Nỗi ám ảnh ngày Tết: "Bao giờ đẻ tiếp?" - Đây là câu trả lời cực "thấm" của nàng dâu bị ép đẻ và đáp án cho những ai đang bế tắc

VV,
Chia sẻ

Nhượng bộ không làm cuộc sống của bạn trọn vẹn hơn, nó chỉ là khởi đầu của những bi kịch sau này.

Bên cạnh niềm vui ngày Tết là những nỗi canh cánh của chị em phụ nữ. Các cô thì bị hỏi “Bao giờ lấy chồng?”. Các chị lấy rồi thì được chúc “Năm nay đẻ thằng cu”. Những chị em có con đầu lâu rồi vẫn không yên vì trong mắt mẹ chồng “mãi không chịu sinh con thứ 2”.

Bao giờ đẻ tiếp?”, “Năm nay đẹp đấy đẻ đi, đẻ xong nuôi 1 thể, trời sinh voi trời sinh cỏ”, “Bằng tuổi mày mẹ đã 3 đứa rồi đấy”… những câu hỏi han quan tâm giục nhắc vô tình lại thành áp lực đối với những người làm vợ, làm dâu.

Người ta vẫn ví von, người phụ nữ sinh nở như bước vào cửa tử. Nếu sinh con đầu khiến bạn háo hức, chờ đợi thì sinh con thứ 2 lại như 1 quyết định "cân não", thậm chí những sinh linh bé nhỏ đến đột ngột khi vợ chồng chưa kịp chuẩn bị được gì, đặc biệt là về mặt kinh tế.

Nga (30 tuổi, đã kết hôn được 5 năm và có con 4 tuổi) tâm sự: "Không riêng gì nhà chồng, mình còn bị áp lực bởi chính mẹ đẻ. Bà bảo: 'Đẻ liền cho đỡ ngại, chị em cách ít tuổi dễ chơi với nhau, quần áo hay sách vở dùng lại của nhau đỡ phí'. Rồi thì: 'Ông bà còn khỏe ông bà trông cho, cứ đẻ xong đi đã rồi tha hồ mà phấn đấu tiếp…'. Và cả ngàn lý do nghe vô cùng hợp lý nhưng chẳng hề thuyết phục. Song mình vẫn kiên quyết 1 chữ 'Không!'.

Nỗi ám ảnh ngày Tết: "Bao giờ đẻ tiếp?" - Đây câu trả lời cực "thấm" của nàng dâu bị ép đẻ và đáp án cho những ai đang bế tắc - Ảnh 2.

Tranh minh họa

Mình đã từng nghe rất nhiều câu chuyện của bạn bè và những người xung quanh. Họ động viên phụ nữ bằng tư tưởng: Làm vợ, làm mẹ là trọng trách ai lấy chồng cũng phải làm. Sớm muộn gì cũng phải đẻ thì đẻ sớm cho đỡ ‘vất vả’. Rằng không chịu sinh con là ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho mình...

Thậm chí, có rất nhiều phụ nữ trải qua 1 vết rạn lớn trong hôn nhân, chồng ngoại tình, chồng lắm tật, nhà chồng hắt hủi nên nghĩ ngay đến 1 phương án giải quyết: sinh thêm con.

Chẳng ai quy định duy trì nòi giống là phần việc của phụ nữ. Có những câu chuyện đau lòng khi người vợ bị coi là cái máy đẻ, cứ khi nào thích là ‘bấm nút sản xuất’, chẳng cần biết tương lai con cái ra sao, sức khỏe của mẹ thế nào? Và vô tình, sự thỏa hiệp dễ dàng để có được bình yên lại đẩy phụ nữ đến áp lực, bế tắc".

Nga kể, cô đã phải đối diện với các cuộc họp gia đình, lớn bé, nặng nhẹ đủ cả nhưng cô vẫn khẳng định với mẹ chồng: "Con sẽ sinh nhưng không phải bây giờ. Chúng con cần chuẩn bị sẵn sàng thoải mái cả về vật chất lẫn tinh thần. Con là do con đẻ ra, không thể nói 1 câu 'vứt đấy ông bà chăm rồi đi làm'. Con vẫn nhờ ông bà nhưng việc nuôi dạy, chăm sóc chúng con sẽ tự túc. Hơn thế bố mẹ đã vất vả cả đời, chúng con không thể đẩy vào tay bố mẹ trách nhiệm của chúng con. Chúng con muốn được thực hiện nghĩa vụ của người làm cha mẹ, không phải đẻ để hoàn thành 'chỉ số'. Dù bố mẹ có ý tốt nghĩ cho chúng con nhưng hơn ai hết, con là người tự biết thế nào hợp lý. Xin bố mẹ hãy tôn trọng để cho chúng con tự quyết định".

Bí quyết "chiến thắng" của cô ấy chỉ nằm trong 2 từ: "Kiên quyết". Nga không cứng nhắc đến mức gay gắt hay máy móc, cô kiên nhẫn phân tích cho chồng, kéo anh ấy về phía mình. Và chỉ cần 2 vợ chồng cô thống nhất là đủ.

Nỗi ám ảnh ngày Tết: "Bao giờ đẻ tiếp?" - Đây câu trả lời cực "thấm" của nàng dâu bị ép đẻ và đáp án cho những ai đang bế tắc - Ảnh 3.

Tranh minh họa

Nhượng bộ không làm cuộc sống của bạn trọn vẹn hơn, nó chỉ là khởi đầu của những bi kịch sau này. Bởi:

Thứ nhất, đứa trẻ phải được ra đời với sự đón nhận của cả gia đình về tư tưởng và tình cảm. Người mẹ vẫn còn nhiều dự định dang dở ắt hẳn sẽ bị xao nhãng trong việc có thêm 1 gánh nặng mới. Chưa kể, sinh quá gần nhau đứa trẻ đầu tiên chưa ý thức được việc làm anh, làm chị, bố mẹ chúng sẽ càng vất vả uốn nắn hơn.

Thứ hai, điều cấm kị nhất là tư tưởng phụ nữ đẻ thêm để giữ chân chồng. Mặc dù tôi không muốn nhưng vì anh, vì cái gia đình này tôi sẽ đẻ - Đó là suy nghĩ cực kì thiếu trách nhiệm. Hành trình từ mang nặng đến đẻ đau phải là cả một quá trình chờ đợi thấp thỏm, hạnh phúc của cả đôi bên thì cuộc hôn nhân ấy mới ý nghĩa.

Thứ ba, bạn cần nói cho chồng hiểu, đừng thấy vợ mang bầu như bao phụ nữ khác, 9 tháng 10 ngày vào phòng sinh, vài tiếng sau trở ra bác sĩ tươi cười "chúc mừng gia đình mẹ tròn con vuông" nghĩa là phụ nữ vượt cạn dễ dàng. Có những sự đau đớn ám ảnh tận sâu kí ức, có những ảnh hưởng sức khỏe theo suốt cả cuộc đời và có khi là những giọt nước mắt cay đắng nếu ngày gần sinh bị chồng mình vô tâm, lạnh nhạt.

Thứ tư, hãy nghĩ thực tế hơn. Chẳng may cuộc hôn nhân của bạn sóng gió, có 1 đứa con sẽ giúp bạn đưa ra quyết định bớt khó khăn hơn. Chắc chắn càng ràng buộc nhiều con cái sẽ càng kìm bước đi của phụ nữ. Và cam chịu chính là cách để họ tồn tại qua những cuộc hôn nhân "giả câm giả điếc".

Tóm lại, bất cứ dự định gì cũng cần lên kế hoạch cụ thể rõ ràng nếu bạn không muốn thất bại. Nhất là chuyện sinh đẻ, phụ nữ phải được tự mình quyết định chứ không nên "thả trôi theo dòng". Bởi có những "sự đã rồi" sẽ thay đổi cả cuộc đời bạn. Và hạnh phúc, tương lai, giá trị của phụ nữ nằm trong chính bàn tay chúng ta, đừng để ai định đoạt.

Chia sẻ