Những việc cần làm để ứng phó trước, trong và sau siêu bão Yagi
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai lưu ý người dân không nên chủ quan và tuân thủ một số khuyến cáo ứng phó với siêu bão Yagi.
Lúc 4h ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão Yagi (bão số 3) trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ninh khoảng 620km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, các trung tâm dự báo quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (cấp 16) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Khoảng chiều và đêm 7/9, bão Yagi di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.
" Bão số 3 có nhiều yếu tố bất lợi có thể tạo ra cực đoan về mưa và cường độ gió so với các cơn bão trong quá khứ. Với kịch bản mưa như vậy, dự báo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể ngập lụt diện rộng, sạt lở đất ", ông Khiêm cảnh báo.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lưu ý người dân không nên chủ quan và tuân thủ một số khuyến cáo ứng phó với siêu bão số 3.
Trước khi bão đổ bộ
Người dân cần theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh. Mọi người chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng trong ít nhất 7 ngày; kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao.
Cùng với đó, người dân cần xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Các gia đình cần gia cố, chẳng chống nhà cửa; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công; gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
Các địa phương đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, nhất là người dân trên các đảo; lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo người dân nên ở nhà từ sáng 7/9, trước thời điểm bão Yagi dự báo đổ bộ vào đất liền.
Trong khi bão đổ bộ
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, người dân vẫn cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên các phương tiện thông tin đại chúng và loa phát thanh của thôn, xã...
Người dân nên ở trong nhà, nơi trú ẩn. Nếu buộc phải đi ra ngoài thì mang theo các vật dụng như đèn pin, áo phao, còi, điện thoại để thông tin khi có sự cố.
Bên cạnh đó, phải thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn cứu hộ.
Nếu được lệnh sơ tán, người dân hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.
Cơ quan chức năng đặc biệt lưu ý tuyệt đối không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản; không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ gẫy đổ; không đi gần hoặc dẫm lên các đường dây điện, cột điện bị đổ...
Sau khi bão đổ bộ
Người dân cần tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết ngay cả khi bão đã đổ bộ vào đất liền; chỉ được phép về nhà từ nơi sơ tán khi có sự cho phép của chính quyền địa phương.
Đồng thời, chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như: đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
Người dân cũng tuyệt đối không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước; tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn) vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.