Hàn Quốc tiến hành thử nghiệm điều trị huyết tương trên bệnh nhân MERS-CoV
Ngày 16/6 Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết hai bệnh viện của nước này đang tiến hành thử nghiệm phương pháp huyết thanh trong việc điều trị bệnh nhân MERS-CoV.
Ngày 17/6/2015, Hàn Quốc ghi nhận thêm 8 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong. Như vậy, từ ngày 20/5/2015 đến nay nước này đã ghi nhận 162 trường hợp mắc, 19 trường hợp tử vong.
Tại châu Âu, Cơ quan chức năng Đức thông báo một người đàn ông 65 tuổi, là công dân nước này, đã tử vong do MERS-CoV vào ngày 6/6/2015. Bệnh nhân này có tiền sử đi du lịch tại Abu Dhabi và tiếp xúc với động vật sống tại chợ gia xúc tại Ả Rập Xê Út, sau đó quay về Đức từ tháng 2/2015. Hiện không có trường nào lây nhiễm tại Đức.
Tính đến 17/6/2015, tổng số mắc trên thế giới là: 1329 nhiễm MERS-CoV, 466 ca tử vong tại 26 nước.
Trước đấy ngày 16/6 Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết hai bệnh viện của nước này đang tiến hành thử nghiệm phương pháp huyết thanh trong việc điều trị bệnh nhân Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc cho biết sức khỏe của 2 bệnh nhân MERS đã hồi phục sau khi được truyền huyết tương từ 2 bệnh nhân khác bị nhiễm MERS đã khỏi bệnh.
Liệu pháp sử dụng huyết tương của người đang hồi phục liên quan đến việc truyền máu. Liệu pháp thay thế này đã được sử dụng rộng rãi cho đến tận đầu thế kỷ 20, trước khi vắc-xin và kháng sinh trở nên phổ biến.
Kwon Jun-wook, người đứng đầu cơ quan y tế công cộng tại Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết thử nghiệm đang được tiến hành dù với bằng chứng lâm sàng chưa đầy đủ. Liệu pháp này đã giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng 23% cho bệnh nhân SARS trong quá khứ, mang lại tia hy vọng cho cộng đồng đang lo sợ MERS ở Hàn Quốc.
Liệu pháp này cũng chứng tỏ có hiệu nghiệm với bệnh nhân Ebola, và cơ quan y tế Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm phương pháp này cho căn bệnh hiện không có cách chữa hay vắc-xin phòng bệnh.
Để phòng tránh bệnh MERS-CoV Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê lập phòng khám riêng cho người về từ vùng có dịch. Theo đó, các bệnh viện (BV) cần lập phòng khám riêng các trường hợp có tiền sử đi từ vùng có dịch với các triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…), tránh để người bệnh đi lại nhiều nơi trong BV.
Tại buồng khám riêng biệt, nhân viên y tế phải khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh đã từng sinh sống hoặc đến từ các nước vùng Trung Đông như: Ả rập Xê út, Qata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Kuwait, Lebenon, Jordan, Iran, Bahrain... và Hàn Quốc. Nếu phát hiện ca nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoặc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán kịp thời.
Để kịp thời cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ mắc MERS-CoV trong BV, Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Cục Y tế dự phòng tổ chức 5 lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm MERS-CoV trong cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ chỉ đạo BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV trung ương Huế, BV Nhiệt đới trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tổ chức một số lớp đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu như: lọc máu, chạy thận nhân tạo... cho các cán bộ y tế.