Những quốc gia bị lãng quên
Vì những lý do khác nhau, mà chủ yếu là sự cách biệt về địa lý, nhiều quốc gia đã gần như vô danh trên bản đồ quốc tế. Nhiều nước còn phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn viện trợ quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm hạn chế, khó khăn, các lãnh thổ này còn tiềm ẩn những vẻ đẹp và giá trị riêng.
Cộng hòa Nauru (Thái Bình Dương)
Quốc đảo thuộc Thái Bình Dương có diện tích vỏn vẹn 21 km2 với dân cư chỉ khoảng 11.800 người. Nhờ đánh bắt cá và khai thác phốt – phát, người dân ở đây trở nên giàu có. Ngày nay, phốt – phát đã bị cạn kiệt và các mỏ gần như bỏ hoang. Nauru cũng phải nhập nước sạch từ Australia. Từ tháng 12/2005 đến tháng 9/2006, Nauru từng bị cô lập khi hãng hàng không duy nhất của quốc gia này là Air Nauru bị ngừng hoạt động.
Hiện nay, dù đường hàng không đã hoạt động trở lại, Nauru vẫn thưa vắng người ngoại địa qua lại. Từ năm 2008, chính quyền của nước này đã bắt tay với Australia xây dựng Trung tâm tạm giam Nauru nhằm giam giữ và xử lý những người tìm cách xâm nhập Australia trái phép. Điều này càng cho thấy tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập của Nauru. Quang cảnh ghi rõ dấu ấn của những ngọn núi trọc, ít cây cối, vách đá màu xanh và bao quanh là đại dương lộng gió của Nauru được ví như một áng thơ u sầu.
Niue (Thái Bình Dương)
Có diện tích khá lớn, 260 km2 nhưng lượng cư dân của quốc đảo Niue hay còn gọi là đảo đá Polynesia lại hết sức ít ỏi, chỉ khoảng 1.400 người, chủ yếu là người Polynesia. Từ năm 2003, Niue chịu sự quản lý của New Zealand, “người hàng xóm” thân cận nhất, cách đảo này 2.400 km. Mỗi tuần, Niue chỉ thực hiện hai chuyến bay nội địa. Cư dân của đảo quốc có những hang động đá vôi thăm thẳm, sống nhờ nguồn viện trợ nước ngoài, chủ yếu từ New Zealand. Chỉ có một đài truyền hình và một tờ báo tồn tại tại Niue. Đặc sản của Niue là giống khoai nước, được xuất khẩu rất nhiều sang Australia và New Zealand.
Kuwait (Trung Đông)
Nằm trên bờ Vịnh Ba Tư, giáp Ả Rập và Iraq, Kuwait được nhắc đến nhờ tình hình chiến sự, chính trị ở các nước láng giềng. Đất nước có dân số gần 3.1 triệu người sinh sống trên diện tích 17.818 km2. Điều đặc biệt là phần lớn lãnh thổ quốc gia này là sa mạc và là nước duy nhất trên thế giới không có một hồ tự nhiên hay hồ chứa nước nào. Có tới 9 hòn đảo, nhưng chỉ có một đảo duy nhất là Failaka có người dân sinh sống. Giống như nhiều quốc gia Trung Đông khác, Kuwait có kinh tế giàu có nhờ sở hữu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt phong phú. Ở đây cũng chỉ tồn tại một trường Đại học tổng hợp thu nhận chỉ khoảng vài trăm sinh viên. Vì vậy, chính phủ đặc biệt khuyến khích du học nước ngoài.
Cộng hòa Belarus (Đông Âu)
Ngoài cái tên khác là Bạch Nga, hình dung về một vùng đất có nhiều đầm lầy, thông tin về Belarus đối với người dân thế giới hiện vẫn còn khá hạn hẹp. Tổng số dân 10.293.011 người, sở hữu 11.000 hồ nước, Belarus dường như vẫn là một quốc gia bị lãng quên. Đất nước này từng được xếp hạng là có tỉ lệ chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em tốt nhất trong mọi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nơi đây ghi dấu ấn bởi thiên nhiên hùng vĩ, với công viên quốc gia Belavezhskaja, trải dài dọc biên giới Ba Lan. Đây cũng là khu rừng nguyên sinh lớn nhất châu Âu, một di sản thế giới, nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Cộng hòa Kyrgyzstan (Trung Á)
Trong số 5.264.000 dân cư của Cộng hòa Kyrgyzstan, chủ yếu là người Hồi giáo. Quốc gia giáp với biên giới với Kazakhstan, Trung Quốc, Tajikistan và Uzbekistan này có địa hình tự nhiên hết sức phong phú. 80% diện tích của Kyrgyzstan là núi đồi bao phủ lãnh thổ, khiến nơi đây được mệnh danh là “Thụy Sĩ vùng Trung Á”. Tuy nhiên, Kyrgyzstan lại ít được biết hơn các quốc gia cùng sở hữu diện tích tự nhiên đáng nể như Nepal, Peru, Canada. Quốc gia này cũng sở hữu một bề dày văn hóa và bản sắc dân tộc đặc biệt. Truyền thống bắt cóc cô dâu có lẽ là đặc điểm khiến Cộng hòa Kyrgyzstan được nhắc đến nhiều hơn cả.
Cộng hòa Suriname (Nam Mỹ)
Suriname là quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất về diện tích (165.000 km2) ở Nam Mỹ. Đất nước có nền văn hóa hết sức phong phú nhờ sự pha trộn bản sắc của Anh, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. 1/4 trong số 470.784 dân cư của đất nước này có cuộc sống khá chật vật với chỉ 2 USD/ngày. Thủ đô Paramaribo đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhờ kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng.
Cộng hòa Dân chủ São Tomé và Príncipe (Châu Phi)
Đảo quốc thuộc lãnh thổ châu Phi được chia làm 2 tỉnh: Príncipe, São Tomé. Trên diện tích 964 km2 với 60% là rừng rậm bao phủ, chỉ có 169.000 người sinh sống, São Tomé và Príncipe được đánh giá là một đất nước nhỏ và nghèo. Tuy vậy, nơi đây lại được ưu đãi về thiên nhiên hoang dã, với những bãi biển hoang sơ, rừng nhiệt đới tươi tốt và đất đai màu mỡ. Đó là lý do vì sao du lịch mang lại khoảng 62,4% GDP cho São Tomé và Príncipe.
Liên bang Comoros (Châu Phi)
Comoros là một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Thậm chí, đất nước có diện tích 2.170 m2 và dân số ước tính khoảng 596.202 người không có đến một trường Đại học. Thiên nhiên kém ưu đãi, các dịch vụ xã hội được coi trọng, nơi đây chỉ đón khoảng 25.000 lượt du khách mỗi năm. Hiện, đất nước đang trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế, giáo dục như một nỗ lực để được thế giới biết đến nhiều hơn.
Cộng hòa Togo (Châu Phi)
Togo là đất nước nói tiếng Pháp, có diện tích khoảng 56.785 km2, dân số khoảng 6.145.000 người. Chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, phải phụ thuộc nhiều vào các nguồn viện trợ nước ngoài. Tuy vậy, đây vẫn là địa điểm thích hợp để dã ngoại trên các vùng cao nguyên rừng rậm, thảo nguyên hoặc có được các loại thuốc quý từ thành phẩm động vật hoang dã.