Nói gì khi bị con hỏi "Tại sao bố nằm lên người mẹ?", nhà văn Hoàng Anh Tú mách nước cực đơn giản
Nhà văn Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ về cách bố mẹ nên xử lý, nói chuyện ra sao với con khi rơi vào tình huống nhạy cảm này.
Không ít bậc cha mẹ từng rơi vào tình huống đỏ mặt khi bị con bắt gặp đang trong hoàn cảnh nhạy cảm. Nhiều trẻ vì tò mò nên ngây ngô hỏi bố mẹ những câu như "Bố mẹ đang làm gì thế?"; "Tại sao bố lại nằm lên người mẹ?"... Trong trường hợp này, bố mẹ cần có cách xử trí khéo léo, tránh quát mắng ngược lại con, bởi nó sẽ khiến trẻ càng thêm tò mò hơn.
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, Nhà văn Hoàng Anh Tú đã có lời khuyên gửi đến các bậc cha mẹ cách xử lý tình huống nhạy cảm này. Lời khuyên của anh đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ độc giả:
"Sao bố lại nằm lên người mẹ?
Tôi thì chưa bao giờ phải đối diện với câu hỏi này vì ở nhà tôi, bố mẹ vào phòng con hay con vào phòng bố mẹ luôn gõ cửa chứ không phải cứ mở thẳng cửa mà vào. Tôi nghĩ các cha mẹ nên tập thói quen đó từ chính bản thân mình đầu tiên. Và một đứa trẻ từ 3 tuổi đã phải được dạy điều đó chứ không phải đến tận 7, 8 tuổi mới dạy.
“Sao bố lại nằm lên người mẹ” ở 3 tuổi sẽ cần câu trả lời khác so với 5 tuổi, 7 tuổi, 9 tuổi và 13 tuổi. Trên 13 tuổi mà vẫn hỏi câu đó thì bố mẹ có lỗi lớn lắm khi con 13 tuổi mà vẫn hỏi câu đó. Khi đứa trẻ 13 tuổi trở lên, việc vào phòng bố mẹ mà không gõ cửa đã là bất lịch sự, nhìn thấy cảnh giường chiếu của bố mẹ mà không biết bố mẹ đang làm gì thì nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao. Thế nên, nếu cha mẹ nào có con trên 13 tuổi xin hãy bỏ qua bài viết này và gấp rút dạy lại con từ đầu.
Một đứa trẻ 3 tuổi khi hỏi: “Sao bố lại nằm trên người mẹ” thì thứ chúng muốn nghe không phải là những lời nói dối kiểu “Bố mẹ đang đùa nhau” hay “Bố mẹ đang chơi trò chơi abc- xyz của người lớn”. Làm ơn, bạn nên nhớ, việc dạy con về giới tính phải được bắt đầu từ năm trẻ 3 tuổi. Đừng coi nhẹ việc này. Nhưng giáo dục giới tính với trẻ 3 tuổi lại càng không phải là “Bố với mẹ đang sản xuất em bé”. Nếu bạn không muốn con bạn đi rủ bạn bè của bé leo lên người nhau chơi trò “sản xuất em bé”.
Tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta cần chia sẻ với con về tình yêu của người lớn. Đó là khoảnh khắc âu yếm giữa bố với mẹ. Ở độ tuổi nào chúng ta sẽ có cách âu yếm riêng dành cho người mà ta yêu thương. Như nếu con yêu quý bạn nào trong lớp, ở độ tuổi của con, cử chỉ đó sẽ là gì? Khi con lớn hơn, 6 tuổi, con sẽ có những cử chỉ thế nào?
Con trên 18 tuổi con sẽ như bố mẹ. Đây cũng là dịp để chúng ta nói với con về cách biểu thị tình cảm của mình với những người chúng ta yêu quý. Trẻ 3 tuổi chưa cần biết đến tình dục nhưng rất cần biết đến tình yêu - thứ yêu thương đặc biệt cao hơn tình bạn một xíu. Nói chuyện với một đứa trẻ 3 tuổi, cha mẹ không nên nói quá chi tiết. Hãy coi mọi chuyện rất bình thường. Trẻ 3 tuổi hay quên và không có nghĩa vụ phải nhớ mãi, ấn tượng mãi chuyện bố nằm lên người mẹ. Hãy coi đó là chuyện bình thường như đi học được phiếu bé ngoan vậy.
Khi con bạn 5 tuổi, 7 tuổi, mọi thứ bắt đầu phiền hơn nữa đấy! Trước câu hỏi: "Sao bố nằm trên người mẹ", thứ chúng muốn nghe lúc đó là những giải thích hợp lý chứ không phải chỉ là chuyện quấy quá cho qua hay những cách mà các “chuyên gia tâm lý” trên mạng đang dạy: Nói với con “mẹ đang đau lưng nên bố đấm lưng cho mẹ”.
Nói dối trẻ dù ở bất cứ một lứa tuổi nào cũng là điều không nên, nhất là những câu chuyện nhạy cảm về giới tính như thế này. Chúng ta cần một cuộc trò chuyện nghiêm túc nhưng không nghiêm trọng. Có nghĩa là cuộc nói chuyện đó nên thoải mái nhất có thể.
Cha mẹ càng trò chuyện thoải mái ra sao sẽ càng khiến sự ảnh hưởng tâm lý của con khi phải chứng kiến những hình ảnh đó sẽ được giảm đi nhiều. Hãy nói với con như thể đó là chuyện thường ngày của những cặp vợ chồng yêu thương nhau. Như nụ hôn. Như những cái ôm. Tất cả các bố mẹ đều làm như thế. Sau này khi con lớn lên, con cưới vợ, cưới chồng, con cũng sẽ làm thế.
Cha mẹ cũng không cần phải đi sâu vào việc “như thế có nghĩa là như thế nào” mà chỉ cần chia sẻ với con về niềm hạnh phúc của mình. Nếu con bạn hỏi quá chi tiết, dồn bạn vào những câu hỏi khó đỡ, hãy hẹn con trò chuyện vào dịp khác. Lúc này, bạn cần đi tìm thêm những kiến thức sâu hơn và chia sẻ với con như một bài học về giới tính ở độ tuổi 5-7 của con.
Và thật khủng khiếp nếu con bạn 9 tuổi! Trong tình huống này, việc bị bắt gặp trong tình trạng này có thể sẽ để lại những di chứng xấu cho nhiều trẻ. Tất nhiên, nếu cách mà bạn trả lời chúng là sự giận dữ, quát mắng (vì bạn đang xấu hổ điên lên được). Tôi vẫn khuyên các bậc cha mẹ luôn phải giữ bình tĩnh. Vẫn như với các con tuổi 5-7, hãy có cuộc trò chuyên nghiêm túc nhưng không nghiêm trọng.
Lúc này cũng là lúc chúng ta sẽ nói với con về tình yêu và tình dục. Tình yêu là cảm xúc giữa nam với nữ. Tình dục là một phần trong tình yêu, khi hai con người ấy đủ chín chắn, trưởng thành và chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Là khi họ có những cam kết lâu dài với nhau. Như bố và mẹ.
Luôn không là quá sớm để nói với các con về giới tính, về tình yêu và tình dục. Với mỗi độ tuổi, hãy chia sẻ với trẻ những kiến thức khoa học theo khả năng tiếp nhận của trẻ. Cha mẹ nên tập vượt qua những nỗi ngại ngần, xấu hổ của chính bản thân khi nói chuyện với con. Các bạn là cha, là mẹ, là những người chịu trách nhiệm với sự trưởng thành của con kia mà? Kiến thức của cha mẹ càng sâu và rõ bao nhiêu sẽ càng giúp con bạn an toàn hơn bấy nhiêu. Vì thế đừng xấu hổ!
Và cuối cùng, dù ở độ tuổi nào, khi bị con bắt gặp lúc đang làm chuyện ấy, xin hãy nhớ giùm tôi những nguyên tắc này:
1. Bình tĩnh! Bình tĩnh! Bình tĩnh!
2. Không quát mắng- to tiếng hay đuổi cổ con cái ra khỏi phòng
3. Hãy hỏi con lý do vì sao vào phòng bố mẹ? Có khi con cái vào cũng đã đâu thấy gì đâu, chúng chỉ muốn hỏi những câu chuyện khác. Chỉ là cha mẹ có tật giật mình mà cuống hết cả lên
4. Hãy có những cuộc trò chuyện với con ngay sau đấy. Nghiêm túc nhưng không nghiêm trọng. Hãy ôm trẻ khi nói chuyện hoặc thật gần gũi, thoải mái nhất. Đừng bịa tạc ra bất cứ một câu chuyện dối trá nào với trẻ.
5. Hãy dạy trẻ gõ cửa phòng trước khi vào và chính bạn cũng nên tập thói quen đó.
6. Hãy luôn giữ “chuyện ấy” của 2 bạn riêng tư nhất có thể!".
Vài nét về tác giả:
Hoàng Anh Tú sinh ngày 3/10/1978, là một cái tên rất quen thuộc với các độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả trẻ. Anh từng là bút trưởng (thế hệ thứ ba) của hội bút Hương đầu mùa, và giữ mục Công ty Divu với tên gọi Chánh Văn trên tuần báo Hoa học trò từ năm 2000-2012.
Hiện tại, nhà văn Hoàng Anh Tú sống hạnh phúc với vợ Nguyễn Lê Trang và có 3 con là con trai Gia Bách, con gái Trà My, con gái út Phương Nguyên. Anh thường xuyên chia sẻ quan điểm về tình yêu, cuộc sống gia đình và cách nuôi dạy con cái.
Cùng theo dõi các bài viết của nhà văn Hoàng Anh Tú TẠI ĐÂY