Nỗi niềm người đi thuê nhà

KP,
Chia sẻ

“Giá xăng dầu tăng nên giá nhà cũng phải tăng, nếu không chấp nhận thì tìm chỗ khác mà thuê!”

Chị Thuý (Nam Định) thuê được một căn hộ ở Thanh Xuân, cứ nghĩ ký hợp đồng dài hạn là yên tâm. Vậy mà nhà thuê mới được hơn năm, con mới sinh được 4 ngày thì bà chủ nhà vào báo sang tháng sẽ lấy lại nhà cho con trai chuẩn bị cưới vợ. “Hai vợ chồng chỉ có 10 ngày để vừa tìm nhà vừa chuyển, có thể mình sẽ cho con về quê mấy tháng. Chuyện nhà cửa để ông xã và mấy người bạn lo hộ.”.

Thuý ngán ngẩm tâm sự: “Không biết khi nào mới có được một chỗ thuê lâu dài và ổn định. Ở thuê như vậy họ đòi nhà bất cứ khi nào họ muốn kể cả khi có làm hợp đồng. Còn mua nhà ư, điều đó vượt xa tầm tay của cả hai vợ chồng!” 

Đang ở văn phòng anh P (Công ty taxi CP) nhận được điện thoại của vợ: “Anh kiếm nhà gấp đi, bà chủ nhà vừa báo cuối tuần sẽ thu nhà để xây biệt thự!”.  

Khu nhà hiện anh P đang thuê có khoảng 10 phòng có cả sinh viên lẫn hộ gia đình sinh sống. Với sinh viên, việc tìm được một căn phòng đủ điều kiện để sinh hoạt, học tập đã khó nói chi tới việc tìm một căn phòng tươm tất để một gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con như gia đình anh sinh sống.  

Với mức tổng thu nhập của cả hai vợ chồng là 5 triệu đồng/ tháng thì phải chi tiêu tiết kiệm lắm thì những gia đình như gia đình anh P mới đủ trang trải cho cuộc sống. “Với sự leo thang giá cả như  hiện nay việc tìm được một căn hộ như ý là điều rất khó khăn” – anh P cho biết  - “Tôi đã phải nhờ người quen và bạn bè tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm được căn nhà nào cho hợp lý, hạn cuối đã sắp đến rồi!”.  

Trường hợp của chị Thuý và anh P chỉ là vài trong số hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình công chức đang có nhu cầu cấp bách về vấn đề nhà ở. Khả năng kinh tế eo hẹp nên họ chỉ có thể thuê lại những căn hộ chung cư kiểu cũ của những người hiện chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc tại các khu nhà được xây dựng rất tiết kiệm về diện tích theo nhu cầu thuê nhà của người ngoại tỉnh. Các khu nhà đó thường tập trung ở khu vực Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Phùng Khoang… nơi có một lượng lớn sinh viên và người ngoại tỉnh sinh sống. 

Các phòng ở kiểu này thường được xây dựng một cách tiết kiệm, diện tích một phòng nhỏ được gọi là “khép kín” dao động trong khoảng 12 –20m2. Mỗi một xóm trọ có khoảng 5 – 20 phòng, với nhiều thành phần khác nhau: công chức, sinh viên, lao động tự do... nên nếp sinh hoạt cũng không ai giống ai. Dương (Bắc Ninh) cho biết: “Đôi khi đi làm về mình rất mệt chỉ muốn ngủ sớm một chút nhưng không thể vì rất ồn. Giờ còn son rỗi nên chấp nhận nhưng chỉ vài tháng nữa nhà có thêm thành viên nhí không biết sẽ ra sao?” 

Ông cha ta đã từng có câu “an cư lạc nghiệp” tuy nhiên người thuê nhà luôn phải chịu những áp lực về giá cả, điện nước và cả “sự thất thường” của chủ nhà. “Giá xăng dầu tăng nên giá nhà cũng phải tăng, nếu không chấp nhận thì tìm chỗ khác mà thuê!” – Dương mới phải chuyển đến khu Xuân Đỉnh cho dù phải đi làm xa hơn đến 5km, bởi không chịu được cảnh tăng giá nhà theo “thị trường xăng” của bà chủ nhà trọ cũ.  

Tâm lý người Việt hầu như ai cũng muốn có cho mình một mái nhà thực sự là của riêng mình. Tuy nhiên với giá một căn hộ hay giá một miếng đất có thể nói là “ngất ngưởng” đối với nhiều hộ gia đình. Cũng như vấn đề xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn đang bế tắc với hàng chục dự án chưa được triển khai thì giải pháp đi thuê nhà theo kiểu nhỏ lẻ vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất đối với các hộ gia đình.  

“Ở đây có thể ở lâu dài vì khu nhà mới xây này là nguồn thu nhập chính của gia chủ. Tuy có ồn một chút nhưng nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và chắc không có tình trạng xăng tăng giá, lương tăng thì giá nhà cũng sẽ tăng theo!” – Dương nói “cảnh đi thuê nên chịu vậy thôi, biết đến bao giờ mới có được một căn nhà theo ý mình.”
 
 
K.P
Chia sẻ