Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này

TT,
Chia sẻ

Cùng với niềm vui được nghỉ lễ đến 4 ngày là nỗi lo về các thể loại sự cố, tai nạn cần sự tỉnh táo, đề phòng ò mỗi người.

Cướp giật hung tợn

Ngày 30/4 vừa qua, anh Lê Văn Thời (SN 1983, quê Bình Dương) chở vợ và hai con đến Công viên Đầm Sen chơi lễ. Khoảng hơn 10 giờ, khi cả nhà đang trong vườn xương rồng thì bất ngờ một nhóm thanh niên khoảng 10 người vây quanh anh rồi một tên ra tay giật sợi dây chuyền 5 chỉ anh đang đeo trên cổ.

Anh Thời truy hô và kháng cự liền bị bọn cướp đánh vào mặt và dùng vật nhọn đâm vào trán khiến anh choáng váng. Bọn cướp đã nhanh chân tẩu thoát giữa đám đông. Vợ anh Thời chỉ kịp nhặt lại khoảng 1/3 đoạn dây chuyền vàng bị đứt rớt lại dưới đất. Nhận tin báo, hàng chục bảo vệ của công viên cùng công an phường 3, quận 11 tỏa đi khắp nơi trong khuôn viên công viên để truy tìm nhưng không được.

Đến ngày 1/5, tại công viên văn hóa Đầm Sen lại xuất hiện một nghi can giật dây chuyền khác là Đinh Thị Thu (54 tuổi, ngụ quận 4). Thu đã có 12 tiền án, tiền sự về các tội “cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản”. Lần này công an quận 11 (TP.HCM) đã phối hợp với lực lượng bảo vệ bắt giữ được Thu.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 1
Anh Thời bị thương sau khi vị cướp một sợi dây chuyền 5 chỉ

Đêm 30/4, tại khu vực bắn pháo hoa hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1) trong lúc hàng ngàn người từ các nơi đổ về xem bắn pháo hoa thì một số kẻ xấu cũng đã ra tay cướp giật. Khoảng 0h30 ngày 1/5, hai thanh niên là Phan Thanh Sang và Đặng Trung Nghĩa (cùng 21 tuổi, ngụ phường 11, quận 3) đã tiến hành giật chiếc điện thoại iPhone 5 trên đường Thủ Khoa Huân (phường Bến Thành, quận 1). Hai đối tượng tháo chạy đến giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Tô Hiến Thành (phường 10, quận 3) thì bị Tổ tuần tra thuộc Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm quận 1 bắt giữ. 

Dip nghỉ lễ lần này, người dân hãy cận thận hơn trong việc bảo quản tài sản khi ra đường.

Trẻ em đi lạc

Sáng ngày 2/9/2013, cháu Ngọc (3 tuổi) đã được bố mẹ là anh Huỳnh, chị Sự (trú tại thôn Cổ Châu, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) dẫn đến Công viên Thống Nhất để vui chơi. Chẳng may bé Ngọc đã đi lạc.

Đến 15h10 chiều 2/9, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 1, Công an thành phố Hà Nội phát hiện em đang đứng khóc thút thít dưới mưa. Sau khi tiếp cận và trò chuyện, biết được nguyên nhân, tổ công tác đã dỗ dành và đưa cháu về đơn vị để tìm cách liên lạc với gia đình cháu.

Dù bé không biết được tên đầy đủ của ba mẹ, địa chỉ nhà, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và những nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi của các chiến sĩ CSGT, đến 16h30 cùng ngày, ông nội cùng bố của Ngọc đã có mặt tại Đội CSGT số 1 để nhận lại cháu.

Ghi nhận tại công viên Thỏ Trắng và công viên nước Đầm Sen (TP.HCM), đợt quốc tế thiếu nhi 1/6 vừa qua cũng đã xảy trường hợp thất lạc trẻ tạm thời. May mắn sau đó các bé được lực lượng bảo về tìm thấy, phát loa gọi tên để người nhà đến đón các cháu.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 2
Hai cháu bé đi lạc trong công viên nước Đầm Sen được được bảo vệ dẫn đi tìm người thân.

Tai nạn rình rập

Vụ tai nạn của trẻ em trong lúc vui chơi đáng kể đến là trường hợp của bé Nguyễn Lê Phương Quỳnh (6 tuổi) ở TP.HCM. Ngày 10/6, Quỳnh cùng anh họ là Tấn Lộc (12 tuổi, từ Bình Dương xuống) và một số trẻ khác kéo nhau ra bờ sông Vàm Thuật (P.13, Q.Bình Thạnh) ở gần nhà chơi và xem người dân câu cá. Nghĩ bờ sông có rào chắn nên phụ huynh an tâm. Nhưng vì hiếu động, các em đã vượt qua cả hành lang an toàn.

Bé Quỳnh khi thò tay múc nước thì bị trượt chân và rơi xuống sông. Dù không biết bơi nhưng Lộc đã liều mình nhảy theo để cứu em. Những bé còn lại thì chạy kêu người lớn gần đó đến giúp. Rất may người dân đã kịp thời chạy đến cứu được cả hai. 

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 3
Quỳnh lúc nằm điều trị tại BV Nhi Đồng 2.

Ngoài ra, giữa tháng 6/2014, khoa Hồi sức ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tiếp nhận điều trị cho một bé trai hết sức nguy kịch do ngã từ trên cao xuống.

Bệnh nhân tên là Võ Minh K., sinh năm 2007, ngụ tại quận 2 (TP.HCM), chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng về cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy kèm các biểu hiện dập 2 bên phổi, tràn máu màng phổi phải, dập gan, lá lách. Nguyên nhân vụ việc là do khi K. đi theo bà lên TP Đà Lạt nghỉ mát, trong lúc nhảy giỡn trên giường đệm lò xo của khách sạn ở lầu 2, cậu bé tưng lên quá cao rồi lộn luôn ra cửa sổ đang mở.

Được biết trong 6 tháng đầu năm 2014, BV Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 30 bệnh nhi bị chấn thương sọ não do té ngã và tai nạn xe cộ.

Tai nạn với trẻ em thường xảy ra trong những hoàn cảnh tưởng chừng như an toàn nhất. Do vậy các bậc phụ huynh không được chủ quan, nhất là trong các đợt nghỉ lễ dài, trẻ nhỏ và người lớn đều có tâm lí ham vui chơi hơn là cảnh giác, giữ chừng mực.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 4
Để các bé một mình, tranh nhau đu bám trên trò đu dây là rất nguy hiểm.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 5
Để các bé một mình trên tấm bạt nhún là việc không nên. Khi cao hứng các bé rất khó kiểm soát bản thân.

Vứt rác bừa bãi

Khác với các thể loại tai nạn hoặc sự cố ngoài ý muốn, việc vứt bừa bãi là do ý thức kém của một bộ phận người dân khi đi chơi lễ. Trong quá trình vui chơi, nhiều nhóm bạn bè hoặc gia đình thường tụ tập, cùng nhau ăn uống trên bãi cỏ, sân vận động, các bậc thềm trước những khu cao ốc đông người. Tuy vậy, sau khi liên hoan, ăn uống xong họ đã không thu dọn rác, tạo nên cảnh tượng bừa bộn, dơ bẩn đáng xấu hổ. Việc này là do ý thức của mỗi người, do vậy mỗi cá nhân đều có thể chủ động chỉnh đốn bản thân mình.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 6
Vứt rác dọc công viên

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 7
Giẫm, ngồi lên cỏ công viên.

Tai nạn giao thông

Cuối tháng 6/2014, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh thành về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/11/2013 đến 15/5/2014), cả nước đã xảy ra gần 13.000 vụ tai nạn giao thông làm chết gần 4.700 người và làm bị thương hơn 3.530 người. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bào trật tự an toàn giao thông, cần phải quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực vận tải.

Những con số thông kê trên là hồi chuông cảnh báo đến người tham gia lưu thông - đặc biệt hứa hẹn sẽ tăng cao trong dịp lễ. Trong số tai nạn kể trên, tình huống thường dễ gặp nhất là uống rượu bia khi tham gia giao thông, lấn tuyến, giành đường.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 8
Một vụ tai nạn do chạy nhanh, mất kiểm soát.

Lừa gạt, trộm vặt

Vào thời điểm ngày lễ tết tại các bến xe, khu dân cư thi thoảng lại xuất hiện những đối tượng van nài, xin tiền để mua vé xe về quê. Có những trường hợp người cho tiền sau đó đã thấy lại đối tượng đang đi xin tại một địa điểm khác, với điệp khúc tương tự.

Một chiêu lừa khác tuy cũ nhưng vẫn hay tiếp diễn đó là mời mua tăm tre từ thiện. Người bán giới thiệu mình đến từ một tổ chức từ thiện, bán tăm tre để tích quỹ. Khi khách hàng đã cầm tăm trên tay thì giá bán tăm được đưa ra khiến người nghe "hết hồn", từ 10 - 50 ngàn đồng cho một bịch tăm nhỏ xíu. Nếu không mua sẽ bị nói khích, bị lôi kéo cự nự. Người mua sẽ được kí vào bản danh sách quyên góp. Tuy nhiên hoạt động trên đã được cảnh báo là lừa gạt.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 9
Một đối tượng đang dụ dỗ hai bạn trẻ mua tăm.

Vào dịp lễ, người dân thường rời trung tâm thành phố về vùng quê, do vậy dẫn đến trường hợp 'nhà không người, nhưng đồ vẫn đầy". Ông Văn Bình, một người cho thuê nhà trọ trên địa bàn Q.11 - TP.HCM đánh giá: "Khi người dân khóa cửa nhà rời thành phố về quê hết, bọn trộm cũng lợi dụng tình thế đó hoạt động. Chúng tôi kinh doanh nhà trọ, mỗi khi hợp tổ, khu phố đều nhắc nhau về việc này, vừa phải tự bảo quản tài sản của mình, vừa phải trông chừng giúp phòng của người thuê”.

Những sự cố đừng để lặp lại trong dịp lễ này 10
Hãy cẩn thận cửa nẻo trong những ngày nghỉ dài.

Dạy con những điều cần làm khi bị lạc

Nếu trẻ được trang bị vài kĩ năng cần thiết, khi gặp nguy hiểm hoặc đi lạc thì việc tìm lại nhau sẽ dễ dàng hơn. Một vài điều mà các bậc cha mẹ cần dạy con từ sớm:

1. Bình tĩnh và chờ đợi

Tùy thuộc vào việc con bạn ở lứa tuổi nào và tính cách ra sao để có lời khuyên phù hợp cho con nếu bị lạc. Tuy nhiên cách phổ biến nhất là dặn trẻ nên bình tĩnh và chờ đợi. Việc trẻ hoảng sợ bỏ chạy rất có thể khiến khoảng cách giữa trẻ và người thân càng thêm xa nhau. Hãy giải thích cho trẻ hiểu: “Nếu lạc con ở nơi nào, bố/mẹ sẽ tìm con ở đó, do vậy hãy đứng yên trong phạm vi chúng ta bị lạc nhau”.

Nếu trẻ đứng yên ở nơi có nhiều người qua lại, mức độ an toàn sẽ càng cao hơn.

2. Chọn người giúp đỡ

Bé càng lớn tuổi càng nhận dạng được công an, cảnh sát, bảo vệ, nhân viên tạp vụ, nhân viên có mặc đồng phục,… Do vậy hãy dặn bé tìm đến những người ấy để nhờ giúp đỡ. Vì ngoài tình thương ra, họ còn có trách nhiệm phải giúp.

Tuy nhiên cũng dặn bé: Nếu thấy không hài lòng với ai đó thì phải khóc, la lớn hoặc manh dạn từ chối đi theo, từ chối sự tiếp cận của họ.

3. Những thông tin con cần nhớ

Nếu trẻ có thể nhớ, hãy cho bé học thuộc những thông cần thiết nhất: số điện thoại, địa chỉ nhà, tên người thân,… Phụ huynh có thể làm những chiếc card thông tin nhỏ, có in những thông tin cần thiết nhất và cho bé mang theo người.

4. Dùng công cụ hỗ trợ

Một chiếc còi có giá vài ngàn đồng nhưng rất hữu ích. Khi gặp nguy hiểm, khi đi lạc, bé thổi còi thật to, sẽ gây được sự chú ý tích cực với người xung quanh. Nếu trẻ lớn, có thể cho trẻ sử dụng điện thoại thông dụng, nghe gọi tốt.

Chia sẻ