Những thói quen ở sạch kiểu này thực sự "lợi bất cập hại"
Nhiều thói quen bạn nghĩ là duy trì lối sống sạch sẽ cho mình nhưng thực chất ẩn chứa nhiều nguy hại sức khỏe.
Con người hiện đại ngày càng chú trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta lại thường mắc phải những thói quen cố hủ trong sinh hoạt hàng ngày, tưởng rằng đó là cách sống văn minh và sạch sẽ, nhưng kỳ thực là lợi bất cập hại.
Tiện tay dùng giấy trắng gói hoặc cầm đồ ăn
Các món ăn khô, nhất là thức ăn có dầu mỡ nếu cầm bằng tay sẽ vấy bẩn khó chịu và dường như không hợp vệ sinh, lại không mấy lịch sự trong mắt người xung quanh. Vì tư tưởng này, nhiều người có thói quen dùng tờ giấy trắng gói lại hoặc bọc một phần món ăn để thưởng thức và nghĩ rằng hành động này vừa sạch sẽ vừa "dễ coi" hơn.
Những thói quen ở sạch kiểu này thực sự "lợi bất cập hại".
Kỳ thực, để giấy có màu trắng tinh, rất nhiều nhà sản xuất luôn sử dụng một lượng lớn chất tẩy trắng, chất huỳnh quang và các phụ liệu khác. Do đó, nhìn bề ngoài giấy trắng rất sạch nhưng nó lại dễ trở thành nguồn nhiễm khuẩn cho thực phẩm khi tiếp xúc trực tiếp.
Dùng giấy vệ sinh trong ăn uống
Kết quả điều tra của Cục kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm Trung Quốc cho thấy, rất nhiều loại giấy vệ sinh đều chưa từng qua khâu "tiêu độc" hoặc làm qua loa để đối phó với cơ quan chức năng mà không có hiệu quả diệt khuẩn triệt để. Vì vậy, bề mặt giấy vệ sinh chứa một lượng lớn vi khuẩn và rất dễ nhiễm vào các vật thể khi dùng nó lau chùi.
Hầu như mọi quán ăn đều sử dụng giấy vệ sinh để thực khách lau chùi muỗng đũa, trái cây thậm chí là lau miệng. Thói quen này cực trên thực tế chỉ có tác dụng "sạch sẽ về mặt tâm lý", chưa kể đến còn phản tác dụng, tạo cơ hội cho các khuẩn độc xâm nhập cơ thể con người.
Dùng tấm trải nhựa trên bàn ăn
Không ít gia đình và các hàng quán sử dụng các tấm trải bàn bằng chất liệu cao su, tuy hoa văn đa dạng và trông bắt mắt, lại dễ lau rửa bằng nước nhưng xét về mặt vệ sinh thì đây không phải là lựa chọn lý tưởng, an toàn.
Tấm trải bàn cao su rất dễ tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, ngoài ra còn có nhiều loại được chế tạo từ nhựa PVC có độc tố. Các dụng cụ ăn uống cùng với thực phẩm tiếp xúc lâu ngày với tấm trải cao su sẽ dễ nhiễm các vật chất có hại, dẫn đến nhiều bệnh tật và ảnh hưởng sức khỏe người dùng.
Không ít gia đình và các hàng quán sử dụng các tấm trải bàn bằng chất liệu cao su.
Dùng rượu để khử trùng dụng cụ ăn uống
Nhiều người cảm thấy khăn giấy hay nước sôi không đủ tác dụng nên thích dùng rượu trắng để diệt khuẩn cho các dụng cụ ăn uống như chén đĩa, đũa, muỗng. Chúng ta thường có tư tưởng rằng nồng độ cồn trong rượu là chất tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả.
Trên thực tế, độ cồn để tiêu độc trong y khoa phải đạt đến 75%, trong khi nồng độ này trong rượu trắng chỉ khoảng dưới 56%. Vì vậy, dùng rượu trắng khử trùng dụng cụ ăn uống kỳ thực không có tác dụng như mong muốn, chưa kể nếu rượu làm không đảm bảo vệ sinh, chất lượng còn có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Cắt bỏ phần trái cây bị hỏng rồi ăn
Đây là thói quen rất thường gặp trong sinh hoạt của con người. Với tâm lý tiếc rẻ nếu phải vứt cả quả đi khi nó chỉ bị sâu hay hỏng một phần, nhiều người chọn cách cắt bỏ phần không ăn được và tiếp tục thưởng thức phần còn lại.
Kỳ thực, cho dù bạn đã bỏ đi phần quả bị hỏng thì các "sản vật trao đổi chất" từ vi khuẩn có hại vẫn xâm nhập vào bên trong toàn bộ quả thông qua thành phần nước trong quả, thậm chí còn có nhiều loại vi sinh vật bắt đầu sinh sôi và các khuẩn độc trong đó có thể khiến tế bào cơ thể con người bị đột biến, dẫn đến các chứng ung thư.
Xếp chăn màn ngay sau khi ngủ dậy
Tổ chức vệ sinh Thế Giới khuyến cáo mọi người không nên có thói quen xếp chăn màn ngay khi vừa ngủ dậy. Mỗi ngày chúng ta đều thải ra một lượng mồ hôi khá lớn, khi ngủ cũng không ngoại lệ. Vì vậy, sau khi thức dậy mà lập tức xếp chăn lại thì dịch mồ hôi lưu lại trong chăn thời gian dài không những gây mùi hôi khó chịu mà còn ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, các nguồn gây bệnh cũng có môi trường sinh sôi tốt hơn, gây bất lợi cho sức khỏe của bạn.
Cách tốt nhất là sau khi ngủ dậy, bạn nên trải chăn trên giường khoảng 10 phút cho khô ráo bớt mồ hôi, và tốt nhất mỗi tuần nên đem chăn ra phơi nắng một lần để diệt khuẩn và bớt mùi khó chịu.
Tổ chức vệ sinh Thế Giới khuyến cáo mọi người không nên có thói quen xếp chăn màn ngay khi vừa ngủ dậy.
Giặt quần lót bằng máy giặt
Tiến sĩ Kiel chuyên ngành vi sinh vật học của trường đại học Arizona (Hoa Kỳ) phát hiện, nếu bị nhiễm bẩn 0.1 gram lượng phân thải ra thì một chiếc quần lót đã có thể khiến cho lượng Escherichia coli (vi khuẩn đại tràng) trong nước tăng lên con số 100 triệu, tình trạng này dễ gây ra lây nhiễm chéo giữa các quần áo, đồng thời vi khuẩn gây bệnh lâu ngày tích tụ bên trong máy giặt, tạo thành môi trường truyền nhiễm tuần hoàn.
Dội nước bồn cầu khi chưa đóng nắp đậy
Trung tâm nghiên cứu thuộc trường đại học Long Island (New York - Hoa Kỳ) cho biết, khi chưa đóng nắp bồn cầu, tia nước phun ra từ hệ thống xả nước có thể đạt đến 6 feet (khoảng 1.83 mét), khiến cho phân thải và các vi khuẩn gây bệnh hoàn toàn có khả năng "bay" vào không khí, gây ô nhiễm môi trường sống và sinh bệnh tật ở con người.
(Nguồn: Weixin, Qiuzhi5, People)