Những tình huống có thể gặp phải sau khi biết điểm chuẩn vào lớp 10, học sinh cần nắm rõ để lựa chọn trường cho đúng
Ngoài việc ôn tập bài vở thật kỹ lưỡng thì phụ huynh và học sinh còn cần nắm rõ, lường trước các tình huống có thể xảy ra trong mùa tuyển sinh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã điều chỉnh thời gian thi vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2021-2022. Theo đó lịch thi lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội sẽ bắt đầu từ ngày 10/6/2021 - 14/6/2021.
Các khung giờ thi cụ thể như sau:
Ngày 10/6: Buổi sáng thi Ngữ văn 120 phút, buổi chiều thi Toán 120 phút.
Ngày 11/6: Buổi sáng thi Ngoại ngữ và Lịch sử (mỗi môn 60 phút). Chiều thi các môn chuyên Ngữ Văn, Toán, Tin học, Sinh học, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn.
Ngày 12/6: Sáng thi các môn chuyên Vật Lý, Lịch Sử, Địa Lý, Hóa học, Tiếng Anh.
Ngày 13/6 (thi chương trình song bằng):
- Sáng thi môn Toán, Vật Lý bằng Tiếng Anh.
- Chiều thi môn Tiếng Anh (bài thi viết tự luận), Hóa học bằng Tiếng Anh.
Ngày 14/6 (thi chương trình song bằng): Chiều thi nói bằng Tiếng Anh.
Vậy là còn hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ chính thức bước vào kỳ thi chuyển cấp đầy căng thẳng và cam go. Ngoài việc ôn tập bài vở thật kỹ lưỡng thì phụ huynh và học sinh còn cần nắm rõ, lường trước các tình huống có thể xảy ra trong mùa tuyển sinh. Từ đó, phụ huynh và học sinh có thể lên phương án đối phó với những tình huống xấu.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng học sinh trong các kỳ thi chuyển cấp, nhà văn Bùi Ngọc Phúc - đồng tác gia các cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" và "Tư vấn kỳ thi vào 10" đã có những chia sẻ về vấn đề này. Cụ thể, anh Phúc đã liệt kê những tình huống gặp phải sau kỳ thi lớp 10, thời điểm mà Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn.
Chúng tôi xin được phép chia sẻ lại bài viết của anh tới độc giả:
"Thưa các phụ huynh, như mọi người đều biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lứa 2005 chỉ thi ba môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh. Kinh nghiệm của một vài phụ huynh có con đỗ trường chuyên, trường công lập chưa chắc đã áp dụng thành công cho phụ huynh có con thi vào 10 năm học 2021 – 2022. Bởi năm nay các con lứa 2006 có thêm Lịch Sử là môn thi thứ tư.
Thời điểm này học sinh tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội vừa trải qua kì thi giữa kì. Học sinh lứa 2006 bắt đầu được phát tờ kê khai đăng kí NV1 và NV2, thậm chí là NV3. Đây là thời điểm nhiều phụ huynh cùng con mình bắt đầu phải cân nhắc kĩ. Bởi ai cũng lo, như người ta nói "bút sa gà chết".
Là người nhiều năm theo dõi kì thi chuyển cấp vào 10, tôi xin chia sẻ cùng các phụ huynh lứa 2006 nhiều tình huống gặp phải sau kì thi để tham khảo, thời điểm Sở GD&ĐT sẽ công bố điểm chuẩn.
- Con học lực giỏi nhưng thay đổi môn thi chuyên và chọn sai NV2. Bởi vậy khi có điểm chuẩn, con trượt hết các trường chuyên. Có con trượt luôn NV1 vào trường công lập top đầu, phụ huynh và con đều sốc.
- Nhiều con đạt điểm cao môn Toán và môn tiếng Anh, nhưng môn Ngữ Văn lại khiến tổng điểm của con bị tụt xuống. Thậm chí môn chuyên con được điểm cao, nhưng dính điểm kém ở môn điều kiện.
- Nhiều con học giỏi nhưng chọn trường không sát, khi điểm chuẩn được công bố, con thừa điểm vào các trường top trên. Lúc này phụ huynh và con đành ngậm ngùi luyến tiếc.
- Con có sức học trung bình, nhưng vì đua theo bạn chọn NV1 các trường top trên, việc trượt là điều không tránh khỏi.
- Con chọn NV1 và NV2 quá sát nhau, kết quả trượt cả 2 nguyện vọng.
Các con đỗ hay trượt vào công lập có nhiều nguyên nhân khác nhau. Phụ huynh đã đồng hành cùng con được 9 năm, việc dành thêm thời gian tìm hiểu điểm chuẩn những năm trước của các trường là điều cần thiết. Bởi vì nhiều khi chỉ chênh nhau có 0,25 điểm cũng quyết định tất cả. Tôi hy vọng phụ huynh giúp con chỉ đặt bút kí khi đã có đầy đủ thông tin cần thiết, những thông tin về cách chọn trường và điểm chuẩn những trường đó".