Những vụ vỡ nợ trăm tỷ gây chấn động dư luận
Những vụ vỡ nợ trăm tỷ trong thời gian gần đây đang gây xôn xao trong dư luận.<br/>Với mức lãi suất cao, trả lãi ngay và lối sống xa hoa, nhiều nạn nhân đã tin tưởng cho những kẻ lừa đảo vay cả trăm tỷ đồng chỉ bằng tín chấp.
Vụ vỡ gần 600 tỷ ở Lạng Sơn
Những ngày gần đây, nhiều người dân ở TP.Lạng Sơn đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, việc vợ chồng Nguyễn Văn Trung (46 tuổi) và Tạ Bích Liên (40 tuổi, trú đường Bà Triệu, TP.Lạng Sơn) đã vay của họ hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Theo Công an TP.Lạng Sơn, tính đến ngày 26/7 đã có 14 người ở TP.Lạng Sơn gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo vợ chồng Trung – Liên vay của họ hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của những “chủ nợ” thì số tiền chồng Trung – Liên vay nợ phải lên tới con số gần 600 tỷ.
Theo đơn tố cáo, Trung và Liên huy động vốn từ năm 2010 để đáo hạn ngân hàng, lấy vốn đầu tư. Do trả lãi suất cao (từ 2.000 – 9.000 đồng/1 triệu đồng/ngày) nên nhiều người đã cầm cố đất đai, nhà cửa lấy tiền cho cặp vợ chồng này vay. Không những vậy, cặp vợ chồng này còn thường xuyên mua các món quà có giá trị cao như hàng hiệu, dược liệu quý... để biếu và lấy lòng những khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2013, Trung – Liên có biểu hiện không trả được lãi và vốn rồi trốn nợ. Ngày 28/7, Công an TP.Lạng Sơn cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Trung và Tạ Bích Liên (trú tại đường Bà Triệu, TP.Lạng Sơn) để điều tra về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đến ngày 29/7 đã có 2 bị hại tự nguyện rút đơn tố cáo cặp vợ chồng Trung - Liên, trong đó có một người có mức cho vay lên tới 128 tỷ, người còn lại là 6 tỷ đồng.
Vụ vỡ nợ trăm tỷ ở Hải Phòng gây náo loạn
Sự việc xảy ra vào tối ngày 22/4, tại trước cửa số nhà 158 phố Hai Bà Trưng, quận Lê Chân – Hải Phòng, nhiều người dân đã kéo đến ngôi nhà để đòi nợ. Chủ nhân của ngôi nhà này là vợ chồng ông bà Vũ Ngọc Tính – Đặng Thị Thành.
Theo thông tin của cơ quan chức năng, vợ chồng Tính – Thành hoạt động kinh doanh trái phép đã được 3 năm với chiêu thức huy động tiền của người dân với lãi suất rất cao. Do lãi cao, hàng trăm người đã cho vợ chồng Tính – Thành vay số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng.
Giữa tháng 4 vừa qua, cặp vợ chồng này bất ngờ tuyên bố “vỡ nợ”. Kể từ đó, ngày nào cũng có vài chục người đến trước cửa số nhà 158 đường Hai Bà Trưng ngồi đợi, ăn ngủ tại chỗ với mong muốn có thể lấy lại được tiền, gây mất an ninh trật tự, giao thông trên đường Hai Bà Trưng thường xuyên trong tình trạng ùn tắc.
Tối 22/4, khi nhiều người dân kéo đến đòi nợ thì phát hiện vợ chồng bà Thành đã bỏ trốn khỏi căn nhà từ lúc nào không ai biết. Hiện, vợ chồng này đang có 2 người con đi học ở nước ngoài. Trước tình hình đó, Công an quận Lê Chân cũng đã niêm phong ngôi nhà bà Thành để phục vụ cho công tác điều tra.
Lãnh đạo công an quận Lê Chân – Hải Phòng đã vào cuộc điều tra vụ vỡ tín dụng đen hàng trăm tỷ dẫn đến việc hàng trăm người dân tập trung gây náo loạn đường phố này.
Vỡ nợ gần 200 tỷ - nạn nhân có cả người ruột thịt
Chuyện đã qua đi gần 2 năm, nhưng những người ở quanh khu phố Nguyễn Thái Học (Hà Đông - Hà Nội) vẫn không thể quên được cái tên Nguyễn Thị Dậu và vụ vỡ nợ tín dụng lên tới gần 200 tỷ đồng.
Sau khi tuyên bố vỡ nợ vào cuối tháng 9, đầu tháng 11, Nguyễn Thị Dậu ôm tiền bỏ trốn. Hàng trăm nạn nhân của người đàn bà này đã đến vây kín con phố Nguyễn Thái Học để đòi nợ. Không chỉ trực nợ trước cửa nhà Nguyễn Thị Dậu 24/24h, nhiều người còn lập cả bàn thờ, mua vòng hoa đặt ngay trước cửa gia đình bà với dòng chữ "Viếng hương hồn bọn lừa đảo" cũng như viết rất nhiều băng rôn khẩu hiệu đại loại như "Pháp luật ở đâu? Công lý ở đâu?" nhằm gây sức ép đối với cơ quan pháp luật.
Người bị hại đứng "canh" quanh khu nhà Cúc mong đòi nợ.
Được biết, bằng lãi suất hấp dẫn, lời nói ngọt ngào, Nguyễn Thị Dậu đã dụ dỗ được rất nhiều người cho vay tiền, người ít thì là vài trăm triệu, người nhiều đến đến vài tỉ đồng. Không chỉ lừa của người ngoài, nạn nhân của vợ chồng Nguyễn Thị Dậu còn có cả những người ruột thịt trong nhà như chị gái, mẹ đẻ. Nguyễn Thị Dậu thậm chí còn mượn sổ đỏ của mẹ mình là bà Đ. (77 tuổi) để vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng.
Cụ Đ tâm sự, chính cụ cũng bị con gái ruột lừa.
Trước sức ép của dư luận và sự vào cuộc gắt gao của cơ quan chức năng, ngày 21/11/2011, Nguyễn Thị Dậu đã ra đầu thú. Được biết, số tiền đi vay nợ, người đàn bà này đã đầu tư vào một dự án ở Quốc Oai.
Vụ vỡ nợ nghìn tỷ tại Hà Nội
Nguyễn Thị Cúc có lẽ sẽ là cái tên không bao giờ quên được đối với những người dân ở thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Nội cũng như hàng chục con nợ tiền tỷ của thị. Xuất phát là một thợ may làng và các khoản cho vay nhỏ lẻ, thấy lãi từ nghề buôn tiền dễ kiếm, Nguyễn Thị Cúc đã bỏ luôn nghề thợ may để chuyên tâm đi buôn tiền.
Để tạo lòng tin cho dân làng và con nợ, Cúc vung tiền mua nhà, mua xe Audi trị giá 8 tỷ để hàng ngày đi quanh làng, xây đường cho làng. Nguyễn Thị Cúc sống như một đại gia thực sự với những bữa ăn lên tới hàng chục triệu trong nhà hàng, những chuyến vào TP.HCM chơi không mục đích trên máy bay hạng sang.
Đối với những khoản tiền dưới 100 triệu đồng, Cúc không bao giờ thèm vay vì chê ít quá. Người mang tiền đến cho Cúc, Cúc không thèm đếm, bảo bao nhiêu Cúc ghi giấy biên nhận bấy nhiêu và trả tiền lãi ngay tức khắc. Mà tiền lãi Cúc trả thì không có bất kỳ tổ chức tín dụng nào địch nổi, thường từ 4,5 đến 7,5%/tháng.
Thậm chí, có thời điểm lãi được tính theo ngày, thường khoảng từ 3-5 nghìn đồng/triệu/ngày. Có khi Cúc đẩy lãi lên đến 7-8 nghìn đồng/triệu/ngày, ngang với lãi suất tín dụng đen ở sòng bạc. Có 100 triệu đem đến cho Cúc, Cúc không thèm đếm mà trả luôn 15 triệu đồng tiền lãi của tháng đầu tiên.
Nguyễn Thị Cúc trước toà.