Nợ BHXH kéo dài, đời sống công nhân càng thêm lao đao
Trên địa bàn TP.HCM có hàng chục ngàn doanh nghiệp chây ỳ, chậm đóng BHXH với số tiền lên đến hơn 4.568 tỷ đồng. Cuộc sống công nhân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi không chốt được sổ, cũng không có thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Ngành chức năng đề xuất có chế tài mạnh hơn để xử lý, kiểm soát được tài sản của doanh nghiệp nợ BHXH, để bảo vệ quyền lợi người lao động
Doanh nghiệp nợ BHXH khiến công nhân không có chế độ thai sản
Sau khi sinh con, chị Mai Thị Trang mới biết, Công ty TNHH Asia Garment đã ngưng đóng tiền BHXH cho mình từ hơn 2 năm trước. Do không được đóng BHXH, chị Trang không có thẻ BHYT để thanh toán chi phí sinh con, không được hưởng chế độ thai sản.
Chị Mai Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Asia Garment nói: “Lúc đi khám thì công ty cứ kêu là cứ đi khám đi rồi lấy giấy vào đây công ty thanh toán. Mà chờ gần hai năm trời rồi con được hai tuổi đi học rồi. Công nhân nghèo, mình không làm gì được người ta hết nên công nhân phải chịu thôi. Mình cũng bức xúc, với lại mình cũng khó khăn quá, cho nên thấy họ đi kiện thì cũng làm theo xem có được đồng nào không”.
Đến hết tháng 4/2023, Công ty TNHH Asia Garment chậm đóng BHXH hơn 9,548 tỷ đồng, trong đó lãi chậm đóng là 2,473 tỷ đồng. Công ty này cũng đã bị UBND TP.HCM xử phạt 150 triệu đồng.
Để “đòi nợ” cho người lao động, Liên đoàn Lao động quận Tân Bình đã hướng dẫn người lao động thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, sau một thời gian dài nộp đơn, cả trăm công nhân khởi kiện cùng chị Mai Thị Trang giờ đã quá mệt mỏi nên phần lớn đã bỏ cuộc.
Asia Garment chỉ là một trong 58.878 doanh nghiệp chậm đóng BHXH bắt buộc trên địa bàn TP.HCM. Tổng số tiền chây ỳ, chậm đóng của các đơn vị này là hơn 4.568 tỷ đồng, chiếm 5,31% so với kế hoạch thu.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, cơ quan BHXH cũng thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của doanh nghiệp trên địa bàn, tham mưu các văn bản để thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng.
Cơ quan BHXH cũng thực hiện đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản, điện thoại…
Dự kiến trong năm 2023, BHXH TP.HCM sẽ thanh tra, kiểm tra 3.174 cuộc đối với các đơn vị để xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được phát hiện.
Ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết: “Đối với đơn vị có phát sinh nợ mà có dấu hiệu trốn nóng thì chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đột xuất. Sau khi thanh tra thì chúng tôi kiên quyết xử phạt về hành hành chính các đơn vị nợ và cố tình không đóng cho người lao động. Ngoài ra, những đơn vị mà sau khi xử lý vi phạm hành chính và các thủ tục liên quan nhưng vẫn cố tình tiếp tục vi phạm thì chúng tôi sẽ chuyển cái hồ sơ sang cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Đến nay, cơ quan BHXH TP.HCM đã chuyển hồ sơ 87 đơn vị kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra Công an thành phố Thủ Đức, quận, huyện. Có 51/87 đơn vị đã khắc phục, với tổng số tiền khắc phục là 52.1 tỷ đồng.
Cần chế tài "siết nợ"
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần nhựa Minh Hùng, quận Bình Tân, TP.HCM, tình trạng thu tiền của người lao động nhưng nhiều doanh nghiệp lợi dụng lách luật, trốn đóng, chây ì, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn.
Ông Dũng đề nghị:“Nhà nước nên có những chế tài cho những doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động. Ví dụ như chậm một tháng thì có thể nhắc nhở nhưng tháng thứ 2 là phải có biện pháp. Tháng thứ 3 là phải có những chính sách như phong tỏa tài khoản hoặc nặng hơn nữa là cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Khởi kiện cũng là biện pháp cuối cùng và cao nhất mà TP.HCM, địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện. Việc truy tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ BHXH được thực hiện sau hàng loạt các biện pháp hành chính như đôn đốc, nhắc nhở, gửi công văn/thư nhắc nợ, thanh tra, kiểm tra để xử phạt vi phạm hành chính.
Những năm qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động TP.HCM đã hỗ trợ hàng ngàn người lao động thương lượng, hòa giải các tranh chấp tại doanh nghiệp hoặc nhận ủy quyền, bảo vệ quyền lợi khi người lao động muốn khởi kiện.
Luật sư Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật- Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng, có nhiều cơ quan, tổ chức theo dõi việc đóng BHXH, như cơ quan BHXH, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn và cả chính người lao động. Nếu một trong các cơ quan đó làm hết trách nhiệm thì tình trạng chậm đóng, nợ đọng kéo dài khó xảy ra.
Theo ông Triều, dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra toà án là rất hợp lý. Song, cần nghiên cứu, xem xét, quy định quyền khởi kiện ra tòa án đối với các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH cho cả cơ quan BHXH
Luật sư Trần Văn Triều nói: "Cơ quan BHXH bây giờ bổ sung thêm cái quyền kiện nữa thì nó quay lại Luật BHXH cũ thì cũng đồng tình thôi. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm các chức năng thanh tra toàn bộ về BHXH. Ở đây mới nói là thanh tra về đóng thôi, còn thanh tra về chi thì không làm, phải thanh tra toàn bộ chứ đừng có hạn hẹp chỉ thanh tra về đóng”.
Theo BHXH TP.HCM, người lao động có thể theo dõi quá trình đóng BHXH hằng tháng qua app BHXH trên điện thoại hay công đoàn cơ sở. Nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH đến tháng thứ 2 là người lao động có thể phát hiện và phản ánh đến công đoàn cơ sở. Nếu việc chậm đóng không được khắc phục thì người lao động cần lập tức báo cho công đoàn, thanh tra lao động để các đơn vị này thanh tra, xử lý, thậm chí chuyển vụ việc đến công an đề nghị khởi tố hình sự chủ doanh nghiệp./.