Công chức oằn mình mua nhà

Duy Khanh,
Chia sẻ

Gần chục năm đi làm, đến giờ vợ chồng anh Hùng vẫn chưa dám nghĩ tới chuyện mua nhà. Có được một căn nhà ở Hà Nội luôn là niềm mơ ước của cả gia đình.

Cả đời dành dụm

Căn hộ tập thể chưa đầy 30 mét vuông, trên tầng bốn mà cả nhà anh Hùng đang ở, thuê với giá 1,7 triệu/tháng chưa kể điện nước, tiền vệ sinh, gửi xe,…Hai vợ chồng quê ở tận Thái Bình, gia đình nội ngoại cũng không có điều kiện nên anh chị vẫn phải đi thuê nhà ở.  

Tổng cộng thu nhập của hai vợ chồng hơn sáu triệu nhưng các khoản chi tiêu luôn vượt quá định mức nên để dành tiền mua nhà đối với anh chị luôn là điều rất khó khăn. Anh Hùng tâm sự: “Đi làm có tiền mua nhà là điều không thể. Đồng tiền ngày càng mất giá trong khi đồng lương không tăng. Bên cạnh đó có bao nhiêu việc phải chi từ đi chợ hàng ngày đến các tiền học hành con cái, chưa kể đám cưới, ma chay,.. Chi tiêu vừa đủ là may rồi, chứ để dành chút tiền mua nhà thì chật vật”. 

“Mua nhà đó là mơ ước quá xa xôi, với mức lương hiện nay của mình hiện nay. Cõ lẽ chỉ có trúng xổ số mình mới có nhà ở HN, mà chị lại không chơi xổ số. Nếu thu nhập trên ba triệu, mình cũng không nghĩ tới điều đó” Chị Mai Hương, công ty dịch vụ Hải Vân cho biết.  

Gia đình chị có bốn thành viên đang thuê ở tận Hà Đông. Mặc dù xa chỗ làm của cả hai vợ chồng nhưng vẫn phải cố gắng bớt được khoản chi tiêu. Chị cho biết thêm: “Lúc mới cưới, hai vợ chồng thuê nhà sinh viên tầm 5, 6 trăm một tháng, chưa đầy 12 mét vuông. Nhưng ở chung cũng phức tạp lắm, rồi có con cái đành phải thuê nhà riêng. Để tìm được nhà rộng mà rẻ đành phải ở vùng ngoại thành. Bạn mình còn thê ở tận Ba La, Cổ Nhuế, Gia Lâm,..”. 

Theo chị Hương, khó khăn nhất là việc học hành của con cái. Không có nhà, không có hộ khẩu nên các cháu muốn vào trường công lập là điều không thể, đành phải chấp nhận học dân lập, cho các cháu về quê thì không yên tâm. 

Còn vợ chồng Mai (công ty thương mại Phúc Khánh) đều là người Hà Nội nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện mua nhà riêng. Hai vợ chồng sống cùng ông bà nội. Nhà có mấy anh em ở cùng, ba thế hệ, nhiều lần bất tiện nhưng đành phải chấp nhận. “Hai vợ chồng có dành được chút ít. Hôm vừa rồi đi xem nhà, ai ngờ giá cao quá. Căn hộ tầng bốn khu tập thể mà hơn một tỷ. Cả hai vợ chồng ngậm ngùi tiếc nuối”.  

Theo tính toán của chị Mai, mỗi tháng để ra được hơn hai triệu. Nếu cứ đều đều như vậy để đủ tiền mua một căn nhà bình thường tầm 500, 600 triệu thì mất khoảng 30 năm nữa mới đủ tiền mua.  

Ước mơ xa vời 

Theo báo cáo của tổng liên đoàn lao động Việt Nam, có đến 1/3 trong tổng số cán bộ công chức, viên chức cả nước chưa có nhà riêng. Ngoài ra, còn khoảng 1 triệu lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên toàn quốc đang phải ở trọ trong những khu nhà chật chật, điều kiện thấp kém do các hộ dân xây dựng ở gần khu công nghiệp. 

Hiện giá nhà ở tại các đô thị, nơi tập trung đông cán bộ công nhân viên chức và lao động, lên tới hàng chục triệu đồng một mét vuông. Các chung cư cao tầng, khu đô thị mới xây dựng đều không phù hợp với thu nhập của người lao động. Giá một căn hộ Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính khoảng 22 triệu/m2; Khu đô thị mới xa trung tâm như An Khánh (Hà Tây) có giá từ 20 triệu đồng/m2; Khu đô thị mới Văn Quán khoảng 16 triệu/m2, biệt thự liền kề, nhà vườn gần đường lớn tại khu Mỹ Đình, Từ Liêm 70 triệu đồng/m2 và nhà chung cư tại khu vực này khoảng 22 triệu đồng/m2...”. 

Một số ngân hàng có chính sách cho cán bộ mua nhà trả góp. Tuy nhiên vấn đề thủ tục nên rất ít công chức có điều kiện để mua nhà theo kiểu này. Các dự án của chính phủ về xây dựng nhà cho công chức có thu nhập thấp vẫn chưa khả thi, giá nhà chung cư rất cao nên đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và lao động ở doanh nghiệp có thu nhập thấp không thể mua được. 

Theo các chuyên gia đầu tư bất động sản, giá nhà đất thời điểm này có giảm so với thị trường hồi năm ngoái. Mặc dù vậy trong thời bão giá hiện nay thì việc mua nhà vẫn là ước mơ khó có thể thực hiện được với các công chức.

 

Duy Khánh
Chia sẻ