Những thông tin về dịch MERS không thể bỏ qua

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Dịch MERS đang là dịch bệnh đáng sợ nhất trong thời điểm này khi số người chết, bị lây nhiễm gia tăng và làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Tỉ lệ tử vong do dịch MERS cao


Cũng giống như nhiều bệnh truyền nhiễm do virus, MERS gây tử vong đối với những người đã bị bệnh nặng. Trong số những người đã chết ở Hàn Quốc sau khi được chẩn đoán mắc MERS, các bệnh nhân đã chết do có tiền sử mắc các bệnh từ trước, bao gồm cả ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh tim mãn tính.

Tỷ lệ tử vong do dịch MERS trên toàn cầu chiếm khoảng 30-40%. Nhưng tỷ lệ tử vong trong dịch bệnh MERS xảy ra nghiêm trọng ở Hàn Quốc hiện vẫn được khống chế dưới 10%.

Tại Hàn Quốc, từ ngày 19/5/2015, khi xác định ca nhiễm bệnh MERS-CoV đầu tiên đến ngày 23/6/2015 (sau 35 ngày) đã ghi nhận 175 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong.

Như vậy, tính đến ngày 23/6/2015, tổng số người nhiễm MERS-CoV trên thế giới là: 1348 ca, có 479 ca tử vong tại 27 nước.

Chưa có vắc xin phòng bệnh do MERS

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do MERS-CoV. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đang phối hợp với các đối tác để nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng chống bệnh do MERS-CoV. Các phương pháp điều trị hiện nay vẫn là điều trị như đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp và điều trị tích cực.

thông tin về dịch Mers
Dịch MERS đang là dịch bệnh đáng sợ nhất trong thời điểm này khi số người chết, bị lây nhiễm gia tăng và làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Ảnh minh họa

Những đối tượng có nguy cơ nhiễm MERS cao

Theo các chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới, sau khi thống kê về các trường hợp đã nhiễm virus MERS-CoV ở Trung Đông, Hàn Quốc và một số nước khác, WHO đã nhận thấy có một số nhóm người dễ nhiễm MERS hơn những người khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người bị bệnh thận, đang chạy thận nhân tạo, với thể trạng sức khỏe yếu, đề kháng kém nếu chẳng may tiếp xúc với người đã nhiễm MERS, hoặc tiếp xúc với loài động vật mang mầm bệnh thì dễ dàng nhiễm bệnh.

Cũng theo ghi nhận, trong số hàng ngàn người đã nhiễm MERS thì tỷ lệ người già và nam giới nhiễm virus chết người này chiếm phần nhiều.

Những người đang bị nhiễm trùng đường hô hấp khi gặp người mang bệnh hoặc tới vùng dịch thì có thể nhiễm virus MERS ngay lập tức, hoặc dễ lây nhiễm hơn người khác.

Những người bị bệnh tiểu đường cũng nằm trong nhóm người có nguy cơ nhiễm MERS-CoV cao. Thống kê của WHO cho thấy, một tỉ lệ không nhỏ những người đang mang bệnh tiểu đường nhiễm MERS trong những ca đã phát hiện trước đây.

Bên cạnh những nhóm người trên thì một nhóm người thuộc diện sức khỏe yếu, đề kháng cơ thể kém, thường xuyên đau ốm cũng rất dễ nhiễm virus MERS- CoV.

MERS khó kiểm soát

Hàn Quốc có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, hiện đại giúp dễ dàng phát hiện ra các ca nhiễm MERS, báo cáo lên rất nhiều trường hợp mắc và nghi ngờ nhiễm MERS. Hàn Quốc cũng đang theo dõi chặt chẽ những người bị nghi đã tiếp xúc hoặc có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến MERS.

Từ một bệnh nhân MERS đầu tiên ở Hàn Quốc đã đi du lịch đến 4 quốc gia Trung Đông. Sau khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, người đàn ông này đã tới thăm khám tại bốn cơ sở chăm sóc sức khỏe ở quê nhà. Điều này có nghĩa là ông đã tiếp xúc với người thân trong gia đình, số lượng khá lớn các bệnh nhân, người nhà của họ và các nhân viên chăm sóc y tế ở một số cơ sở trước khi được chẩn đoán nhiễm bệnh MERS.

Khi một bệnh nhân MERS đến Mỹ hay châu Âu, họ sẽ bị cách ly hoàn toàn nếu có bất cứ một dấu hiệu nào đó xảy ra. Trong trường hợp này, bệnh nhân đã lang thang khắp các bệnh viện và những người thân trong gia đình người bệnh đã không được bảo vệ và đó là lý do tại sao MERS đã trở thành dịch bệnh và trở nên tồi tệ hơn ở Hàn Quốc so với các nước Ả Rập khác.

Những ca nghi nhiễm MERS-CoV ở Việt Nam đều có kết quả âm tính

Hầu các ca nghi nhiễm MERS tại Việt Nam sau khi có biểu hiện nghi ngờ được đưa vào các bệnh viện điều trị cách ly. Qua quá trình xét nghiệm tất cả các ca đều có kết quả âm tính.

Gần đây nhất ca nghi nhiễm MERS của nữ du lịch người nga. Theo Cục Y tế dự phòng kết quả xét nghiệm của nữ du lịch người Nga tại Lâm Đồng đã âm tính với MERS-CoV.

Nữ du khách người Nga 24 tuổi đến Việt Nam sau khi quá cảnh tại sân bay quốc tế Abu Dhali của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và quá cảnh tại Thái Lan đã có biểu hiện sốt, đau đầu, mỏi cơ, ho, khó thở và được nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng ngày 23/6/2015 để cách ly theo dõi. Ngay sau đó bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xác định chẩn đoán MERS-CoV.

Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh ngày 24/6/2015 có kết quả ÂM TÍNH (-) với MERS-CoV.

Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm MERS - CoV nhưng các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca bệnh vẫn được triển khai quyết liệt, nhằm kịp thời phát hiện ca bệnh, khoanh vùng xử lý phòng nguy cơ lây lan ra cộng đồng căn bệnh nguy hiểm này.

Bộ Y tế chính thức đưa ra 7 khuyến cáo, kêu gọi người dân cùng thực hiện để phòng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh chết người này.

Công dân Việt Nam không nên đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh MERS-CoV. Nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ thông tin dịch bệnh và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng bệnh.

Hạn chế tiếp xúc người bệnh viêm đường hô hấp và người nghi nhiễm MERS-CoV, không đến bệnh viện khi không cần thiết. Nếu đến bệnh viện, cơ sở y tế, cần phải đeo khẩu trang để phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp như MERS-CoV, cúm,... 

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường; Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi; Tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa

Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

Những người đi đến từ quốc gia có dịch MERS-CoV đang lưu hành phải chủ động khai báo y tế khi nhập cảnh và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có sốt, ho, khó thở phải báo ngay các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và tư vấn kịp thời. Số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế là: 096.385.1919.



Chia sẻ