Những trường hợp sẽ bị khóa tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn từ 25/12

Phi Long,
Chia sẻ

Người dùng tại Việt Nam có thể sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội nếu vi phạm các quy định được nêu trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP.

Ngày 9/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài và tăng cường, bảo đảm an ninh thông tin. Bên cạnh đó, Nghị định cũng sẽ ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng và các nhà mạng nhằm sàng lọc nội dung xấu độc, bảo vệ thông tin người dùng, bảo vệ thông tin người dùng, trên cơ sở đó để xây dựng và thúc đẩy một không gian số trách nhiệm, năng động và tích cực.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 35 của Nghị định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước, các tài khoản của người dùng cá nhân, trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung trên các nền tảng mạng xã hội có thể sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu mắc phải các vi phạm sau:

- Khóa tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ) chậm nhất là 24 giờ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc khi tự phát hiện vi phạm. Thời gian khóa tạm thời từ 7 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.

- Khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung đã bị tạm khóa từ 3 lần trở lên khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không xử lý nội dung, dịch vụ vi phạm pháp luật, không tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn hoạt động các tài khoản vi phạm pháp luật theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc thu hồi Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Những trường hợp sẽ bị khóa tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn từ 25/12 - Ảnh 1.

Từ ngày 25/12, các tài khoản mạng xã hội cá nhân, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung trên mạng xã hội có thể sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu vi phạm các quy định được nêu trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP

Cũng theo Điều 35 của Nghị định, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm:

- Cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ các quy định của Nghị định này. Trường hợp mạng xã hội có cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác thì phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan.

- Thực hiện việc quản lý và cung cấp dịch vụ mạng xã hội tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ với người sử dụng dịch vụ; mô tả quy trình, cách thức phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình và công bố công khai trong Thỏa thuận cung cấp dịch vụ/Tiêu chuẩn cộng đồng cho người sử dụng dịch vụ biết để lựa chọn sử dụng dịch vụ.

- Bảo đảm người sử dụng dịch vụ có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

- Không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cá nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội.

- Kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện vi phạm.

- Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm quy định của pháp luật theo yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định này.

- Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam về những nội dung vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật. Đối với những khiếu nại về quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.

- Cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

- Có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người sử dụng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định.

- Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ, xác thực và quản lý nội dung, thông tin của người sử dụng dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định này; thực hiện xóa thông tin của người sử dụng dịch vụ sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cung cấp thông tin, phổ biến quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đến người sử dụng dịch vụ.

- Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

- Kết nối đến hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ việc thống kê, theo dõi lượng người sử dụng dịch vụ, truy cập.

- Cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).

- Báo cáo theo quy định tại khoản 10 Điều 24 Nghị định này và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Chia sẻ