Nỗi cay đắng của công nhân khi công ty nợ bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khiến nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - dù con của họ đã lớn; có những gia đình hơn 10 năm vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp tử tuất của người thân.
Chiều 21-7, tại Hà Nội, Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật, tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của NLĐ bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc". Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và ông Nguyễn Quang Dũng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, chủ trì hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trong thời gian qua, vẫn còn rất nhiều DN nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Việc người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc khiếnNLĐ không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút BHXH một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu
DN nợ đóng, trốn đóng BHXH là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an sinh xã hội, khiến xã hội không thể phát triển bền vững. Do đó phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc là sự đòi hỏi khách quan, bức thiết.
Tại hội thảo, chị Nguyễn Thị Huyền, quản đốc phân xưởng may, nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex, đã bật khóc khi kể về những cảnh đời công nhân.
Chị Huyền cho biết Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương công nhân từ tháng 10-2016 và nợ BHXH từ tháng 7-2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. Tính đến trước tháng 3-2023, số tiền Công ty này nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỉ đồng.
6 năm ròng rã, công nhân đi tìm gặp lãnh đạo Công ty Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (cả trước và sau khi cổ phần hoá), đều nhận được câu trả lời của lãnh đạo là doanh nghiệp rất khó khăn, chưa có tiền chi trả cho NLĐ.
Do nợ công ty BHXH nên không có bảo hiểm y tế cho NLĐ. Chính vì vậy, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hàng trăm lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số 500 công nhân bị nợ lương, nợ BHXH, có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Huyền đã bật khóc vì xúc động khi kể lại nỗi khổ của công nhân
Kể về hoàn cảnh của chị Là, sinh 2 con vào năm 2016 và 2017, nhưng đến trước tháng 3-2023, vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của chị Là đã lớn.
Buồn hơn, chị Ngân là em gái chị Là, chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo từ năm 2012, nhưng đến trước tháng 3-2023, gia đình chị vẫn chưa nhận được chế độ tử tuất.
"Để có tiền làm đám tang cho chị Ngân, gia đình đã đến BHXH huyện Gia Lâm làm các thủ tục để lĩnh chế độ tử tuất. Tuy nhiên, phía BHXH cho biết do công ty vẫn nợ tiền BHXH, nên cơ quan BHXH không thể hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để chi trả".
Chị Huyền cho biết khi đó với vai trò quản đốc phân xưởng may, chị thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình chị Ngân, nên đã thông báo lên loa vận động mọi người hỗ trợ 1 ngày lương của mình cho gia đình chị Ngân để lo hậu sự. "Đó là năm 2012, con chị Ngân lúc ấy mới khoảng 3 tuổi. Tôi vẫn nhớ rất rõ"- nói đến đây, chị Huyền đã bật khóc.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của NLĐ vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Không chỉ vậy, tình trạng này còn gây ra sự bất công, không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp.
Ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị thiết chế hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng nợ BHXH hiện tại; đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, có tiếng nói trong quá trình xây dựng pháp luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.
"Không mong muốn hình sự hoá hành vi này, nhưng cố tình trây ì thì phải tìm ra và xử lý nghiêm, làm gương cho các đối tượng khác" – ông Hiểu nói.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết tổng số đơn vị chậm đóng BHXH toàn quốc tính đến tháng 6-2023 là 302.372 đơn vị. Tổng số lao động tại các đơn vị chậm đóng là hơn 4,5 triệu lao động. Tính đến ngày 31-5, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 15.848 tỉ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu. Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là số tiền chậm đóng BHXH tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHXH của NLĐ tại các DN này.