Những vụ "chặt chém trấn cướp" khách nước ngoài làm xấu du lịch Việt

Trần Trang (T.H),
Chia sẻ

Nạn “chặt chém” tiền vận chuyển, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật, hàng rong chèo kéo du khách nước ngoài… chỉ là những “con sâu” làm hỏng hình ảnh du lịch Việt. Nhưng những scandal này ít nhiều đã trở thành ám ảnh đối với du khách nước ngoài và vô tình vẽ lên một hình ảnh Việt Nam “xấu xí”.

Đi xích lô 5 km, bị “chém” 1,3 triệu đồng

Chiêu “chặt chém” phổ thông nhất đối với du khách nước ngoài là lập lờ tiền cước vận tải. Năm 2012, vài vụ nhập nhèm tiền cước taxi tại Hà Nội và TP. HCM đã được du khách nước ngoài phản ảnh. Điển hình như vụ ngày 25/6, hai du khách Jose Angel Matas và Raquel Rviz (quốc tịch Tây Ban Nha) đón xe taxi từ trước chợ Bến Thành (Q.1, TP. HCM) để tới chợ Nguyễn Thái Bình (cách đó 1 km). Khi đến nơi, hai vị khách này được yêu cầu trả gần 400.000 đồng theo đồng hồ taxi. Sau một hồi tranh cãi, tài xế này lấy một biên lai, ghi rõ số tiền trên và đòi khách trả tiền. Sau khi trả tiền và cầm biên lai, chị Jose dọa tố cáo với công an, tài xế taxi bèn trả lại cho chị 200.000 đồng. Vụ việc sau đó đã được chị thông báo với chính quyền địa phương. Người tài xế khai, tiền cước thật là 40.000 đồng, còn 160.000 còn lại, anh ta nghĩ mình được bo (?!)
 
Những vụ
Du khách Jose Angel Matas và Raquel Rviz bức xúc vì bị lừa tiền taxi.

Mới đây, 12/4/2013 ông Atshushi Hirako (quốc tịch Nhật Bản) cũng là nạn nhân của chiêu ăn gian tiền taxi tại TP. HCM. Chỉ với quãng đường chừng 6 km, đồng hồ cước báo 65.000 đồng nhưng tài xế bắt ông Hirako phải trả 650.000 đồng. Ông Hirako cự lại, trả đúng tiền rồi đòi xuống xe, lập tức bị tài xế nạt nộ, ép trả thêm tiền rồi đấm thẳng vào mặt.

Mới nhất, tại Hà Nội, một du khách quốc tịch Australia, bà Schultz Ilona Jane cũng bị “chặt đẹp” 1,3 triệu đồng cho 5 km di chuyển bằng… xích lô. Vụ việc xảy ra vào trưa 23/4, bà Schultz cùng hai con nhỏ thuê một chiếc xích lô đi từ Lăng Bác đến Nhà hát múa rối nước Thăng Long (phố Đinh Tiên Hoàng). Tiền xe được thống nhất là 70.000 đồng. Tuy nhiên, tài xế xích lô không chở thẳng các du khách về Nhà hát múa rối nước mà vòng qua đường Thanh Niên, thả họ giữa phố Hàng Trống và yêu cầu trả 1,3 triệu đồng.

Những vụ
Tài xế xích lô đã "chém" du khách nước ngoài 1,3 triệu đồng cho 5 km đường.

Quá bức xúc, nữ du khách đã thông báo vụ việc trên. Vụ việc này đã tới tai Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch. Hai ngày sau, 25/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có buổi gặp gỡ xin lỗi vị du khách này, hoàn trả số tiền bị “chém” cũng như tặng bà một món quà lưu niệm của ngành du lịch Việt Nam. Người xích lô kia đã bị công an quận Hoàn Kiếm xử phạt hành chính và tịch thu phương tiện vì hành nghề không có giấy phép.

Những vụ
Bà Schultz Ilona Jane (trái) trong buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Cục Du lịch.

Lợi dụng bất đồng ngôn ngữ và lạ nước lạ cái của du khách nước ngoài, không ít tài xế taxi, xích lô đã “móc túi” tiền của khách. Đôn cao gấp 10 lần giá cước thực, đi lòng vòng để tính thêm tiền hoặc chở khách đến chỗ lạ là các mánh quen thuộc. Nhiều người cũng lập lờ giữa VNĐ và USD cũng là cách các tài xế taxi qua mặt du khách nước ngoài để lấy tiền. Chẳng hạn, đồng hồ bấm cước hiện 50.000 đồng, tài xế chỉ bấm số 50 khiến du khách nghĩ cước phí cho chặng đường hết… 50 USD. Cũng có những trường hợp du khách nước ngoài đưa tiền có mệnh giá lớn để trả cước nhưng không được trả lại tiền thừa. Khi họ thắc mắc thì được trả lời: đó là tiền bo.

Bị lừa vào khách sạn “ma”, ăn cơm “tù” và dọa giết 

Sáng 27/4 vừa qua, ba du khách người Pháp đã phản ảnh về chuyện họ bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, đe dọa tính mạng. Những vị khách này kể lại, hôm 24/4, họ đón taxi từ sân bay Nội Bài về một khách sạn 3 sao trên phố cổ Hà Nội - nơi họ đã đặt phòng. Tuy nhiên, tài xế này lại đưa họ đến một khách sạn trên phố Hàng Thùng. Khi phát hiện đây không phải khách sạn đã đặt phòng từ trước, họ muốn dời đi và đòi khách sạn bồi thường, lập tức bị lễ tân khách sạn dọa đánh và dọa có người đang đến để giết họ.

Những vụ
Nhóm du khách Pháp bị lừa đưa vào khách sạn "ma".

Những du khách này bèn chuyển đến một khách sạn khác và trình báo công an. Cho rằng bị lừa đảo, đe dọa tính mạng, gây tổn thất về tinh thần, thời gian, tiền bạc, họ đòi khách sạn bồi thường 17 triệu đồng. Nhân viên lễ tân đã nhận lỗi và cho biết sẽ bồi thường thiệt hại. Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, việc các hãng taxi và khách sạn móc nối với nhau để lừa khách du lịch nước ngoài, ăn chia phần lợi nhuận đã từng xảy ra trước đây và đã bị xử lý.

Trước đó chưa lâu, tại TP. Vũng Tàu, một nhóm du khách gồm bốn người Nhật, ba người Việt Nam cũng được tài xế taxi đưa đến một quán hải sản ăn cơm “tù”. Họ bị “chém” gần 17 triệu đồng cho một thực đơn rất đơn giản. Khi phản ứng lại hóa đơn “trên trời” kia, nhóm du khách cũng bị đe dọa tính mạng.

Lừa tiền, cướp giật, móc túi – vấn nạn của một số thành phố du lịch

Nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch phản hồi, họ rất sợ bị móc túi, và lo nhất là bị mất giấy tờ. Nhiều du khách rỉ tai nhau, đến Việt Nam, tốt nhất nên đeo ba lô trước ngực để có thể yên tâm du ngoạn. Cuối tháng 7/2012, một cô gái người Scotland đã trở thành nạn nhân của một vụ móc túi trộm hộ chiếu khi đang đi dạo ở phố cổ Hà Nội. Đang cầm trên tay, thoắt một cái, cô đã không thấy hộ chiếu của mình đâu. Vừa khóc, cô vừa giơ cao tờ 100 USD và treo thưởng cho ai tìm thấy hộ chiếu giúp mình. Ngay sau đó, một phụ nữ đã “vô tình” tìm thấy hộ chiếu của cô gái và lĩnh thưởng.

Táo tợn hơn, nhiều du khách nước ngoài còn bị cướp giữa đường. Tháng 12 năm ngoái, chị Caroline Pecters (quốc tịch Bỉ) đã trình báo với CATP Hội An (Đà Nẵng) trình báo việc khi đang đi xe đạp dạo chơi, chị bị hai đối tượng đi xe máy ép sát vào lề giật túi xách, trong đó có một máy ảnh hiệu Lumix và một số vật dụng cá nhân. Cũng trong cuối năm 2012, chị Gemma Elizabeth Redfem (quốc tịch Anh) cũng bị giật túi xách, bên trong có một chiếc  Iphone 4, máy ảnh hiệu Canon, 6 triệu đồng tiền mặt khi đang du lịch Đà Nẵng. Mới đây, cuối tháng 3/2013, một du khách người Canada, ông Alexder Jonh Watson cũng bị giật túi xách tại Hội An.

Cũng có những du khách bị mất tài sản một cách tinh vi hơn như trường hợp của chị Mayata Yuki (quốc tịch Nhật Bản). Đêm 10/03, trong lúc chị Mayata bị muộn chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, một thanh niên đến làm quen và mời chị về nghỉ tại một khách sạn ở Q. 10 (TP. HCM). Thanh niên này là thành viên của một nhóm tội phạm có tổ chức. Sau khi dụ được chị Mayata vào phòng massage, thanh niên kia đã thông báo cho đồng bọn đến thuê phòng sát bên và trộm cắp tài sản của chị. Khi kiểm tra lại tài sản, chị Mayata phát hiện mình bị mất một chiếc Ipad 16G, 370 USD, 325 euro, 13.000 yên và gần 3 triệu đồng tiền (tổng trị giá gần 100 triệu đồng). Một thành viên trong nhóm trộm cướp , lừa đảo kia đã sa lưới.

Hàng rong “đeo bám” du khách: chuyện thường ngày

Đội ngũ bán hàng rong luôn đeo bám và “chặt chém” du khách nước ngoài đã trở thành một hình ảnh quen thuộc đến chướng mắt tại các thành phố lớn, điển hình là khu vực phố cổ Hà Nội và Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành ở TP. HCM. Đội ngũ này đã gây nhiều bức xúc cho khách tham quan và tạo hình ảnh rất xấu trong mắt du khách quốc tế.

Những vụ
Nữ du khách nước ngoài bị người bán hàng lồng vòng vào tay ép mua. Người bán hoa quả cũng chờ sẵn bên cạnh.

Họ tìm đủ mánh khóe để buộc người nước ngoài phải mua hàng, phổ biến nhất là tụ tập thành nhóm, níu chân, kéo tay, chặn đường, vây bám khách hàng để khách thấy phiền quá mà phải mua. Nhiều trường hợp những người bán nón, vải, mũ thấy du khách ngồi trong quán nước bèn len vào gạ gẫm, mời chào. Dù bị xua tay, lắc đầu từ chối, họ vẫn ngồi cạnh và quạt cho du khách, sau đó bắt khách trả tiền … công quạt hoặc ép mua hàng với giá cao.

Ở phố cổ Hà Nội, dọc Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Bạc… và khu vực Bờ Hồ, một số người bán quà vặt cũng có “độc chiêu” để túm khách Tây. Thấy “khách hàng tiềm năng” nào sắp đi qua, họ sẽ lao tới… đặt đôi quang gánh lên vai du khách, dụ người ta chụp ảnh. Không ít du khách đã phải trả hàng trăm, ít nhất cũng dăm bảy chục nghìn đồng để “được” nhập vai người bán hàng rong. Không ít người cũng lao xổ ra dúi các túi đồ ăn vặt đã chuẩn bị sẵn vào tay du khách rồi nì nèo người ta mua.

Những vụ
Không ít du khách ngoại quốc phải trả tiền để nhập vai người gánh rong.

Những scandal kiểu này, dù không phải là hiện tượng phổ biến nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Ở một số hội chợ du lịch quốc tế, không ít đơn vị lữ hành nước ngoài đã cảnh báo cư dân của họ phải cảnh giác khi đi du lịch ở TP.HCM và Hà Nội. Chưa có cơ sở đển thống kê chính xác con số thiệt hại hoặc ảnh hưởng của những scandal với khách du lịch nước ngoài, nhưng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê Việt Nam vừa công bố ít ngày, lượt khách nước ngoài đến Việt Nam trong bốn tháng đầu năm nay đã giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có chừng 2, 4 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, trong đó chỉ có chừng 1,5 triệu đến để tham quan, du lịch, số còn lại đến để làm ăn và các mục đích khác. Ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng, trong những tháng còn lại, tình hình sẽ khởi sắc hơn.

Chia sẻ