Nỗi niềm "cơm niêu nước lọ", thức hay ngủ cũng ở tư thế thai nhi trong ngôi nhà tí hon giữa phố cổ Hà Nội
25 năm qua, sống trong ngôi nhà tí hon có diện tích vỏn vẹn 2,5m2, cao chưa đầy 1,4m nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phố Thuốc Bắc, người trong nhà muốn di chuyển phải bò hoặc đi bằng đầu gối, tối ngủ phải nằm nghiêng.
Ông Chu Văn Cao (70 tuổi) chính là chủ nhân của căn nhà tí hon "có một không hai" này. Căn nhà có chiều rộng 1m, dài 2,5m và cao vỏn vẹn 1,4m. Nói là nhà cho sang miệng, thực chất nó chỉ là gác xép, diện tích hơn 2 mét vuông. Nhà không có cửa, và tất cả sinh hoạt, ngủ nghỉ của hai cha con ông Cao đều diễn ra ở "tổ ấm" này.
Chiếc cầu thang cũ kỹ chỉ vừa cho 1 người dẫn lên ngôi nhà tí hon.
Chiếc cầu thang cũ kỹ nhìn thẳng vào căn nhà không có cửa.
Ngôi nhà mà được ông Cao nói đùa là đã được bảo hiểm hoàn toàn vì chẳng trộm nào thèm ngó ngàng đến.
Ông Cao cho hay, căn nhà này vốn là nơi chứa đồ gắn liền với căn phòng 16m2 ở tầng 1. Ông và con trai (sinh năm 1988) sống ở đây đã 25 năm. Hỏi vợ ông đâu, hỏi lý do mà ông đã tuổi cao mới có con, rồi chuyện bao năm trời sống trong ngôi nhà tí hon, ông chăm con kiểu gì, con ông học hành ra sao... ông chỉ cười buồn, khẽ thở dài như không muốn khơi lại những uẩn khúc trong lòng.
Do diện tích phòng nhỏ nên đồ đạc của ông già 70 tuổi chỉ đơn giản là vài bộ quần áo, bình nước, gương, lược và sách báo. Ông hóm hỉnh bảo, trong phố cổ lắm nhà nhỏ, nhưng tí hon như nhà ông thì chắc là độc nhất vô nhị, lập kỷ lục nhỏ nhất Việt Nam chứ chẳng chơi.
Mọi đồ dùng trong nhà đều được ông Cao gói ghém gọn gàng
Căn nhà chỉ cao 1,4m, trong căn nhà này, 25 năm qua ông chưa một lần đứng thẳng được.
Việc vệ sinh, tắm rửa hàng ngày, ông đều dùng chung khu nhà vệ sinh công cộng. Những ngày nắng nóng, căn phòng của ông như lò thiêu, tuy vậy, ông Cao vẫn hài hước cho rằng: "Tôi ở đây quen rồi, mọi người thấy nóng nhưng tôi thấy… ấm lắm!".
Vì diện tích phòng quá chật nên khi ngủ hai bố con phải nằm nghiêng mới đủ chỗ. Trần nhà thấp, mỗi lần mặc quần áo, ông đều phải khom lưng hoặc nằm ra sàn mới mặc được.
Cho dù mặc quần hay mặc áo thì ông cũng phải làm trong tư thế ngồi.
Chiếc giá sách đã cong, nứt này là chiếc tủ quần áo của cha con ông.
Ông Cao cho hay, mỗi bữa cơm ông chỉ ăn khoảng 10.000 đến 15.000 đồng ở vỉa hè, nhưng "với tôi ngon chẳng kém khách sạn hạng sang". Con ông cũng theo cha sống cảnh "cơm niêu nước lọ" từ bé, vì nhà chẳng có chỗ mà ngủ, đừng nói đến chuyện bếp núc, chưa kể đến chuyện còn vắng bóng đàn bà.
Ông Cao có một thú vui từ rất lâu và duy trì cho đến tận bây giờ, đó là đọc sách báo mỗi ngày. Đối với ông, việc đọc không chỉ dừng lại ở nhu cầu tìm hiểu tin tức mà sách báo còn là người bạn tâm giao theo ông suốt mấy chục năm trời. Căn nhà của ông không chỉ bé mà còn không có điện, không có nước. Thấy vậy, hàng xóm đã mắc cho ông Cao một đường điện để sử dụng quạt, đèn chiếu sáng.
Món ăn tinh thần của ông hàng ngày đó là những tờ báo được hàng xóm hay những chủ quán ăn tặng ông.
Thân hình gầy gò của ông lão 70 tuổi và những nếp nhăn của thời gian gắn liền bao năm tháng trong căn nhà hơn 2m2.
Căn phòng với nguồn sáng duy nhất là chiếc đèn đọc sách.
Căn nhà không một chiếc bàn, không một chiếc ghế, gần như không bao giờ có khách, còn chủ nhân của nó lúc nào cũng ngồi với tư thế ôm gối.
Do không có lương hưu, đến nay ông Cao cũng đã 70 tuổi nhưng ông vẫn phải đi làm việc kiếm thêm thu nhập. Việc làm của ông cũng không cố định, nay làm ở quán cà phê, mai đi phụ việc ngoài...
Điều trăn trở duy nhất với ông là cậu con trai sắp đến tuổi lập gia đình, chẳng biết sẽ sống sao. "Căn nhà nhỏ hẹp này khiến con trai tôi tự ti, ngày càng khép kín, không thích tiếp xúc với mọi người. Sau này khi nó lấy vợ, tôi khuyến khích cháu ra ngoài hơn là ở nhà".
Hàng ngày mọi sinh hoạt của ông đều gắn liền với con ngõ nhỏ, chiếc cầu thang nhỏ và căn nhà nhỏ.
Ông đang chuẩn bị đi làm nuôi thân, vì chẳng có lương hưu.
Đến cuối cuộc nói chuyện ông Cao cười và nói: "Tuổi già rồi, mọi người giúp gì tôi nhận, nhưng tôi không mong mỏi hay trông chờ gì nhiều, tự bản thân tôi hiện vẫn còn đủ sức khỏe để lo cuộc sống cho mình. Trông thế thôi chứ tôi còn hạnh phúc hơn đầy người, vì còn có chỗ trú chân, có thể kiếm cơm ăn, có sách báo đọc mỗi ngày. Ngoài kia nhiều người khổ hơn tôi, họ cũng có than vãn gì đâu!".