Nỗi khổ của một "sếp phó"
Nhiều người cho rằng ở vị trí giữa là người chịu ít áp lực hơn, ít công việc hơn nhưng Maxcell lại cho rằng ngược lại. Đây là những người phải đội nhiều “chiếc mũ” nhất trong bất kỳ tổ chức nào.
Có rất nhiều cuốn sách viết về nghệ thuật lãnh đạo ở vị trí đứng đầu nhưng hiếm có cuốn sách nào khai thác, phân tích về công việc của một lãnh đạo ở vị trí số 2 hay còn gọi là lãnh đạo cấp trung. Cuốn sách The 360° Leader (tạm dịch: Nhà lãnh đạo 360°) của John Calvin Maxcell là một trong số hiếm đó.
Trong bất kỳ tổ chức nào, vị trí lãnh đạo cấp cao chỉ có một nhưng lại có những người ở tầm giữa vẫn muốn lãnh đạo và đóng góp cho tổ chức. Họ không phải là những nhân viên dở nhất, nhưng cũng không phải là người đứng đầu.
Nhiều người cho rằng ở vị trí giữa là người chịu ít áp lực hơn, ít công việc hơn nhưng Maxcell lại cho rằng ngược lại. Đây là những người phải đội nhiều “chiếc mũ” nhất trong bất kỳ tổ chức nào.
Những người ở vị trí thấp nhất tổ chức
Khi ở vị trí thấp nhất, mọi người thường luôn được giao cho một số việc nhất định. Những việc này có thể khá khó khăn, làm hao tổn trí lực hoặc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Nhưng phần lớn thời gian, chúng chỉ yêu cầu một “chiếc mũ”.
Ví dụ, nhờ Henry Ford, các công nhân trong dây chuyền sản xuất chỉ có một việc để làm, và họ cứ thực hiện điều đó lặp đi lặp lại. Hay như những điện thoại viên chỉ làm một việc chính là giao dịch với khách hàng hay bán sản phẩm, lên lịch cuộc hẹn, giải quyết vấn đề. Tuy nhiên những vị trí này chỉ đòi hỏi một kiểu kỹ năng. Tất nhiên không phải ai cũng có thể hoàn thành xuất sắc, nhưng đòi hỏi phải thật tập trung vào một trách nhiệm.
Người nắm rõ và làm tốt công việc của mình có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Họ có thể toại nguyện với công việc và gặt hái thành công. Nhưng nếu họ chỉ làm được một việc hoặc sẵn sàng làm duy nhất một việc, họ sẽ khó được “leo cao” như các lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo đòi hỏi khả năng hoàn thành tốt mọi việc.
Những người đứng đầu tổ chức
Lãnh đạo đứng đầu tổ chức phải đối mặt với những thách thức riêng. Ví dụ, họ phải chịu trách nhiệm về sự thành công hoặc thất bại của cả tổ chức, vốn là điều hiển nhiên. Nhưng họ cũng có một đặc quyền mà lãnh đạo cấp trung không có là được lựa chọn việc làm. Họ xác định ưu điểm của mình, chú trọng vào nó, dồn hết thời gian và sức lực vào những thứ có lợi nhất cho tổ chức. Những việc còn lại họ ủy quyền cho người khác hoặc gạt đi.
Để trở thành lãnh đạo, mọi người phải có khả năng làm tốt nhiều việc, nhưng để trở thành lãnh đạo đứng đầu, họ làm ít việc hơn nhưng phải làm cực kỳ xuất sắc. Trên thực tế, những lãnh đạo thành công hiểu rõ điều này khi chuyển từ cấp trung lên đứng đầu tổ chức.
Những người ở vị trí giữa tổ chức
Trái ngược với hai vị trí trên, lãnh đạo cấp trung trải qua thách thức “nhiều mũ” hàng ngày. Họ phải được đặt kỳ vọng từ cấp trên, khách hàng, cấp dưới và thậm chí cả người bán hàng. Với nguồn lực và thời gian có hạn, họ phải giải quyết hàng loạt những ưu tiên. Ví dụ như vị trí bếp phó trong một nhà hàng vừa phải làm những công việc đặc thù riêng, điều hành nhà bếp. Mỗi lần nhận một phiếu đặt món, người này phải nói với từng đầu bếp biết phải nấu món gì sau đó sắp xếp lại tất cả các món và hỗ trợ phục vụ bàn, làm hài lòng thực khách.
Tuy không phải nấu nướng chính nhưng bếp phó có trách nhiệm đặt hàng thực phẩm và thức ăn với những người bán hàng. Anh ta ưu tiên chất lượng và giá cả, những người bán hàng cũng kỳ vọng vào anh ta. Họ muốn trao đổi việc mua bán và cũng muốn anh ta dành thời gian cho họ.
Tất nhiên bếp phó phải chịu trách nhiệm với bếp trưởng hoặc chủ nhà hàng. Rõ ràng nếu người này còn ở vị trí đầu bếp đơn thuần thì anh ta chỉ đội một “chiếc mũ”. Chính vì những thách thứ “nhiều mũ” là một trong những lý do khiến mọi người không muốn leo cao. Nhiều công nhân không muốn có những cơn đau đầu như các lãnh đạo. Họ quyết định yên vị, làm ít việc và không đội quá nhiều “mũ”.