vào việc nuôi con, những người vợ đã vô tình khiến người chồng quên mất nhiệm vụ của mình. Vì thế, “bắt” chồng tham gia việc trông con là một việc nên làm.

“Bài” của chị Nga (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội): “Ông xã mình vụng về, cho nên mình phân công rõ ràng mọi việc: mình lo việc nội trợ, cho con ăn uống, nhường anh ấy việc trọng đại, là chơi với đứa bé và đưa đón đứa lớn đến lớp. Hai nhiệm vụ này tưởng đơn giản nhưng khá “nặng” đấy! Con trẻ thường lắm yêu sách, phải không ngừng "phát minh" ra các trò chơi để “phục vụ” chúng. Đưa đón con đi học cũng vậy, bố không thể la cà sau giờ làm như trước được nữa. Kinh nghiệm của mình là sau khi phân công rõ ràng công việc, thì nhất định phải tuân thủ, thực hiện”.

Còn chiêu của chị Phương (TP Vinh, Nghệ An): “Mình lấy cớ dạo này cơ quan có quá nhiều việc nên phải ở lại làm đến bảy, tám giờ tối mới về. Ông bà hai bên đều ở xa, nhà lại không có người giúp việc, bởi thế muốn hay không đức ông chồng quý hóa cũng phải cáng đáng những việc trước đây của mình. Đón con từ nhà trẻ về, tắm rửa cho con, tìm cách cho con ăn... Bố có lười mấy thì thương con cũng phải ráng. “Thực tế” được dăm bữa, tất nhiên kỹ năng làm bố chưa thể khá lên rõ ràng được. Nhưng cái thu được là sau đó, chồng mình đã hiểu việc chăm sóc một đứa trẻ vất vả thế nào, nên có mặt ở nhà nhiều hơn, sẵn sàng hỗ trợ vợ khi cần”... Nhờ chồng mua sắm đồ cho con, dẫn con đi chơi, đọc sách cho con nghe mỗi tối, trò chuyện với con... cũng là những cách “buộc” chồng tham gia vào việc chăm sóc, nuôi dạy con".

Thời trước, vai trò làm cha làm mẹ vẫn ngầm được quy định một cách rõ ràng, thời nay, người mẹ cũng hoạt động ngoài xã hội như người cha, bởi vậy, người chồng cần có những thay đổi về thái độ và vai trò của mình trong gia đình. Có thể họ rất lúng túng khi đối mặt với việc tắm cho một đứa trẻ hay dỗ cho nó ăn hết bát cháo, nhưng với sự kiên trì, học hỏi, yêu thương và hơn hết là ý thức trách nhiệm của một ông bố chắc chắn sẽ giúp họ quen mọi việc. Bởi đâu phải bẩm sinh người phụ nữ đã có khả năng nuôi dạy con. Không quan tâm đến con là lỗi lầm lớn nhất mà người đàn ông phạm phải. Việc chăm chút cho con buộc bạn phải hy sinh nhiều thứ, nhưng đó là điều chúng ta cần làm.

Cùng vợ hướng dẫn con khôn lớn, trải qua các chặng đường phát triển liên tục của con, bạn sẽ tận hưởng được trọn vẹn niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn của một người làm bố, và đó là cách chia sẻ tuyệt vời nhất mà bạn dành cho vợ. 

Theo Phụ nữ

Chia sẻ