Gần 2 triệu phụ nữ chọn lối sống đơn thân
Hiện nay, tỉ lệ độc thân chiếm khoảng 2,5% dân số Việt Nam, trong đó chủ yếu là nữ giới với tỷ lệ 87,6% tổng số người độc thân
Đó là kết quả cuộc điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tổng cục thống kê, UNICEF và Viện Gia đình và Giới tiến hành.
Làm mẹ đơn thân chủ động có mà bị động cũng có. T.K (26 tuổi) tâm sự: Ban đầu là bị động sau là mình chủ động. Mình mang thai bị động rồi chủ động giữ con lại để nuôi. Bé của mình bây giờ mới được hơn 11 tuần tuổi nhưng tủi cực vô vàn. Mỗi tối, mình lang thang vào mục "cha mẹ đơn thân" để tiếp thêm dũng khí cho những ngày sắp tới, rất thương con, chưa ra đời mà đã phải chịu bao nước mắt, đắng cay của mẹ. Mình đã rất mong chờ một đám cưới, âm thầm vẽ lên bao viễn cảnh ấm áp sau này.
Hay như trường hợp M.M: Bạn bè nói mình không "bình thường" lắm vì thực sự không thấy cần đàn ông mà chỉ có nhu cầu được làm mẹ của không chỉ một mà vài đứa con. Mình thực sự không muốn liên quan, ràng buộc với bất kỳ một người đàn ông nào cả.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất: Không thể phủ nhận rằng hiện tượng các cô gái có trẻ con mà không có chồng xuất hiện ngày càng nhiều. Đầu tiên có thể kể đến là những cô gái quá lứa, cơ nhỡ nhân duyên tìm kiếm một đứa con để làm điểm tựa khi về già hoặc những cô gái trẻ thiếu hiểu biết mà trót dại. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở các khu công nghiệp hiện đại - những nơi tập trung rất nhiều lao động nữ, có quỹ thời gian làm việc khắc nghiệt và đồng lương eo hẹp.
Đây là môi trường khiến việc tìm kiếm bạn đời, xây dựng gia đình của những cô gái trẻ rất hạn hẹp. Họ thường là những bà mẹ bất đắc dĩ và ít khi có số phận sáng sủa khi lâm vào cảnh gia đình đơn thân. Đáng kể hơn có lẽ là những nữ tri thức trẻ thành đạt, vững vàng cả về tâm lý, tính cách, sự hiểu biết lẫn tiềm lực kinh tế. Những cô gái này rất chủ động trong việc sinh con một mình. Với nghề nghiệp, tri thức và cuộc sống hiện tại, các cô có đủ điều kiện để lo cho đứa con của mình một mái nhà tiện nghi, một điều kiện sinh hoạt đầy đủ và một môi trường sống đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, về mặt tâm lý, những cô gái này lại vấp phải nhiều vấn đề khá phức tạp. Họ không hẳn là thích sống cô đơn với một đứa trẻ mà thường họ là những người đã có một sự trải nghiệm nhất định trong cuộc sống của mình. Họ muốn khẳng định mình mà không muốn hệ lụy ai, ràng buộc vào điều kiện nào.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện giờ thì mô hình gia đình truyền thống xem ra vẫn còn khá nặng nề với mạng lưới các mối quan hệ trên dưới, trong ngoài phức tạp. Điều này tồn tại mâu thuẫn với tâm lý của những cô gái trẻ trong lòng đầy ăp những mong muốn về khung trời riêng, sự tự do cá nhân cùng những khao khát được thực hiện thiên chức làm mẹ.
Phụ nữ sau khi ly hôn thường chọn giải pháp sống đơn thân một phần vì nỗi ám ảnh cuộc hôn nhân trước, một phần lo cho con cái sau này sẽ phải chịu cảnh “cha dượng”. Số liệu chính thức do Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy tổng số vụ ly hôn năm 2008 tại Việt Nam lên đến 60.000 vụ. Điều đáng lo ngại là số vụ ly hôn tại nước ta lại có xu hướng tăng hằng năm và như mọi khi, số liệu chính thức chắc chắn chưa phản ánh đúng thực tế.
Tình trạng ly hôn sẽ tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của con cái. Khi cha mẹ ly hôn, đứa trẻ như một tờ giấy trắng đã bị “điền” vào một kinh nghiệm thật khủng khiếp, đó là sự xung đột không thể dung hòa giữa cha và mẹ - vốn là những người mà đứa trẻ xem như thần tượng và là những người yêu mến chúng hơn tất cả mọi thứ. Rồi sau đó, dù đứa trẻ sống với cha hoặc mẹ, nhân cách của chúng cũng không thể phát triển bình thường vì chúng chỉ được giáo dục, uốn nắn theo kiểu của mẹ hoặc cha mà thôi.
Nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học tội phạm cũng cho thấy những đứa trẻ sống trong gia đình đơn thân do ly hôn khi đến tuổi vị thành niên, thường có hành vi lệch lạc hoặc phạm tội cao hơn nhiều so với những đứa trẻ sống trong gia đình có đầy đủ cha và mẹ. Sở dĩ như thế là vì các gia đình đơn thân thường rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu sự giám sát và các kiểm soát chính thức đối với con cái và thiếu những tương trợ về mặt tâm lý-xã hội. Cho nên, đứa trẻ sống trong gia đình đơn thân thường gặp phải những vấn đề tâm lý nhiều hơn.
Chính vì vậy mà ly hôn luôn được xem như là một sự thất bại. Trước hết là thất bại của xã hội, bởi gia đình luôn được xem như là tế bào của xã hội. Thất bại kế nữa là của những đứa trẻ, vì chúng không được giáo dục một cách đầy đủ, toàn diện và được sống trong một gia đình có sự yêu thương chăm sóc của cả cha và mẹ để nhân cách được phát triển bình thường như chúng vốn có quyền được như vậy. Đó cũng là thất bại của cha và mẹ, bởi chính họ đã tự tay phá hủy điều mà họ đã cố công xây dựng. Và cuối cùng, ly hôn còn là một sự thất bại của lòng khoan dung giữa những người vốn được xem là có thể sống - chết vì nhau.
Ai cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, tuy nhiên đối với những người mẹ một mình nuôi con, việc đi bước nữa gặp rất nhiều trở ngại. Một mái ấm đầy ắp tiếng cười vẫn còn là ước mơ của nhiều bà mẹ đơn thân.
Bảo Chi (Tổng hợp)