Những túp lều kinh nguyệt và ngôi làng "không có tử cung" ở Ấn Độ: Nơi phụ nữ bị ruồng bỏ và xúc phạm vì hiện tượng sinh lý bình thường
Không cần phải rơi vào dịch bệnh nào, chỉ cần những người phụ nữ này đến chu kỳ kinh nguyệt, họ sẽ bị cách ly khiến cuộc sống không khác gì chốn lao tù.
Đây không phải là cách ly dịch bệnh ở một thành phố nào đó, mà đó là cách ly vì kinh nguyệt khiến phụ nữ Ấn Độ gần như nghẹt thở trong xã hội này.
Trong một thời gian dài, dưới xiềng xích của tôn giáo và văn hóa thì việc phụ nữ Ấn Độ có kinh nguyệt đã trở thành biểu tượng của sự ô uế. Họ bị cấm vào bếp, không được tắm, cấm chạm vào nguồn nước và ăn cùng người khác. Họ còn bị cấm ngồi trên ghế sofa hoặc giường, cấm đi chùa và thậm chí cấm về nhà.
Phụ nữ Ấn Độ sẽ bị giam cầm trong một túp lều nhỏ ở nơi hẻo lánh xa xôi trong gần 40 năm kể từ khi bắt đầu có kỳ kinh nguyệt đầu tiên đến lúc mãn kinh. Những chỗ ấy không giống như dành cho người ở, một số người nói rằng đó chẳng khác nào là chuồng heo, chuồng gà. Không những thế, họ còn phải chịu sự tra tấn và kỷ luật nghiêm ngặt của xã hội.
Phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt bị ruồng bỏ và bị xúc phạm
Ở Ấn Độ, kinh nguyệt là một từ ngữ đã bị xóa bỏ từ lâu. Trong cuộc sống gia đình, bố mẹ sẽ không nói chuyện với con cái, vợ sẽ không chia sẻ với chồng về những điều liên quan đến kinh nguyệt.
Ở trường học, các bài giảng về sinh lý luôn bị bỏ qua một cách cố ý hoặc vô ý. Ngay cả khi họ chẳng may nhìn thấy một quảng cáo về băng vệ sinh trên TV, họ cũng sẽ chuyển kênh ngay lập tức.
Bất kể là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em, hầu hết mọi người đều biết rất ít về kinh nguyệt, họ chỉ quy chung rằng kinh nguyệt là thứ gì đó rất dơ bẩn và xấu xí. Thậm chí có người còn xấu hổ hơn khi nói về kinh nguyệt. Bởi lẽ đối với người Ấn Độ, họ có một sự mê tín về hiện tượng sinh lý này.
Từ xa xưa, người dân truyền tai nhau về việc phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt nếu như đi ra ngoài sau khi mặt trời lặn sẽ bị mù. Việc phụ nữ đau bụng kinh và kinh nguyệt không đều chính là hình phạt mà họ phải chịu vì mang nhiều tội lỗi.
Để không bị linh hồn quỷ dữ xâm chiếm, nhiều phụ nữ sẽ chôn tấm vải cũ bằng máu kinh nguyệt dưới đất… Đó là những điều mê tín được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt được xem là người mang "máu xấu", nên phải chấp nhận số phận bị xã hội cô lập.
Vào ngày 11/2 vừa qua, một sự cố điên rồ xảy ra tại trường Đại học nữ ở Gujarat, Ấn Độ khi nhà trường buộc 68 sinh viên phải xếp hàng trong nhà vệ sinh và cởi từng chiếc quần lót để giáo viên kiểm tra xem họ có đang có kinh hay không.
Được biết, trường Đại học này được quản lý bởi các thành viên bảo thủ và quy định rằng sinh viên không thể ở trong ký túc xá vào những ngày “đèn đỏ" và phải tập trung trong khu vực cách ly ở tầng hầm. Nữ sinh viên khi đến kỳ kinh nguyệt phải đăng ký với quản lý ký túc xá. Nhưng trong hai tháng qua, không có ai đến đăng ký, vì vậy mới xảy ra trường hợp kiểm tra như trên.
Các nữ sinh viên đều cảm thấy bị tổn thương trước hành động này. Một số người phàn nàn: "Trường thường quấy rối chúng tôi về các vấn đề có liên quan đến kinh nguyệt. Ngay cả khi chúng tôi tuân thủ các quy định về tôn giáo, chúng tôi vẫn bị trừng phạt vì kinh nguyệt".
Tại vùng nông thôn của Ấn Độ, việc cách ly kinh nguyệt không chỉ phổ biến mà cách thức càng tồi tệ hơn. Ở vùng núi hoang sơ thường có một số lán đơn giản, hay còn gọi là túp lều kinh nguyệt (Gaokor), thường được làm bằng gỗ và gạch đỏ, phủ xi măng, không có cửa sổ và cửa ra vào.
Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt buộc phải rời khỏi gia đình và bị cách ly tại đây. Trong những lán như thế này không có giường, họ chỉ có thể ngủ trên sàn cứng. Vào mùa mưa, mái tranh sẽ bị rò rỉ và mặt đất cũng sẽ tích tụ nước, họ không còn sự lựa chọn nào khác mà phải chịu đựng để hết kỳ kinh nguyệt mới được về nhà.
Trong thời gian bị cách ly, những người phụ nữ hầu như không có việc gì làm ngoài việc giặt quần áo. Cơm ngày ba bữa đều được các thành viên trong gia đình cung cấp, cuộc sống không khác gì chốn lao tù. Nếu như ai đó may mắn, họ sẽ gặp được những người phụ nữ giống mình để trò chuyện, còn không sẽ phải sống cô đơn hiu quạnh đến hết kỳ kinh nguyệt.
Vào buổi tối, họ thường khó ngủ vì không ngừng lo sợ. Ngoài việc phải tự bảo vệ bản thân để chống lại sự tấn công của bầy thú hoang, họ còn phải đối mặt với nỗi lo lắng về việc bị đàn ông bắt cóc hoặc cưỡng hiếp.
Sau khi kinh nguyệt kết thúc, người phụ nữ Ấn Độ được trở về nhà và tắm với tinh dầu để trở lại cuộc sống bình thường.
Vì kinh nguyệt, phụ nữ Ấn Độ không chỉ không thể sống bình thường như bao người mà còn bị phân biệt đối xử trong việc tìm việc làm. Có một số người không muốn thuê phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thậm chí họ còn xem xét về chu kỳ kinh nguyệt để sắp xếp công việc. Những người phụ nữ ấy có việc làm, những cơn đau thể xác do sinh lý ảnh hưởng đến công việc cũng sẽ khiến họ bị phạt tiền. Do đó, nhiều phụ nữ Ấn Độ đã đưa ra một lựa chọn cực đoan chính là cắt bỏ tử cung để không còn kinh nguyệt.
Ở Maharashtra miền Tây Ấn Độ, có hàng ngàn phụ nữ trẻ đã trải qua việc phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong vòng 3 năm. Hầu hết những người phụ nữ này thực hiện phẫu thuật chỉ vì một công việc đó là thu hoạch mía.
Ngôi làng "không có tử cung"
Ở Ấn Độ, tuổi kết hôn của những phụ nữ nông thôn thường sớm hơn phụ nữ thành thị. Phụ nữ ở độ tuổi 20 đã là mẹ của hai hoặc ba con.
Vào độ tuổi này, họ tin rằng tử cung đã hoàn thành nhiệm vụ sinh sản và sau đó việc cần làm chính là phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Kiểu suy nghĩ này dần trở nên phổ biến và nhiều ngôi làng "không có tử cung" xuất hiện ở khu vực địa phương.
Trên thực tế, nhiều phụ nữ đã phải đối mặt với tình hình sức khỏe xấu đi sau ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Các triệu chứng như chóng mặt, đau lưng khiến họ không thể làm việc hiệu quả. So với việc cách ly kinh nguyệt thì mối đe dọa sức khỏe phụ nữ Ấn Độ lại đến từ sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt.
Theo thống kê, có hơn 80% phụ nữ Ấn Độ không sử dụng băng vệ sinh, thay vào đó là họ sử dụng vải cũ, báo, lá và dăm gỗ. Ngay cả khi vải được giặt thường xuyên nhưng khi không được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời thì dễ dàng gây ra nhiều bệnh phụ khoa.
Tại Ấn Độ, có khoảng 70% bệnh phụ khoa được hình thành do phụ nữ không giữ gìn vệ sinh khi trong kỳ kinh nguyệt. Một số phụ nữ thậm chí đã chết vì bị côn trùng tấn công.
Nhiều người không thể tưởng tượng được việc đi học khó khăn như thế nào đối với nữ sinh Ấn Độ khi đang trong kỳ kinh nguyệt. Họ phải mặc một mảnh vải trong thời gian dài. Ngồi trong lớp, các cô gái sẽ có những mối lo vô hình, lo lắng rằng “cơn thủy triều" bất đắc dĩ sẽ làm bẩn quần áo và ghế của họ, và đặc biệt trở thành trò cười của những nam sinh.
Vì các dải vải dễ bị thấm nước nên chúng cần được thay thường xuyên. Tại Ấn Độ, có 40% trường học không xây nhà vệ sinh và nữ sinh phải đi bộ khá xa để đến nhà vệ sinh để tránh tầm nhìn của những nam sinh.
Hai năm trước ở Tamil Nadu, một cô bé 12 tuổi đã bị chảy máu trên ghế khi đang ngồi học trong lớp. Cô bé xin đi vệ sinh nhưng đã bị giáo viên khiển trách không thương tiếc trước lớp. Quá tủi nhục, cô bé đã nhảy từ ban công nhà hàng xóm lúc 3 giờ sáng để tự vẫn.
Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, cô bé nói rằng đã bị cô giáo hành hạ. Để không phải chịu đựng sự sỉ nhục tương tự, hầu hết các nữ sinh đều chọn nghỉ học trong thời gian kinh nguyệt.
Cho đến ngày nay, hiện tượng sinh lý này vẫn cản trở cuộc sống của những người phụ nữ Ấn Độ. Đối với họ, nó có quá nhiều ý nghĩa trái ngược. Dù vấn đề kinh nguyệt đảm bảo cho khả năng sinh sản nhưng lại trở thành điều cấm kỵ trong cuộc sống.
Rayka Zehtabchi, nữ đạo diễn phim tài liệu Period End of Sentence, một bộ phim nói về việc phụ nữ Ấn Độ dẫn đầu cuộc cách mạng tình dục thầm lặng đã cho biết, khi cô phỏng vấn một phụ nữ Ấn Độ, người này đã dùng từ “cái này" để nói thay thế cho từ kinh nguyệt ngay từ đầu. Nhưng sau đó, cô đã có thể tự nói từ “kinh nguyệt" một cách tự nhiên và thoải mái.
"Tất cả những thay đổi trong các khái niệm theo chế độ phụ hệ sẽ dần biến mất theo thời gian, không chỉ Ấn Độ mà trong bất kỳ xã hội nào", cô nói.
(Nguồn: 163)